Đừng đổ mọi gánh nặng lên người dân
Phóng to |
Việc thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây nhiều bức xúc do phí quá cao - Ảnh: Thuận Thắng |
Cụ thể là các khó khăn của nền kinh tế, chuyện Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, vấn đề cháy nổ xe máy, sự cố đập thủy điện Sông Tranh...
Tồn tại nhiều vấn đề bức xúc
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị: “Nhân dân đang rất quan tâm đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, phí ôtô vào nội ô giờ cao điểm. Rồi việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đạt hiệu quả như thế nào? Tôi đề nghị phải có báo cáo lên Quốc hội”.
"Cái gì sửa ngay được thì phải sửa, kể cả những vấn đề Quốc hội đã chất vấn rồi, ra nghị quyết rồi, nếu có vấn đề thì chất vấn tiếp. Đừng cái gì cũng đổ cho cơ chế. Đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng cứ đổ hết cho cơ chế thì không bao giờ giải quyết nổi" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lên tiếng: “Kỳ họp Quốc hội phải xem đất nước đang tồn tại những vấn đề gì bức xúc. Tôi đề nghị chúng ta cần đánh giá lại tình hình đất nước, xem những gì đang nổi cộm lên, tâm tư nguyện vọng của nhân dân thế nào. Nếu có gì thuộc về sai lầm của chúng ta thì chúng ta phải sửa sai. Cá nhân nào đề xuất những chủ trương không hợp lý hoặc sai lầm phải chịu trách nhiệm, không được đẩy cho người khác”.
Ông Phước dẫn ra nhiều vấn đề: Thu phí nhằm giảm tải ùn tắc giao thông là vấn đề nóng bỏng. Xe cháy nổ liên tục. Rồi đập thủy điện Sông Tranh có vấn đề. Chất lượng xây dựng đường cao tốc phía Nam. Nhà giá rẻ thế nào?... Trách nhiệm của Quốc hội ở đâu?
“Đồng tình với anh Phước là phải làm rõ kỳ họp này khác kỳ họp trước cái gì, chọn vấn đề đưa ra Quốc hội là rất quan trọng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. Dẫn ra những vụ việc nổi cộm gần đây như vụ Tiên Lãng, vụ sự cố thủy điện Sông Tranh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Có những việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cần có tiếng nói, nhưng các đồng chí chủ nhiệm ủy ban cần phải vào cuộc. Chẳng hạn như yêu cầu Chính phủ báo cáo, đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội ở đó nắm tình hình và báo cáo. Đó là giám sát. Chúng ta không nhảy vào để kết luận, nhưng chúng ta giám sát. Cần thiết thì ủy ban họp rồi yêu cầu bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giải trình. Ý đồng chí Phước nói rất đúng. Quốc hội không vào cuộc thì dân sẽ nói là vô cảm”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần dành đủ thời gian để Quốc hội thảo luận đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ trình.
Đề xuất cơ chế lương lên theo giá
Thảo luận dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), quy định về lương vẫn là vấn đề thu hút được sự quan tâm lớn nhất của các đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo cơ quan thẩm tra dự án luật của Ủy ban Các vấn đề xã hội, vẫn còn tồn tại sự khác biệt về tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với tiền lương tối thiểu được quy định trong Bộ luật lao động đối với nhóm lao động thuộc khu vực doanh nghiệp. “Đây là vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình cải cách tiền lương khu vực nhà nước, hướng tới xây dựng một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội, Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho rằng dự luật quy định cho phép doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương mà không cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước là bất hợp lý. “Điều này đặt ra trường hợp chủ doanh nghiệp xây dựng định mức lao động quá cao nhằm hạ thấp mức tiền lương. Và doanh nghiệp chỉ xây dựng thang, bảng lương xoay quanh mức lương tối thiểu chút đỉnh”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phải phân biệt rõ thang, bảng lương trong khu vực nhà nước với khu vực doanh nghiệp. “Tại doanh nghiệp, trong thực tế họ chỉ xoay quanh mức tối thiểu. Chúng ta ra luật này để tuyên bố rằng tôi quy định lương tối thiểu nhưng doanh nghiệp không chỉ cứ xoay quanh mức này, phải có nguyên tắc để tăng lương” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Phải làm rõ trường hợp đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị kỳ họp tới “phải giải quyết cho rõ trường hợp đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu tỉnh Long An)”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội sắp tới có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội”, tuy ông không nói rõ là ai. Theo trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, tới đây vụ việc sẽ được đưa ra bàn tại cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội xem có đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Quốc hội hay không.
Trước đó, tại cuộc họp báo sau kỳ họp thứ hai của Quốc hội, ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kết quả xác minh một số nội dung tố cáo đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến “về cơ bản không có vấn đề gì”. Nhưng ông Phúc cũng nói còn có nội dung đang yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục xác minh.
Thu phí bảo trì đường bộ: Điều chỉnh mức thu giữa các nhóm Tại cuộc họp chiều 27-3 của Bộ GTVT về việc triển khai nghị định quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo xây dựng thông tư về thu phí cho quỹ bảo trì theo hướng giữ nguyên mức thu với nhóm xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng) nhưng rà soát, điều chỉnh với sáu nhóm xe tiếp theo để không có mức thu quá chênh lệch giữa mỗi nhóm. Theo đề án quỹ bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT trình Chính phủ trước khi ban hành nghị định quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đề xuất mức thu theo đầu ôtô với bảy nhóm phương tiện. Mức thu đề xuất với xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng; xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet mức thu 1,44 triệu đồng/tháng. Với xe máy mức thu từ 80.000 đồng đến 120.000 và 150.000 đồng/năm theo dung tích xilanh của ba nhóm xe. T.PHÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận