*Trách nhiệm của ông Đinh La Thăng đến đâu?
Kết thúc thanh tra tại PVN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải xử lý về tài chính lên đến trên 18.200 tỉ đồng.
Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 30.000 tỉ đồng
Phóng to |
PVN đã ứng vốn sai quy định hàng trăm tỉ đồng cho tỉnh Cà Mau làm đường từ TP Cà Mau đến Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Trong ảnh: một góc Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau - Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc họp báo ngày 5-4, đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo ý kiến của Thủ tướng về kết quả thanh tra Tập đoàn Dầu khí VN (PVN).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu PVN rà soát việc đầu tư ra ngoài ngành và đầu tư tại các công ty liên kết, đánh giá hiệu quả đầu tư và số liệu các đơn vị bị thua lỗ; tập trung vào ngành nghề chính, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh bị thiệt hại, lãng phí. PVN có trách nhiệm kiểm tra đánh giá hiệu quả các gói thầu chỉ định không đúng quy định, làm rõ nguyên nhân và kết luận trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sai phạm; tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra, kết luận trách nhiệm và xử lý nghiêm túc đối với các cá nhân có sai phạm.
Đầu tư không đúng quy định
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVN đã được kiểm toán, tổng tài sản, nguồn vốn của tập đoàn đến hết năm 2010 lên đến trên 466.000 tỉ đồng. Doanh thu của tập đoàn trong giai đoạn từ năm 2006-2010 đạt gần 689.500 tỉ đồng. Với việc quản lý một nguồn vốn, tài sản khổng lồ như vậy, PVN đã để xảy ra sai phạm trong nhiều khâu như công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp của PVN. Theo TTCP, kết thúc đợt thanh tra, cơ quan này kiến nghị xử lý về tài chính lên đến trên 18.200 tỉ đồng.
Cụ thể, TTCP xác định PVN đã sử dụng hơn 15.600 tỉ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí là không đúng quy định.
Về hoạt động ứng vốn đầu tư và đầu tư tài chính ra ngoài công ty mẹ, TTCP xác định PVN đã tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang trên 622 tỉ đồng để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi không có chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong việc trích lập, quản lý quỹ đầu tư phát triển, PVN đã ứng vốn từ nguồn quỹ này cho tỉnh Cà Mau với số tiền hơn 352 tỉ đồng để đầu tư vào dự án đường từ TP Cà Mau đến Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau và đường vào ấp Bào Nhàn (xã Hồ Thị Kỷ) không thuộc công trình dầu khí. Sau đó, PVN đã có văn bản đề nghị tỉnh hoàn trả vốn cho tập đoàn nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa có văn bản nào xác nhận hoàn trả hay bù trừ vào ngân sách tỉnh. Trong công tác quản lý quỹ nghiên cứu khoa học - đào tạo, PVN đầu tư gần 12 tỉ đồng xây dựng Trường THPT Đất Mũi là sai phạm theo các quy định của Nhà nước.
TTCP cũng xác định PVN chưa thu hồi hết số tiền thu được từ cổ phần hóa tại một số đơn vị với tổng giá trị trên 1.992 tỉ đồng và hơn 185 tỉ đồng tiền lãi.
Đầu tư không có lãi
Tính đến hết năm 2010, tổng giá trị đầu tư tài chính ra ngoài công ty mẹ gần 114.600 tỉ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào lĩnh vực điện, năng lượng với số tiền trên 11.400 tỉ đồng chưa có lợi nhuận do các dự án đều đang trong quá trình xây dựng.
Đối với việc đầu tư của các tổng công ty là đơn vị thành viên PVN, TTCP chỉ ra trong năm 2009 có 37 công ty được đầu tư hơn 1.269 tỉ đồng nhưng kinh doanh không có lãi, năm 2010 có 42 công ty được đầu tư hơn 2.375 tỉ đồng cũng kinh doanh không có lãi.
Trong quản lý đầu tư xây dựng, PVN cùng một số đơn vị thành viên đã chỉ định thầu một số gói thầu có giá trị gần 775 tỉ đồng, hơn 110 triệu USD và trên 600.000 euro cho những đơn vị không thuộc PVN. Điều này vi phạm quy định về chỉ định thầu cung cấp dịch vụ thực hiện các dự án đầu tư.
Ngoài ra, PVN thực hiện mua tàu khảo sát địa chấn 2D đã quá 10 năm so với quy định đăng kiểm nhưng không báo cáo Thủ tướng. Sau khi PVN cho phép Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) chuyển nhượng tàu này cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN (PTSC) hơn một năm nhưng hai bên chưa thanh toán tiền theo hợp đồng...
Trách nhiệm của ông Đinh La Thăng đến đâu? Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có xác định trách nhiệm của ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐTV PVN - trong giai đoạn bị thanh tra hay không, ông Ngô Văn Khánh, phó tổng TTCP, cho biết trách nhiệm cụ thể của chủ tịch tập đoàn hoặc các thành viên bên dưới như thành viên HĐTV, các tổng giám đốc phải gắn với việc kiểm nghiệm rà soát. Từ sai phạm cụ thể, thiếu sót ấy mới quay ngược trở lại đánh giá vai trò trách nhiệm từng người một. Về vấn đề vì sao không nêu rõ trách nhiệm từng cá nhân, ông Khánh cho rằng ở những cuộc thanh tra lớn như PVN, đương nhiên trách nhiệm người đứng đầu là có, nhưng đến đâu phải thực hiện theo quy trình của pháp luật. Ông Khánh dẫn chứng “ông là tổng giám đốc, ở dưới sai thì ông phải chịu trách nhiệm”. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về kết luận thanh tra của TTCP liên quan đến PVN, đặc biệt là việc PVN đã sử dụng hơn 15.600 tỉ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại nhưng lại dùng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí, ông Lê Minh Hồng, phó tổng giám đốc PVN, cho biết những vấn đề trong kết luận thanh tra chủ yếu là do cách hiểu khác nhau. PVN đã giải trình và đợi kết luận của cấp có thẩm quyền. Muốn hỏi những vấn đề liên quan đến kết quả thanh tra PVN, ông Hồng đề nghị báo chí cần làm văn bản để PVN huy động các ban chức năng trả lời. Về việc sai phạm liên quan trách nhiệm của những ai, có trách nhiệm của nguyên chủ tịch PVN, hiện là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng không, ông Lê Minh Hồng cho biết sẽ còn phải xem xét cụ thể thêm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận