28/03/2012 08:30 GMT+7

Khó siết chặt chuyển viện

NHÓM PV, CTV
NHÓM PV, CTV

TT - Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố “quy chế chuyển viện (tuyến dưới lên tuyến trên) phải ngặt nghèo”, không chỉ bệnh viện băn khoăn mà người bệnh cũng lo, bởi tâm lý lâu nay: đi tuyến trên mới an tâm.

3B8OBR5d.jpgPhóng to
Do quá tải, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân đến điều trị phải nằm dưới gầm giường - Ảnh: Thanh Đạm

Trả lời chất vấn trong phiên họp ngày 26-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố: “Quy chế chuyển viện (tuyến dưới lên tuyến trên) phải ngặt nghèo”. Liệu lời tuyên bố này có trở thành hiện thực trong khi các bệnh viện tuyến dưới đang yếu kém về nhiều mặt?

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), hiện năng lực giữa các tuyến có sự khác biệt lớn. Không chỉ giữa tuyến trên với tuyến dưới mà còn cả giữa các cơ sở tuyến dưới với nhau. Có nhiều bệnh viện tỉnh đã có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu, tuy nhiên vẫn rất khó trong việc tuyển bác sĩ và đầu tư trang thiết bị. Việc Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng “quy chế chuyển viện ngặt nghèo” chỉ là sự thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm thúc đẩy các nơi phải phấn đấu.

Mất niềm tin vào tuyến dưới

Tại Hà Nội, theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, nguyên trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư, có đến 60-70% bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi T.Ư mắc các bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, như sổ mũi, ho, viêm phế quản, viêm phổi... “Bệnh viện tuyến dưới đã làm mất lòng tin của bệnh nhân nên họ không chịu đến chữa bệnh. Tôi hỏi các chị đưa con đến bảo cháu bệnh nhẹ, sao không chữa gần nhà, họ nói lên đây các bác cho thuốc cháu khỏi bệnh nhanh, chứ vào bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh không khỏi, lại phải chuyển lên nữa thì khổ các cháu” - ông Nhuận nói.

Bác sĩ Vũ Trí Thanh - phó trưởng phòng nghiệp vụ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - nói trình độ tuyến dưới không đồng đều làm thiệt thòi cho các bệnh viện đã đầu tư và làm tốt vì người dân vẫn chưa tin. Một số bệnh viện tỉnh thực hiện được các kỹ thuật cao như mổ tim hở, mổ nội soi, can thiệp nội mạch... thế nhưng vẫn rất thiếu bác sĩ chuyên khoa và các chuyên gia sâu trong các lĩnh vực mà công tác điều trị thực tế đòi hỏi. Theo bác sĩ Thanh, hiện có tình trạng nhiều bệnh viện tỉnh không những không khuyến khích bác sĩ đi học mà khi tự thân bác sĩ đi thi, đậu rồi mà bệnh viện không cho học. Có bác sĩ đã chấp nhận nghỉ việc để được đi học.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương (Hà Nội) - cho hay trong số bệnh nhân đến điều trị hằng ngày tại bệnh viện có 10% là bệnh nhân vượt tuyến. Theo ông Sỹ, có thể họ chỉ mắc bệnh ở mức độ bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị được, nhưng do tâm lý và lòng tin, họ vẫn thích bệnh viện trung ương hơn, không muốn khám, điều trị tại bệnh viện địa phương.

Ông Sỹ cũng nói năm năm trước, số bệnh nhân vượt tuyến luôn chiếm đến 50% tổng số bệnh nhân điều trị, hiện đã giảm nhiều. Bệnh viện Phổi trung ương đã phải đưa ra “quy định thép” đối với bệnh viện tuyến dưới: chỉ những ca bệnh khó, không đủ khả năng điều trị mới được ký giấy chuyển. Nếu chuyển lên bệnh viện những ca bình thường, bệnh viện kiên quyết không nhận.

Theo nhiều bệnh nhân từng điều trị tại Trung tâm điều trị ung bướu và y học hạt nhân của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có những thời điểm mỗi giường bệnh phải chứa 5-6 bệnh nhân. Còn tại Bệnh viện K, tình trạng bệnh nhân phải ngồi để truyền dịch, ngồi để chữa bệnh không phải là xa lạ. Khổ như thế, chẳng ai muốn lên trung ương làm gì, nhưng cái khó của chuyên khoa ung bướu là chưa xây dựng được hệ thống ngành dọc tới tuyến tỉnh, nên bệnh nhân phía Bắc phải lên thẳng Hà Nội, bệnh nhân phía Nam thì vào TP.HCM.

H9Cgnksw.jpgPhóng to
Một bệnh nhân ở Thanh Hóa ngồi chờ được khám bệnh tại khuôn viên khoa tim Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thiếu người, thiếu phương tiện

Bác sĩ Nguyễn Trung Trực - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết hiện nay bệnh viện vẫn phải chuyển khá nhiều bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Trong năm 2011, bệnh viện chuyển trên 10.000 bệnh nhân lên tuyến trên (nội trú và ngoại trú), riêng từ đầu năm đến nay chuyển thêm khoảng 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và một số bệnh viện ở TP.HCM.

Đây là những trường hợp bệnh viện chuyển do vượt quá khả năng điều trị. Trong thực tế, ngoài số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên còn cao do bệnh nặng và do yêu cầu của bệnh nhân, bác sĩ Trực thừa nhận “có nhiều bệnh lý mình có thể phẫu thuật tại đây, nhưng người nhà tha thiết muốn lên bệnh viện tuyến trên cho an tâm”.

Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ hoạt động trên cơ sở xuống cấp, thiếu thốn trầm trọng, rất nhiều bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên vì bệnh viện thiếu máy móc. “Bệnh viện thiếu trang thiết bị, thiếu bác sĩ được đào tạo chuyên sâu nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” - bác sĩ Trần Châu, phó giám đốc bệnh viện, nói.

Ông Phạm Minh Huệ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang - cho biết hiện nay trong vùng ĐBSCL, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có vai trò như bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, đối với những ca bệnh vượt khả năng điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thường chuyển lên các bệnh viện tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Từ Dũ. Nguyên nhân: Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ chưa đảm bảo khả năng điều trị. Cũng theo ông Huệ, việc chuyển viện vượt tuyến cũng có lý do bệnh nhân không tin tưởng tuyến dưới. Ngoài ra, mức sống của người dân tăng nên họ lựa chọn những bệnh viện có uy tín để điều trị.

Theo bác sĩ Trần Văn Khánh - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, bệnh viện quá tải ở cả ba nguồn lực: vật lực, tài lực và nhân lực. Về cơ sở vật chất, không có chỗ cho bệnh nhân nằm. Mỗi năm ngành y tế Bạc Liêu cần cả ngàn tỉ đồng, nhưng Nhà nước chỉ cung cấp từ vài chục đến 100 tỉ đồng.

“Việc chuyển viện lên tuyến trên chủ yếu do quá khả năng điều trị của tuyến dưới. Ở các nơi khác tôi không biết, riêng ở Bạc Liêu quá tải ở cả ba tuyến xã, huyện và tỉnh. Cơ chế tài chính bó buộc khiến bệnh viện quá tải” - bác sĩ Khánh nói.

Tâm sự của một bác sĩ

Là lãnh đạo một trong các bệnh viện quận huyện của TP.HCM có hiệu suất sử dụng chưa cao, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2 - tâm sự nhiều bệnh nhân đến bệnh viện chỉ cho đúng tuyến rồi sau đó khăng khăng đòi chuyển tuyến.

Buồn nhất là có những bệnh, những chuyên khoa bệnh viện có thể làm được, đôi khi có thể làm tốt hơn một số nơi khác ở tuyến trên, nhưng với tâm lý “bệnh viện này thì làm gì có đủ thuốc men, trang thiết bị mà đòi chữa”, vậy là thân nhân hoặc bệnh nhân một mực đòi lên tuyến trên. “Thậm chí ngay cả khi chúng tôi bảo đảm hoàn toàn có khả năng giữ lại để điều trị, nhưng họ vẫn đòi chuyển viện dù có phải trả phí cao hơn bao nhiêu cũng được” - bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, uy tín của bệnh viện quận huyện chưa được đánh giá cao vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên cần phải nhìn nhận từ kỹ năng cho đến tác phong, ứng xử của tuyến dưới còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, thiếu quyết đoán trong từng trường hợp khiến bệnh nhân không hài lòng.

Nhiều trường hợp sai sót nghiêm trọng về chuyên môn cũng như thái độ phục vụ đã làm mất niềm tin của người dân vào tuyến cơ sở. Ngay cả trong quy định phân loại bệnh viện cũng có sự phân biệt giữa các bệnh viện tuyến 1, 2, 3. Từ đó có tình trạng cùng là một bệnh nhân, với một bác sĩ chuyên khoa khám chữa bệnh, nằm cùng một loại giường như nhau, thuốc men cũng tương tự, nhưng bệnh viện tuyến 1 được chi trả từ bảo hiểm y tế luôn cao hơn bệnh viện tuyến 2, 3.

______________________

Chẳng sung sướng gì khi lên tuyến trên

* Sở dĩ người dân muốn được điều trị ở các bệnh viện tuyến trên là do chất lượng phục vụ của các bệnh viện tuyến dưới kém, không an toàn. Ở tỉnh tôi có không ít trường hợp dở khóc dở cười do trình độ chuyên môn của bác sĩ kém. Người dân có quyền lựa chọn điều kiện y tế tốt nhất. Tại sao bộ trưởng không hướng đến các giải pháp để đáp ứng nguyện vọng của người dân, mà dùng biện pháp hành chính nhằm hạn chế quyền được chăm sóc sức khỏe thông qua quy chế chuyển viện ngặt nghèo? Theo cá nhân tôi, bộ nên có chủ trương chọn một số bệnh viện tỉnh có điều kiện và vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư thành các bệnh viện khu vực có phạm vi điều trị vài ba tỉnh. Các bệnh viện này được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bác sĩ gần ngang bằng các bệnh viện tuyến trên. Bộ không nên đầu tư dàn trải tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đối với bệnh viện tuyến huyện, điều quan trọng là làm nhiệm vụ sơ cấp cứu và công tác y tế dự phòng.

lengocmung@...

* Sao lại đưa ra cơ chế chuyển viện ngặt nghèo? Các bệnh viện tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh thì người dân có quyền chữa bệnh theo yêu cầu của mình. Nếu không cho chuyển viện mà chất lượng các bệnh viện tuyến dưới không được cải thiện thì có khác ép dân? Bộ Y tế làm thế là đang thực hiện giải quyết phần ngọn. Người dân không sung sướng gì khi phải đến bệnh viện, càng không sung sướng gì khi phải đi đến bệnh viện tuyến trên mà phần lớn lại ở các thành phố nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Nếu bộ trưởng cũng nằm viện giống như người dân thì mới hiểu được.

Ctytnhhvanha@...

* Là một bác sĩ đang công tác tại tuyến huyện, tôi đồng ý với bộ trưởng về một phần quá tải là do bệnh nhân muốn chuyển bệnh lên tuyến trên điều trị mặc dù tại tuyến quận, huyện (hoặc tỉnh) cũng có thể đáp ứng được về chuyên môn. Nhưng trong thực tế, khi bệnh nhân đề nghị chuyển viện, hầu như chúng tôi phải chuyển vì: 1. Không một bác sĩ nào có thể đảm bảo rằng bệnh nhân này sẽ an toàn 100% tại bệnh viện. 2. Nếu bệnh nhân tử vong (mặc dù bệnh nặng, hoặc trở bệnh đột ngột) thì hầu như người nhà đều nghĩ “nếu điều trị tại tuyến trên (tỉnh, trung ương) chắc qua khỏi”. Cho nên việc sử dụng các thủ tục hành chính hoặc biện pháp chuyên môn để giảm tải tuyến trên như thực hiện quy chế chuyển viện ngặt nghèo là gây áp lực lớn không đáng có cho người thầy thuốc tuyến dưới.

ongnho83@...

NHÓM PV, CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên