12/05/2012 07:45 GMT+7

Nên có cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 11-5, nguồn tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) cho hay “Đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo” đã được báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Hội nghị trung ương 5 (khóa XI) đang diễn ra.

Qua thông tin tổng hợp cho thấy trong giai đoạn hiện nay vẫn cần thiết duy trì Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tuy nhiên đã có rất nhiều đề xuất khác nhau về mô hình Ban chỉ đạo, trong đó có một số phương án nhận được nhiều ý kiến đề xuất.

Thứ nhất, Ban chỉ đạo ở trung ương giữ như hiện nay, nhưng cần hoàn thiện thêm cơ chế hoạt động; bổ sung thành viên (cả chuyên trách và kiêm nhiệm); chuyển văn phòng Ban chỉ đạo thành cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, đồng thời tăng trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho cơ quan thường trực này. Cụ thể, Ban chỉ đạo có các chức năng chủ yếu là “chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp, đôn đốc” công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi toàn quốc, theo đó cơ quan thường trực ít nhất đảm nhiệm được hai chức năng là “kiểm tra và đôn đốc”. Một trong những ưu điểm của phương án nêu trên tránh được sự xáo trộn lớn.

Thứ hai, Ban chỉ đạo đặt trực thuộc Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban. Thành viên Ban chỉ đạo gồm phó thủ tướng Chính phủ làm phó trưởng ban, các ủy viên như hiện nay. Chuyển Văn phòng Ban chỉ đạo thành cơ quan của Quốc hội giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Thứ ba, Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư (hoặc thường trực Ban Bí thư) trực tiếp làm trưởng ban, một số ủy viên Bộ Chính trị là thành viên. Nếu theo phương án này, dự kiến thành lập lại Ban Nội chính trung ương và là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Ngoài ra, cũng có những ý kiến đề xuất thành lập Ủy ban PCTN trung ương dưới sự lãnh đạo của Đảng (trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng), được tổ chức độc lập, đủ thẩm quyền, đồng thời quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề trên, một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề được dư luận chờ đợi, kỳ vọng nhất hiện nay là Trung ương Đảng đề ra được những chủ trương, giải pháp quyết liệt, có tính đột phá, khả thi cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực PCTN.

Nhiều năm hoạt động trong ngành thanh tra, ông Vũ Phạm Quyết Thắng (nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ) cho rằng mô hình Ban chỉ đạo hiện nay vẫn còn mang tính chất hành chính trong hoạt động. Theo ông Thắng, cơ quan PCTN ở trung ương nên là một cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền để thực thi nhiệm vụ của mình trên cơ sở một hành lang pháp lý hoàn chỉnh.

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) nói trong Chính phủ hiện nay đã có các cơ quan chuyên trách làm công tác PCTN ở Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ..., hơn nữa như Tổng bí thư đã phát biểu: “Đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân và gắn trực tiếp với việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”, do vậy công tác PCTN cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) phân tích: “Thực tế cho thấy cơ quan hành chính nhà nước các cấp là nơi điều hành trực tiếp các vấn đề kinh tế - xã hội hằng ngày, do vậy nhiều cử tri đã nêu ý kiến là nếu để cho người đứng đầu cơ quan hành chính làm trưởng ban chỉ đạo PCTN thì có chỗ không phù hợp. Ở đây, cho dù người đứng đầu rất trong sạch, nhưng vấn đề là thiết kế mô hình sao cho đảm bảo được tính khách quan”.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên