21/05/2012 16:08 GMT+7

Tái cơ cấu: hàng nghìn dự án có thể hoãn

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng. Đó là một trong những nội dung của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày.

Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII

Theo Bộ trưởng Vinh, trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, tái cơ cấu kinh tế bao gồm hai nội dung chủ yếu: tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài. Về ưu tiên trước mắt, 5 năm tới ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, trước hết là để loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các DNNN phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Bộ trưởng Vinh cho biết tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức. Trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch và có thể thấp hơn so với trước đây. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại. Thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều doanh nghiệp yếu kém, sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với những phí tổn không nhỏ.

“Vì vậy, cần phải có các giải pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác” - Bộ trưởng Vinh nói.

Thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước độc lập

Ủy ban kinh tế cũng đưa ra nhiều ý kiến đối với trọng tâm tái cơ cấu DNNN. Hầu hết các thành viên ủy ban này đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế, mà DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao.

Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra khỏi các ngành kinh doanh không liên quan nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhất là trong lĩnh vực tài chính liên quan chặt chẽ đến đề án tái cơ cấu thị trường tài chính, nên cần có lộ trình thực hiện một cách cẩn trọng để tránh gây đột biến lớn đối với nền kinh tế.

Ngoài ra, kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.

Nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tương đối độc lập và được trao đầy đủ thẩm quyền. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty...

Trình Quốc hội xem xét miễn giảm một số loại thuế

Đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1-2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2011 (5,57%) và 2010 (5,84%), báo cáo của Chính phủ cho biết.

Sáng 21-5, khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Từ kỳ họp thứ 2 đến nay các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả".

1SShBItp.jpgPhóng to

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng

ITMALfGe.jpgPhóng to

Quang cảnh buổi khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, ở trong nước, kinh tế phát triển chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp cùng với những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân đang làm khó khăn thêm cho việc đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012.

Theo báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1-2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%.

Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Trong đó, đặc biệt cần điều chỉnh giảm lãi suất vay phù hợp với mức giảm của lạm phát; tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp. Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước; đồng thời trình Quốc hội xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế.

Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để bảo đảm lạm phát mục tiêu năm 2012 khoảng 8 - 9%.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng sau:

Một là, xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...

Hai là, xem xét, thông qua 13 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật giá; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật giáo dục đại học; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam; nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Ba là, xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thủy điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên