07/05/2012 07:53 GMT+7

Cướp gỗ sưa trong rừng Phong Nha

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Trấn lột, cướp bóc và hỗn chiến đã xảy ra trong rừng Phong Nha. Thông tin này được những người vừa thoát khỏi điểm nóng thuật lại với Tuổi Trẻ chiều 6-5.

XwE5eZnr.jpgPhóng to

Hiện trường cuộc hỗn chiến trên đèo Đá Đẽo, thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đêm 5-5 - Ảnh: Hải Thành

1unFZvIu.jpgPhóng to
Một miếng gỗ sưa đã được đưa về nhà dân tại xã Phúc Trạch và đang được chào bán công khai với giá lên cả tỉ đồng - Ảnh: Hải Thành

Trong đêm 5-5, tại khu vực rừng Phong Nha thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra va chạm giữa những người dân ở các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch đi rừng về với một nhóm người từ nơi khác tới. Đến sáng 6-5, trên đoạn đường Hồ Chí Minh ở chân đèo Đá Đẽo thuộc Khe Gát (xã Xuân Trạch), hàng trăm người dân tụ tập, bao vây một nhóm hàng chục người từ nơi khác kéo nhau đến bằng bốn ôtô. Một ôtô loại bảy chỗ của nhóm người lạ chạy đâm vào cột mốc lộ giới và dừng lại liền bị hàng chục người dân xông vào lật xuống vệ đường và đập phá tơi tả. Sau khi lực lượng công an đến, trận hỗn chiến mới vãn dần.

Trấn cướp gỗ

Nghiên cứu khởi tố vụ án

Chiều 6-5, Tỉnh ủy Quảng Bình họp xử lý tình hình khai thác trái phép gỗ sưa tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Thông tin tại cuộc họp cho thấy gỗ sưa bị chặt ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng là có thật. Có ý kiến cho rằngsự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thậm chí có những dấu hiệu không bình thường, cần khởi tố vụ án đểđiều tra.

Kết luận cuộc họp, ông Lương Ngọc Bính, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, chỉ đạo vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phải nhanh chóng phát ngôn chính thức về tình hình vừa qua và đề xuất biện pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những hoạt động vi phạm pháp luật nhằm sớm ổn định tình hình. Chi cục kiểm lâm và Công an tỉnh nghiên cứu để khởi tố vụ án nhằm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Một người dân địa phương xã Xuân Trạch cho biết từ đêm 5-5 ở chân rừng, gần trạm kiểm lâm Khe Sến đã xảy ra vụ trấn cướp tám miếng gỗ sưa đang được gùi từ trong rừng ra. Số gỗ sưa này trị giá hàng tỉ đồng của một nhóm thương lái ở xã Sơn Trạch mua được từ khu vực Hung Trí - nơi ba cây gỗ sưa bị đốn hạ. Khi người dân đang cõng thuê số gỗ này từ rừng ra cho nhóm thương lái thì bị một nhóm người lạ trấn cướp. Sau khi cướp xong, nhóm này buộc người dân tiếp tục cõng gỗ ra khỏi rừng.

Trên đường ra, một người dân trong nhóm cõng thuê thoát được chạy về báo cho người làng và người dân địa phương kéo nhau đi cướp lại gỗ. Đến sáng 6-5 tại hiện trường không còn một miếng gỗ nào. Cũng theo nguồn tin này, có bảy người ở Khe Gát bị một nhóm người lạ bắt đưa đi đâu đến sáng vẫn chưa thấy về.

Anh N.H., một người dân xã Phúc Trạch vừa từ trong rừng Hung Trí ra, cho biết đến chiều 6-5 trong rừng vẫn còn khoảng 500 người, bao gồm cả dân lẫn đầu nậu và các nhóm bảo kê, trấn cướp. Không chỉ có người Quảng Bình mà còn nhiều nhóm người từ các địa phương khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Trị, thậm chí cả ở TP.HCM, cũng có mặt. Nhiều người mang theo vũ khí quân dụng, mìn tự tạo, dao, kiếm, mã tấu để trấn cướp hoặc bảo kê cho đầu nậu gỗ.

Anh C., một người dân ở Xuân Trạch, kể: “Tôi cũng có đi rừng mấy hôm, mong kiếm được chút rễ sưa. Nhưng rồi thấy cảnh súng ống, dao kiếm loạn xạ sợ quá nên phải về không. Mọi người cứ nghe nói, tưởng vào là kiếm được đôi miếng gỗ vụn hoặc ít rễ nhưng không phải vậy. Bây giờ vào rừng không tìm được gì mà còn nguy hiểm đến tính mạng”.

Gỗ đã ra khỏi rừng

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, phần lớn số gỗ đã đưa ra khỏi rừng, hiện trong rừng Hung Trí chỉ còn trên 100 miếng gỗ sưa chưa đưa ra được. Số gỗ này hiện đang được cất giấu nhiều nơi trong các hang hốc, vùi lấp trong đất, cây cỏ. Một số người chuyên tìm gỗ sưa tiếp tục tìm thấy thêm hai cây gỗ sưa nhỏ ngay trong khu vực đã tìm thấy ba cây lớn. Theo một người đi rừng ở Phúc Trạch, trong ngày 6-5 đã có gần 100 người dân ở Phúc Trạch và các xã lân cận tiếp tục kéo nhau vào rừng, bất chấp nguy hiểm.

“Khổ nhất là hiện nay nhiều người dân đã vào rừng nhưng không thể về. Vì ai trên đường về đều bị cánh bảo kê, trấn cướp chặn lại, buộc phải khai ra chỗ cất giấu gỗ mới được về, nếu không khai là bị đánh đập. Nhiều người dân, kể cả một số chủ gỗ, đầu nậu, bảo kê... cũng lâm vào tình trạng ra không được mà ở thì chết đói, chết khát.

Anh T., một người dân ở Phúc Trạch, cho biết đường ra của gỗ sưa chủ yếu theo tuyến Cầu Treo (đường cũ trong chiến tranh) vượt sông Chày, Trộ Mợng, Eo Gió, hang Cáo. Có khoảng 120 miếng gỗ (40-59kg/miếng) đã được đưa ra theo tuyến này.

Giá gỗ sưa cao hơn nhiều so với giá trị thực

Trước thông tin về việc tại một số địa phương có tình trạng chặt phá trái phép gỗ sưa (còn gọi là gỗ huê, trắc thối), trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Nghĩa - viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp VN - tỏ ra rất ngạc nhiên và cho biết các nhà khoa học nghiên cứu về lâm nghiệp của viện cũng như đồng nghiệp bên Trung Quốc cũng không hiểu vì sao gỗ sưa lại được mua với giá cao quá mức so với giá trị thực như vậy.

Theo ông Đoàn Văn Thu - phó viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp VN, mặc dù gỗ sưa được xếp vào danh sách quý hiếm, cấm khai thác, vận chuyển nhưng đây chỉ là loài hiếm trong tự nhiên, có tính chất gỗ tốt chứ không có đặc tính nào khác có giá trị về mặt dược liệu. Ngoài ra, mặc dù dễ trồng nhưng gỗ sưa có tốc độ sinh trưởng chậm, thường phải trồng sau mười năm mới đạt được đường kính gốc 10cm, trong khi các loài cây khác cùng thời gian đó có thể đạt đường kính gốc lên tới 30cm. Thậm chí, ông Thu cho rằng về độ bền cơ học thì gỗ sưa không tốt bằng gỗ trắc, gỗ lim. Chính vì vậy, ông Thu cho hay rất nhiều nhà khoa học về lâm nghiệp đã ngạc nhiên trước thông tin Trung Quốc mua gỗ sưa với giá cao và tình trạng người dân nhiều nơi chặt phá trái phép gỗ sưa bán kiếm lời.

K.HƯNG

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên