Phóng to |
Mũ thời trang “đội lốt” mũ bảo hiểm được bày bán tràn lan ở nhiều tuyến đường -Ảnh: t.thắng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ) - cho biết:
- Dự thảo thông tư do liên bộ Khoa học - công nghệ, Giao thông vận tải, Công an và Công thương phối hợp xây dựng, nhắm tới cả bốn đối tượng quản lý gồm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người sử dụng. Bản chất vấn đề của dự thảo là nhằm xây dựng chế tài xử lý cả bốn đối tượng chứ không phải chỉ chi phối một đối tượng là người sử dụng.
Hiện nay có nhiều loại mũ được sản xuất, nhập khẩu và bày bán công khai trên vỉa hè rất nhiều có hình dáng giống MBH khiến người tiêu dùng, thậm chí cả cơ quan chức năng, đều nhầm lẫn. Đó là mũ giả MBH. Hiện chưa có quy định để xử lý người kinh doanh những loại mũ này vì khi bị kiểm tra họ cho đây là mũ cho người đi bộ, mũ thời trang...
Việc xây dựng thông tư này là xử lý loại mũ có hình dạng bên ngoài giống MBH đang trà trộn trên thị trường, bày bán tràn lan ngoài vỉa hè, trong các cửa hàng.
Phóng to * Vậy làm thế nào để xử lý được các cơ sở kinh doanh loại “nhái” mũ MBH như ông vừa nêu cũng như việc bày bán tràn lan?
- Đối với người sản xuất, thông tư bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh MBH, thực hiện chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy, phải thông báo cho chính quyền địa phương, phường xã để lực lượng này kiểm tra. Nếu không đảm bảo các điều kiện này thì cơ quan chức năng địa phương có thể xử lý ngay chứ không cần kiểm tra chất lượng.
Còn người kinh doanh bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh. Thứ hai phải có hợp đồng đại lý với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu để cơ quan chức năng có thể truy nguồn gốc. Thứ ba phải có giấy chứng nhận hợp quy của nhà sản xuất, nhập khẩu và mũ có dán tem CR (tem hợp chuẩn). Đó là những tiêu chí mà lực lượng chức năng căn cứ để xử lý, không cần phải làm các bước kiểm định chất lượng. Tương tự, các đối tượng nhập khẩuphải chứng minh nguồn gốc sản phẩm, hợp chuẩn hợp quy mới được lưu thông trên thị trường.
Sau khi thông tư có hiệu lực, tất cả sản phẩm mũ có hình dạng MBH sẽ có chế tài xử lý.
Thông tư không quy định chế tài xử lý người tiêu dùng, mà chỉ quy định khi họ tham gia giao thông bằng môtô, xe máy bắt buộc phải đội MBH. Nếu đội mũ không phải là MBH đồng nghĩa với việc không đội MBH, tức là không tuân thủ theo quy định của pháp luật và bị xử lý chế tài.
* Vậy quy định xử lý người tiêu dùng ở đây có mục đích như thế nào? Khi quy định này có hiệu lực, cảnh sát giao thông có phải cứ ra đường là xử lý hay không và liệu có xử lý được hết hay chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”?
- Dự thảo thông tư không có mục nào xây dựng chế tài xử lý người tiêu dùng, mà chỉ xử lý người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy không đội MBH hoặc đội mũ không phải là MBH. Chế tài này cũng định hướng người tiêu dùng về yêu cầu của MBH khi mua và đặc biệt đối với người tham gia giao thông thì có tính răn đe, định hướng, hướng dẫn chọn đúng MBH để đội. Đồng thời đây cũng là chế tài để hướng dẫn cảnh sát giao thông có thể xử lý được những trường hợp cố tình vi phạm, đội mũ không phải là MBH mà từ trước tới nay chưa xử lý được.
Với người tiêu dùng, mục đích lớn nhất là để hướng dẫn, tuyên truyền họ tẩy chay sản phẩm không đạt chất lượng. Bởi nếu không có định hướng thì người tiêu dùng tiếp tục mua sản phẩm nhái, không đạt chất lượng, đồng nghĩa với việc tiếp tay cho việc sản xuất các sản phẩm không đạt chất lượng.
Doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm “xịn” chết yểu
Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, tính đến tháng 12-2011, trong tổng số gần 120 nhãn hiệu MBH của 79 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất MBH đã được chứng nhận hợp quy của cơ quan chức năng, có tới 47 nhãn hiệu của 39 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất MBH hết hiệu lực hoặc bị tạm đình chỉ giấy chứng nhận hợp quy và dấu CR. Nguyên nhân, theo ông Trần Văn Vinh, do doanh nghiệp sản xuất MBH đạt chất lượng không đủ sức cạnh tranh với các loại mũ nhái kém chất lượng, giá thành rẻ bán tràn lan trên thị trường.
* Thực tế trên thị trường nhiều loại mũ nhái, giả MBH vẫn có dán tem CR - vậy làm sao để phân biệt được MBH thật và đạt chất lượng?- Thông tư sẽ giải quyết được vấn đề là giúp người tham gia giao thông biết được mũ nào là đúng, mũ nào là sai. Quy định về MBH phải có ba lớp theo quy định, phải dán tem CR, người tiêu dùng khi mua có quyền kiểm tra xem đại lý của đơn vị nào... với mục đích kiểm soát về mặt cơ bản trước. Còn vấn đề đạt chất lượng thì phải dùng máy móc, thiết bị, con người phù hợp mới có thể kết luận được. Hiện nay tem CR theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, do doanh nghiệp tự gắn lên sản phẩm sau khi được chứng nhận hợp quy. Nó là dấu hiệu nhận biết để cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ chất lượng đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
Tem CR như một dấu hiệu nhận biết, chứng nhận sản phẩm được quản lý. Nếu doanh nghiệp nào kinh doanh mà in tem CR nhưng không được chứng nhận chất lượng thì đó là hành vi làm giả chứng nhận. Mũ có tem CR mà không có ba lớp, không có lưỡi trai rời là MBH giả và là mũ giả chứng nhận.
* Như vậy việc kiểm soát xử lý đối với các nhà sản xuất sẽ thực hiện như thế nào?
- Cơ sở sản xuất phải đảm bảo có giấy phép kinh doanh, thông báo cho chính quyền địa phương nơi sản xuất, phải chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy trên MBH do mình sản xuất. Nếu không tuân thủ theo các quy định này thì bị xử lý. Trường hợp sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng hoặc giả MBH đã có nghị định quy định chi tiết về vấn đề này.
Mũ thời trang biến thành mũ bảo hiểm Tại TP.HCM, tuyến đường Trường Chinh kéo dài từ Q.Tân Bình đến Q.12 tập trung rất nhiều các quầy, sạp tự phát bày bán MBH. Tại đây, các loại MBH không nhãn mác có màu sắc, hoa văn được bày bán tràn lan. Theo quan sát, các loại mũ này được sản xuất bằng lớp nhựa mỏng, không hề có miếng xốp hay đệm mút bên trong, các đường viền được bọc bằng dây thun cao su đụng nhẹ là bong tróc. Bên cạnh các loại mũ không nhãn mác, mũ thời trang, mũ thể thao vẫn được nhiều người lựa mua. Giá MBH không nhãn mác, thời trang từ 25.000-45.000 đồng/chiếc, còn lại một số ít sản phẩm có ghi nơi sản xuất, mục đích sử dụng sản phẩm rõ ràng “dành cho người đi bộ, thể thao” có giá bán cao hơn, khoảng 40.000-80.000 đồng/chiếc. Tại một số tuyến đường như quốc lộ 1, Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), Thành Thái (Q.10) và các chợ, các loại MBH không có tem nhãn, mũ thời trang được bày bán nhiều hơn. Anh Thuận, bán mũ bảo hiểm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), cho biết: “Gần đây lượng bán ra không còn nhiều như trước nhưng vẫn có nhiều người hỏi mua các loại nón này, chủ yếu là thanh niên”. Từng kiểm tra và bắt hàng loạt vụ sản xuất MBH dỏm, ông Lý Ngọc Thắng - đội trưởng đội 3A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết hiện nay trên thị trường MBH chia theo ba loại chính: MBH đạt quy chuẩn chất lượng, MBH dỏm, kém chất lượng và loại mũ có tên mũ thể thao, thời trang núp danh MBH. Theo ông Trần Văn Xiêm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, các loại mũ thể thao, thời trang núp bóng MBH hoàn toàn không đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn để sử dụng khi đi xe gắn máy. Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất từ các loại nguyên liệu rẻ tiền, nhựa tái chế do đó chỉ va đập nhẹ đã vỡ, mảnh vỡ cũng là nguyên nhân gây thêm thương tích cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các sản phẩm loại này hầu hết không có lớp xốp để hấp thụ lực va đập nên hoàn toàn không có giá trị khi xảy ra tai nạn.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận