17/05/2012 07:45 GMT+7

Phòng chống tham nhũng: Điều quan trọng là không thỏa hiệp

VÕ VĂNT HÀNH - LÂM HOÀI thực hiện
VÕ VĂNT HÀNH - LÂM HOÀI thực hiện

TT - Đó là ý kiến của ông Trần Đại Hưng (nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư) đối với việc thành lập Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, lập lại Ban Nội chính T.Ư.

yN8PJgzZ.jpgPhóng to

Ông Trần Đại Hưng - Ảnh: Lâm Hoài

Ông Trần Đại Hưng nói:

- Cá nhân tôi rất đồng tình chủ trương này của T.Ư Đảng. Chúng ta thấy rằng lâu nay công tác PCTN nói chung chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”, việc để ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là một trong những giải pháp cần thiết. Như vậy, trên thì có ban chỉ đạo ở cấp cao nhất của Đảng, dưới có cơ quan thường trực hoạt động chuyên trách, tránh được cách làm theo lối kiêm nhiệm, họp hành theo định kỳ và phần nào đó bị hành chính hóa. Việc quyết định tái thành lập Ban Nội chính T.Ư lần này vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo là hợp lý, vì Ban Nội chính có chức năng tham mưu cho Đảng về tổ chức, hoạt động của các cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm, bao gồm cả tội phạm tham nhũng.

* Theo ông, chủ trương thay đổi lần này sẽ giải quyết được vấn đề gì trong chỉ đạo, điều hành công tác PCTN?

- Đó không chỉ là ý kiến của riêng tôi và các anh em làm nghiên cứu. Chính các ngành trong khối nội chính như công an, viện kiểm sát, tòa án đã có những ý kiến đề xuất tái lập Ban Nội chính T.Ư. Qua kinh nghiệm công tác cho thấy hoạt động tố tụng thường rất phức tạp, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thuộc chức năng của các cơ quan khác nhau tùy theo từng công đoạn cụ thể. Nếu các cơ quan đó hoạt động trong điều kiện có Ban Nội chính T.Ư thì ban này sẽ tham mưu cho Đảng để nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tố tụng, đồng thời phát hiện, đề xuất sự phối hợp khi cần thiết.

* Theo ông, việc tái lập Ban Nội chính T.Ư lần này cần rút kinh nghiệm gì từ hoạt động của Ban Nội chính trước đây?

- Không thể giữ nguyên mô hình của Ban Nội chính trước đây, cần phải có sự đổi mới, phát triển. Trước hết phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính lần này là gì, tổ chức ra sao. Trước đây cũng có lúc này lúc khác Ban Nội chính làm chưa đúng chức năng, can thiệp quá sâu vào công việc của các cơ quan chuyên môn. Ban Nội chính được tái lập lần này phải đi vào nghiên cứu, tham mưu cho Đảng những quyết sách lớn về xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan tư pháp.

o2OMtBni.jpgPhóng to

Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: Việt Dũng

"Tôi nghĩ rằng Ban Nội chính T.Ư lần này không nên hoàn toàn giống trước đây và cũng không phải như Văn phòng ban chỉ đạo lâu nay. Ban Nội chính lần này sẽ đóng “hai vai”, theo tôi, nên nhấn mạnh “vai” cơ quan thường trực của ban chỉ đạo. Cần có sự nghiên cứu, thảo luận thật kỹ lưỡng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Nội chính lần này, sao cho cơ quan này trở thành một cơ quan thường trực có đủ thẩm quyền để đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu và thậm chí quyết định một số vấn đề liên quan trong công tác PCTN"

Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư)

* Theo ông, làm sao để việc tái lập Ban Nội chính lần này vừa kế thừa được những chức năng quan trọng trước đây, đồng thời đảm bảo không làm thay cơ quan nhà nước?

- Ở đây quan trọng là phương pháp làm, cũng như nhận thức về việc làm tham mưu như thế nào. Việc tham mưu cho cấp ủy các cấp là để có sự lãnh đạo tốt hơn, chứ không phải cấp ủy hoặc cá nhân cấp ủy có quyết định thay cơ quan chức năng, ví dụ như không có chuyện cấp ủy ra nghị quyết phải khởi tố bị can, xử lý ở mức độ này mức độ khác... Cấp ủy lãnh đạo về chính trị, về tư tưởng, về quyết tâm, nếu người ta làm sai pháp luật thì mình có ý kiến. Đó là phương pháp làm việc của ban nội chính các cấp.

* Nhiều nước trên thế giới có mô hình cơ quan PCTN rất mạnh, đủ thẩm quyền khởi tố, bắt giữ quan chức cấp cao của nhà nước. Chúng ta có nên áp dụng kinh nghiệm này vào hoạt động của ban chỉ đạo cũng như Ban Nội chính tới?

- Theo tôi được biết, ở Trung Quốc, Ủy ban Chính pháp (tương tự như Ban Nội chính của ta) được giao nhiệm vụ xử lý những vụ án tham nhũng lớn. Khi đã giao như vậy thì người ta phải có lực lượng và được áp dụng biện pháp tố tụng, đụng chạm đến “cỡ bự” như ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị... Ở nước ta lâu nay chưa có một cơ quan trực tiếp làm như vậy, nhưng chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp, các ngành. Theo mô hình tới đây, khi Ban Nội chính T.Ư tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị để có sự chỉ đạo đối với các tổ chức Đảng ở các cấp, các ngành thì hoàn toàn có thể xử lý những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

* Cá nhân ông khi làm lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư có bao giờ gặp phải những trường hợp can thiệp vào vụ việc nào đó bằng điện thoại, thư tay...?

- Trong quá trình tôi làm cũng gặp nhiều chứ không phải ít. Quan trọng là xử lý cái đó như thế nào, nếu thấy xuất hiện ý kiến nào đó không phù hợp với pháp luật thì phải điều chỉnh, ngăn chặn ngay.

* Nhưng làm thế nào để ngăn chặn được, thưa ông?

- Đối với cơ quan nào cũng vậy, giao cho người ta quyền lực đồng thời phải có cơ chế giám sát, kiểm tra. Ai giám sát Ban Nội chính cũng là vấn đề.

* Vậy ai sẽ giám sát?

- Chúng ta không thiếu cơ chế giám sát, trong đó có quy định về giám sát trong Đảng. Bản thân các ngành khi thấy Ban Nội chính hoặc cá nhân nào trong Ban Nội chính làm không đúng, họ sẽ phản ảnh ngay. Ví dụ như Ban Nội chính xuống ngành kiểm sát mà chỉ đạo sai, người ta sẽ phản ảnh rằng anh làm như thế là sai chức năng. Điều quan trọng ở đây là chống sự thỏa hiệp. Chẳng hạn với một vụ án phức tạp, Ban Nội chính xuống làm việc với ngành tòa án, giữa hai bên mà thỏa hiệp với nhau làm sai thì cái đó rất nguy hiểm. Ở vị trí của Ban Nội chính cần phải hết sức công tâm, trong sáng mới làm việc được.

VÕ VĂNT HÀNH - LÂM HOÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên