02/06/2012 07:41 GMT+7

Hi hữu vụ tranh chấp hơn 1.000 tỉ đồng

CHI MAI - TÂM LỤA
CHI MAI - TÂM LỤA

TT - Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao về vụ tranh chấp khối di sản thừa kế trị giá cả ngàn tỉ đồng của bà T.K.P. (sinh năm 1946, ngụ P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) giữa con nuôi bà P. với anh chị em ruột của bà.

4jqk6Ynn.jpgPhóng to
Căn nhà của bà P. luôn đóng cửa - Ảnh:T.Lụa

Bà P. qua đời từ tháng 3-2011 và do chưa thỏa thuận được với nhau về việc sở hữu số di sản trên, các bên đã thống nhất cùng đem các tài sản gồm hiện vật và giấy tờ chứng nhận sở hữu tài sản gửi vào két của Ngân hàng Sacombank. Thế nhưng, hơn một năm qua số tài sản khổng lồ vẫn nằm yên trong két do hai bên còn tranh chấp. Ngày 30-5, hai bên tranh chấp đã đến làm việc với ngân hàng nhưng vẫn chưa thống nhất được ai sẽ được quyền quản lý các di sản của bà P. nên số tài sản này vẫn tiếp tục được gửi giữ tại ngân hàng. Toàn bộ di sản thừa kế của bà P. đã được các bên lập vi bằng (do Văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh lập) để làm bằng chứng.

Tài sản khổng lồ trong két sắt

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà T.K.P. sinh năm 1946, không có chồng, chỉ có một người con gái nuôi tên T.H.H.L.. Tháng 3-2011, bà P. mất đột ngột. Lúc này, chị L. đang du học ở nước ngoài đã về nước chịu tang mẹ. Sau tang lễ của bà P., các anh chị em cùng người con nuôi của bà đã cùng tìm kiếm khắp mọi chỗ trong nhà xem bà có để lại di chúc không nhưng không tìm thấy. Để có cơ sở phân chia số di sản để lại, người thân của bà P. đã quyết định cùng kiểm tra các tài sản của bà để lại thì mới bất ngờ phát hiện khối tài sản mà bà sở hữu quá lớn so với tưởng tượng của họ.

Theo lời kể của ông Lê Mạnh Hùng - trưởng Văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh (nơi đã lập vi bằng ghi nhận việc kiểm đếm tài sản của bà P.): “Đây là một vụ việc lập vi bằng đáng nhớ nhất của văn phòng thừa phát lại”. Ông Hùng cho biết sau khi bà P. chết, những người thân của bà đã tìm kiếm nhiều nơi, kể cả đến các cơ quan có chức năng nhận lưu giữ di chúc, nhưng không tìm thấy di chúc của bà. Chỉ còn một két sắt (đã khóa chặt) mà những người thân của bà không thể biết bên trong có gì nên đã quyết định cùng phá khóa két để kiểm tra. “Ban đầu người nhà đề nghị phải mời chính quyền hay công an địa phương đến để lập biên bản. Nhưng sau khi biết các cơ quan này không có chức năng đó nên đã tìm đến văn phòng thừa phát lại của chúng tôi. Lúc đầu chúng tôi cũng gặp chút khó khăn do có một số người thân của bà P. chưa hiểu về chức năng của chúng tôi nên đã ngăn cản, nhưng sau khi được giải thích thì họ đồng ý” - ông Hùng chia sẻ.

Một thợ khóa được mời đến để phá khóa két trước sự chứng kiến của con nuôi bà P., các anh chị em của bà và các thừa phát lại. Mất cả buổi thợ khóa mới mở được khóa két. Theo lời ông Hùng, chiếc két sắt chỉ có kích thước trung bình, không lớn lắm nhưng tài sản chứa đựng trong két đã gây sửng sốt cho tất cả mọi người chứng kiến sự việc. Phải mất cả tuần làm việc các bên mới kiểm đếm xong số tài sản trong két và tại các tủ hồ sơ, bàn làm việc của bà P. trước sự chứng kiến, lập biên bản ghi nhận sự việc của thừa phát lại.

Nhiều bọc nilông đựng nữ trang vàng, gắn đá, hột xoàn đắt tiền cùng tiền mặt, vàng miếng, nhiều sổ tiết kiệm ngân hàng (cả tiền VN và ngoại tệ), hàng chục giấy tờ nhà đất với diện tích lớn tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác được trưng bày trước mặt mọi người. Chỉ tính riêng các sổ tiết kiệm bằng USD đã hơn 1 triệu USD. Các lô đất, nhà mà bà P. sở hữu là những mặt bằng nhà xưởng rộng lớn, có giá trị. Theo đánh giá của những người thân bà P., khối tài sản của bà trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.

Tiếp tục gửi ngân hàng

Kể về quá trình lập vi bằng vụ này, ông Hùng cho biết: “Do tài sản của bà P. để lại quá nhiều, chúng tôi phải làm việc nhiều ngày. Cứ hết ngày các bên lại niêm phong két sắt, khóa cửa, niêm phong cánh cửa trước sự chứng kiến của chúng tôi để đến ngày mai lại kiểm đếm tiếp”. Sau khi kết thúc kiểm đếm, hai bên (chị L. và ông T.V.Ph. - đại diện các anh chị em của bà P.) cùng ký thỏa thuận sẽ liệt kê và niêm phong các giấy tờ pháp lý liên quan đến bất động sản và chứng từ có giá gửi ngân hàng, có sự đồng ý của hai bên thì mới được rút ra hoặc khi có yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hai bên sẽ rút ra để giao cho các cơ quan này. Chính vì có sự ràng buộc cả hai bên cùng yêu cầu mới được lấy tài sản ra nên hơn một năm qua, dù chị L. có muốn lấy tài sản nhưng phía ngân hàng cũng không giải quyết bởi hợp đồng thuê két là do hai người cùng ký.

Ngày 1-6, nhiều lần chúng tôi liên hệ với ông Ph. (em trai bà P.) để tìm hiểu thêm sự việc nhưng ông từ chối với lý do đang bận. Nhà bà P. ở đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú rộng nhưng có phần cũ kỹ và luôn đóng cửa, cũng không thấy chuông cổng. Chúng tôi gọi nhiều lần nhưng không thấy ai mở cửa.

Chị Sương, một hàng xóm nhà bà P., cho biết: “Bà P. ít tiếp xúc với người dân xung quanh, bà sống rất giản dị, chỉ có một vài bộ đồ cũ, chạy chiếc xe Dream cũ. Nhà bà luôn cửa đóng then cài. Con gái nuôi của bà đi đâu cũng bịt khẩu trang, đội mũ, ra khỏi cổng là lên xe, có vệ sĩ đi kèm bảo vệ. Hôm nay có nhiều người xưng là luật sư và nhà báo đến tìm hiểu sự việc nhưng bảo vệ nhà bà P. không cho vào.”

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (cán bộ UBND P.Hiệp Tân) cho biết giấy báo tử bà P. ở UBND phường ghi nguyên nhân do đột quỵ. Theo chị Nguyệt, bà P. rất hay giúp đỡ người nghèo trong phường mỗi dịp tết. Phường kêu gọi ủng hộ các hoạt động của địa phương bà cũng thường tham gia. Bà P. còn có nhiều khu đất đai rộng lớn trên địa bàn phường. Theo thông tin chúng tôi được biết, đến nay TAND TP.HCM chưa nhận được đơn kiện của các bên về vụ tranh chấp này.

Theo luật sư Lê Đình Phạt - Đoàn luật sư TP.HCM, trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì theo điều 675 Bộ luật dân sự, di sản sẽ do những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất thừa kế gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu không có ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất, di sản mới được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Sau đó, nếu không có ai ở hàng thừa kế thứ hai mới đến hàng thừa kế thứ ba gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Người thừa kế theo pháp luật có thể đến cơ quan công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Nếu có anh chị em hoặc người thân của người chết tranh chấp về khối di sản thừa kế hoặc cho rằng mình gửi tài sản cho người chết để đầu tư, làm ăn... nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa án để nhờ tòa phân xử. Khi xét xử, tòa sẽ xem xét chứng cứ do bên tranh chấp cung cấp về việc thật sự có hùn hạp, đầu tư, gửi tiền giữ giùm... hay không để có cơ sở phán quyết.

CHI MAI - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên