15/03/2012 08:26 GMT+7

Báo chí giúp vụ Tiên Lãng không "chìm xuồng"

V.V.THÀNH - LÊ KIÊN
V.V.THÀNH - LÊ KIÊN

TT - “Nếu không có báo chí thì rất có thể vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng đã đi theo một chiều hướng khác. Chúng tôi cảm ơn sự vào cuộc mạnh mẽ của các báo như: Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Giáo Dục Việt Nam... trong vụ việc này”

Ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, phát biểu như trên tại hội thảo “Nguồn lực đất đai và vai trò truyền thông” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh, ngày 14-3.

Tham luận của ông Lưu Đình Phúc (trưởng phòng quản lý báo chí trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - truyền thông) cho hay tính đến đầu tháng 3 đã có hơn 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về vụ việc liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn.

Theo đó, điều đáng ghi nhận ở báo chí qua vụ việc này là tính xung kích, đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề được đại diện RED Communication đặt ra tại hội thảo là việc cản trở báo chí tác nghiệp đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường và chống tham nhũng là nơi mà nguy cơ nhà báo bị cản trở cực kỳ cao so với những mảng khác ít “nhạy cảm” hơn.

* Dự kiến năm 2013 có truyền hình Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết như vậy tại phiên bế mạc hội thảo “Quan hệ báo chí trong hoạt động của Quốc hội” ngày 14-3. Theo ông Dũng, truyền hình Quốc hội sẽ phát trung thực các diễn biến trong hoạt động của Quốc hội để cung cấp thông tin đầy đủ cho cử tri. Ông Dũng cũng ghi nhận kiến nghị của các đại biểu Quốc hội và phóng viên tham gia hội thảo về việc đề nghị các ủy ban của Quốc hội “rộng cửa” hơn cho hoạt động của báo chí.

V.V.THÀNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên