Phóng to |
Viện phí sẽ tăng ở 447 dịch vụ, chiếm 12%/ tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây.
Rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến Bộ trưởng Tiến qua cổng thông tin điện tử Chính phủ khá hóc búa, về đủ thứ vấn đề liên quan đến viện phí như viện phí hiện nay có minh bạch không, liệu có tình trạng phí chồng phí không, bệnh viện có bao giờ kêu lỗ hay không mà luôn thấy bệnh viện kêu ca là viện phí thấp...
Theo Bộ trưởng Tiến, bệnh viện kêu lỗ nhiều, thậm chí có nơi kêu không có ngân sách bù cho họ, sẽ âm 70 tỉ đồng trong năm vừa qua. Ở tuyến tỉnh, có bệnh viện lỗ đều đều 50 triệu đồng/tháng. “Bệnh viện ở trong tình trạng hấp hối” - bà Tiến nói.
Phóng to |
Tuy nhiên, viện phí minh bạch hay không thì quả là câu hỏi khó.
Ông Mai Trọng Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng nguồn thu của bệnh viện là minh bạch và được kiểm toán xác nhận hằng năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến thừa nhận có chuyện bảo hiểm y tế đã trả viện phí cho bệnh nhân bảo hiểm, nhưng bệnh nhân vẫn phải trả thêm tiền chênh lệch xét nghiệm, thuốc, vật tư… do phần bảo hiểm trả còn ít ỏi, không đủ cho điều trị.
Theo bà Tiến, khi áp dụng viện phí mới, tình trạng này còn nhưng sẽ chỉ ở những trường hợp đặc biệt, do cơ địa bệnh nhân chứ không phổ biến như trước đây.
Phóng to |
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc đối thoại, giám đốc Bệnh viện Saint Paul Hà Nội Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng viện phí tăng nhưng chưa có phần chi cho lương cán bộ, mà yếu tố quan trọng để thay đổi chất lượng dịch vụ là con người. Vì thế, bà Nhi cho rằng viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng, nhưng đừng kỳ vọng quá vì chắc chắn không có thay đổi đột biến.
Mời bạn đọc xem ở trang tiếp một phần nội dung cuộc đối thoại:
TTO trích một phần cuộc đối thoại giữa bộ trưởng Bộ Y tế và nhân dân cả nước về viện phí * Ông Trịnh Minh Thạnh (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang): Xin bộ trưởng cho biết Nhà nước đã cân nhắc, tính toán như thế nào khi quyết định tăng viện phí vào đúng thời điểm khó khăn như hiện nay? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của ông rất xác đáng. Chúng ta vẫn lo nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn… Với người nghèo hiện nay, Nhà nước hỗ trợ 95%, với người cận nghèo năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%… Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành quyết định 14 điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh... Tôi nghĩ rằng đây là nỗ lực lớn và sự ưu việt của nhà nước ta. Còn những nhóm khác đã nằm trong diện bảo hiểm y tế. Chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước và ngành y tế đã cân nhắc kỹ khi ban hành thông tư này. * BTV: Nhiều độc giả gửi câu hỏi về Cổng TTĐT Chính phủ đề nghị bộ trưởng giải thích tại sao lại có sự điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, cụ thể về mức tăng viện phí như thế nào và bao giờ tăng, thưa bộ trưởng? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là câu hỏi rất tổng quát. Tại sao lại tăng? Phải nói đây là yêu cầu rất bức thiết phải làm từ lâu nhưng có nhiều khó khăn trong thực hiện. Giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính một phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường. Mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, drap trải giường... cũng rất khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia BHYT, người có điều kiện thì tìm tới dịch vụ trả tiền. Thêm vào đó, do giá chỉ tính một phần chi phí nên Nhà nước bao cấp hết cho cả người nghèo, người giàu. Giá thấp nên người có điều kiện kinh tế tìm đến chất lượng cao cũng khó, trong khi giá dịch vụ trả tiền cũng phải có một khung trần theo quy định, dẫn đến chất lượng cũng không thật sự cao, nên nhiều người đã ra nước ngoài chữa bệnh. Thứ ba, với các cơ sở khám chữa bệnh, rất vất vả cho cán bộ y tế, kể cả cán bộ quản lý và các y bác sĩ, không có tiền để mua sắm trang thiết bị. Một đôi găng phải tái tiệt trùng do mức chi của BHYT có hạn, không thể động viên khuyến khích cán bộ y tế, đồng thời ảnh hưởng đến thái độ nhiệt tình của cán bộ. Thứ ba, thu BHYT có tăng vì tỉ lệ dân tham gia BHYT tăng, tỉ lệ mức thu cũng tăng so với lương, lương cũng tăng. Với phương châm người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách Nhà nước sẽ lo, còn những ai có điều kiện nên có đóng góp nhiều hơn. Mức tăng thì trong cấu thành của giá có bảy yếu tố, lần này mới chỉ tính ba. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao… Mức tăng từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần). Thông tư 04 có hiệu lực từ 15-4, các đơn vị trực thuộc bộ phải trình mức thu lên bộ, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình HĐND, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện nhanh tùy theo phê duyệt các cấp có thẩm quyền. * Độc giả Trí Phan [vantribvqnam@...com] hỏi: Thưa bộ trưởng, vừa qua liên bộ có ký thông tư điều chỉnh 447 danh mục dịch vụ y tế tôi rất đồng tình, vì với khung giá này bệnh viện sẽ có nguồn kinh phí để chi trả các khoản chi phí khác, và mức hưởng của người bệnh về dịch vụ sẽ tăng lên do BHXH chi trả, tuy nhiên còn 1 số vấn đề xin bà cho biết tại sao trong khung giá chưa có: 1. Khung giá về chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp nhưng chưa được BHXH chi trả không có trong thay đổi lần này. 2. Trong một số loại dịch vụ luôn bao gồm các chi phí vật tư nằm trong phẫu thuật, điều này gây khó khăn cho bệnh viện khi các loại vật tư có biến động về giá, dễ xảy ra tình trạng cho bệnh nhân nộp thêm. 3. Khi nào Bộ Y tế xây dựng giá theo nhóm bệnh, đây là phương pháp tối ưu về chi phí điều trị. 4. Về mức đóng BHYT cho mọi người khác nhau, nhưng mức hưởng quyền lợi về BHYT giống nhau theo hướng không công bằng, ví dụ cán bộ đóng 4,5% theo lương cao hơn nhiều so với đối tượng người nghèo, hoặc tự nguyện nhưng quyền lợi hưởng BHYT giống nhau. Xin bà cho biết cách giải quyết tình trạng này như thế nào. - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Rất cảm ơn bạn Trí Phan. Về câu thứ nhất, chúng tôi đang nghiên cứu để tính tới vấn đề BHXH chi trả cho chế độ ăn của người bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp. Còn lần này chỉ điều chỉnh các phi phí trực tiếp. Về câu hỏi thứ hai, có những trường hợp phải có chi phí vật tư trong phẫu thuật, có trường hợp gây phiền toái cho người bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ban hành quy trình chuẩn nên số đó không nhiều. Về vấn đề xây dựng giá theo nhóm bệnh, cần phải có thời gian và lộ trình. Hiện bộ đang xây dựng với một số nhóm bệnh, dựa vào sự hỗ trợ quốc tế để xây dựng hình thức chi trả như trọn gói theo ca bệnh…, đây là hình thức tiên tiến nhất hiện nay. Về câu hỏi cuối cùng, ta đã biết BHXH là sản phẩm rất văn minh và nhân đạo của nhân loại, vừa mang tính chất dự phòng lúc ốm đau, vừa mang ý nghĩa chia sẻ cho cộng đồng nữa. * Nhân Bệnh [nguoidanhoibotruong@...com]: Tôi có thẻ BHYT nhưng khi đi khám bệnh ngoài 20% cùng chi trả thì phải nộp một số khoản mà theo bệnh viện giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải nộp như vật tư, thuốc trong phẫu thuật thủ thuật, chênh lệch giá xét nghiệm, cận lâm sàng... Các khoản này lớn hơn rất nhiều so với khoản 20% cùng chi trả, đặc biệt ở các tuyến trung ương. Vậy tôi xin hỏi bộ trưởng Bộ Y tế: Bệnh viện thu như vậy có đúng theo quy định hay không? Kể từ ngày giá viện phí tăng thì các khoản này những người bệnh như tôi có bị thu các khoản như đã nói trên không? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây cũng là câu hỏi ngành y tế muốn tìm cách giải quyết từng bước. Thứ nhất, khi đồng chi trả 20%, nhưng phải nộp thêm một số khoản mà theo BV giải thích là BHYT không chi trả nên bệnh nhân phải dùng thì về nguyên tắc làm như vậy không đúng quy định, nhưng về thực tiễn, bệnh viện cũng phải làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Như chúng tôi đã trình bày, mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm không thể đủ. Thời gian qua, có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần là phải trả thêm so với mức quy định của BHYT bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp, như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có xảy ra trường hợp phải trả thêm một khoản hơn mức 20%. Thứ 2, nếu viện phí tăng lên như mức hiện nay, chúng tôi nghĩ là về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt như có những thủ thuật trên cơ địa người đó phải dùng bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết… * Ông Vũ Thanh Phúc (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ): Từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, một số ý kiến cho rằng đó chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các bệnh viện đã “xé rào” từ lâu. Vì thế, vấn đề người dân chúng tôi băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí... Tôi cho rằng nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì BV tuyệt đối không được thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ với chi phí tăng thêm. Liệu Bộ Y tế có thể kiểm soát được vấn đề lạm dụng, làm ảnh hưởng đến túi tiền, đến đời sống của người bệnh? Đồng thời nay thêm phần điều chỉnh khung giá mới nữa liệu có dẫn đến tình trạng “giá chồng giá” tại các bệnh viện hay không? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều lo lắng của ông là rất đúng. Thứ nhất, Nhà nước có đầu tư từ A-Z không? Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay, chúng tôi xin trả lời thẳng thắn là không. Đối với tuyến trung ương, ngân sách hiện nay, có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn, hoặc có những bệnh viện chỉ cấp khoảng 10-30% đối với tuyến trung ương nói chung, chủ yếu chỉ cấp tiền lương cơ bản. Mỗi lần tăng lương cơ bản, kèm theo phụ cấp, giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh rất lo. Vì tuyến trung ương hỗ trợ khoảng 10-20%, tuyến tỉnh NSNN hỗ trợ từ 30-50%, chỉ có tuyến huyện hỗ trợ khoảng 80%. Còn lại là phải thu, mà nguồn thu đó chủ yếu từ BHYT và dịch vụ y tế khám theo yêu cầu, nhất là ở tuyến trên. Do đó, nói là lo từ A-Z là không có. Thứ 2, về chuyện “xé rào”, thực tế này là có, nhưng không phải là xé rào, đấy là những trường hợp đi khám dịch vụ, tức là người không tham gia BHYT, họ tham gia dịch vụ, tiền công khám khoảng 30.000 đồng, giá dịch vụ thu theo giá thị trường. Còn những bệnh nhân BHYT, giá này đã có sự thống nhất của Bộ Tài chính, Y tế, BHXH và có sự giám sát của BHXH, nên tiền khám cũng chỉ thanh toán 3.000 đồng, tức là khám ca ấy bảo hiểm sẽ thanh toán lại cho bệnh viện 3.000 đồng, thuốc cũng nằm trong danh mục, dịch vụ trong khung giá, nên không thể xé rào. “Xé rào" có thể hiểu đối với trường hợp bệnh nhân khám dịch vụ y tế (điều trị tự nguyện). Khám dịch vụ, ít nhất cũng phải thu đủ chi phí. Thứ 3, Bộ Y tế có kiểm soát được không? Không phải hiện nay mà từ trước tới nay bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của bảo hiểm). Bộ Y tế có thanh tra bộ… Tại sở y tế các tỉnh cũng có các đơn vị tương ứng. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán trọn gói cho ca bệnh. Hiện nay đã làm thí điểm, còn khoán theo định suất đã làm đối với 40% số bệnh viện huyện. Lộ trình đó phải làm dần dần. Ở các nước, nhanh nhất cũng phải mất 10 năm. Hiện nay Bộ Y tế sẽ làm như vậy và tránh được vấn đề lạm dụng kỹ thuật và những vấn đề như sự lo lắng của độc giả. * Bà Đỗ Thị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội): Theo cách giải thích của bộ trưởng tôi thấy việc ban hành khung viện phí mới là hoàn toàn phù hợp. Nhưng vấn đề là liệu các bệnh viện có lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết làm khổ cho người bệnh hay không? Theo tôi được biết, hiện nay ở một số bệnh viện có hiện tượng các bác sĩ chỉ định người bệnh đi chụp CT sọ não trong khi họ chỉ bị đau chân, đau tay. Cũng có trường hợp bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị thuốc đắt gấp hàng chục lần nhưng không nằm trong danh mục thanh toán BHYT thay vì có thể sử dụng thuốc vừa tiền và có trong danh mục được thanh toán. Vậy có cách nào giám sát, ngăn ngừa vấn đề này để người dân có thể yên tâm? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Theo tôi, với bệnh nhân BHYT, việc lạm dụng này sẽ khó hơn vì có quy trình điều trị, danh mục vật tư, giá dịch vụ… rất chặt chẽ. Như tôi nói, để khắc phục được vấn đề này phải có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Sắp tới bộ cũng sẽ tính tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này. Bên cạnh đó, với một số hình thức chi trả tiên tiến, chẳng hạn chi trả trọn gói như tôi đã nói ở trên, hiện tượng này sẽ dần được hạn chế. * Lê Thị Phùng (Diễn Châu, Nghệ An): Một trong những bất hợp lý ở y tế xã hiện nay là nhiều nơi có bác sĩ nhưng lại thiếu trang thiết bị, máy móc chẩn đoán bệnh. Thậm chí ngay cả BVĐK tỉnh, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, thiếu thiết bị cần thiết... Vì vậy, các bác sĩ khó lòng mà "tay không bắt giặc", bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ lên tuyến trên gây quá tải. Bộ Y tế nghĩ sao về điều này và sắp tới khi tăng giá viện phí, các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư liệu có giải quyết được tình trạng này? - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Câu hỏi của chị rất có lý, hiện nay một số trạm y tế xã gặp tình trạng đó. Bộ Y tế đã trình Chính phủ quyết định 950 về đầu tư cho trạm y tế xã, nhưng như chúng ta biết, nước ta còn nghèo, ngân sách có hạn nên bố trí cho QĐ 950 nâng cấp trạm y tế xã chưa có. Vừa rồi chỉ mới nâng cấp được BV huyện, xây mới một số BV huyện, tỉnh… Trang thiết bị còn thiếu thốn, tuy nhiên, sau khi thực hiện QĐ 47 đối với nâng cấp xây mới bệnh viện huyện, trong đó có cả trang thiết bị và với mức được tăng lên, chúng tôi nghĩ rằng các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, trạm y tế xã, bệnh viện huyện nói riêng sẽ có điều kiện được nâng cấp, ít nhất là mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản, chi phí vật tư tiêu hao được đảm bảo, bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám chữa bệnh tương đối khang trang. Các chi phí về thuốc, điện nước được đầy đủ, kể cả bảo trì máy móc. * Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải: Biểu giá điều chỉnh viện phí hiện nay mới đáp ứng một phần nhỏ. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không phải chỉ một vấn đề bổ sung giá viện phí mà phải bao gồm tất cả các yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực. Như vậy, điều chỉnh là góp thêm một phần cơ bản để có một phần kinh phí giúp cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn, chứ không phải quyết định toàn bộ việc nâng cao chất lượng chuyên môn sau khi chúng ta điều chỉnh giá viện phí. * Bạn đọc thuy le [ldthuy@...com]: Mọi thứ đều cần kinh phí thì Bộ Y tế mới làm được. Điều đó đúng, nhưng có một thứ không cần kinh phí, đó là nụ cười, sự ân cần, niềm nở, vui vẻ đối với bệnh nhân. Cán bộ y tế cần sửa. - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi tiếp thu góp ý của bạn. Đúng là nghề này đòi hỏi 3 yếu tố: y lý, y thuật (là chuyên môn) và y đức. Vì vậy, để khám chữa bệnh tốt, người thầy thuốc ngoài dược phẩm, trang thiết bị, còn có tấm lòng. Đúng là cần phải có nụ cười, tính nhân văn. Tình trạng thiếu nụ cười cũng xảy ra ở một số cơ sở nhất là ở những nơi quá tải, ở phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh, quá đông, chật chội, nóng bức, ngột ngạt, một số cán bộ nhân viên còn thiếu nụ cười hay nhiều khi thái độ cũng chưa được ân cần. Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành. Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức chung kết hội thi toàn quốc quy tắc ứng xử ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện tham gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận