08/03/2012 07:49 GMT+7

Không giảm phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 7-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm.

Cụ thể đó là việc thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng quốc lộ 1, thu phí hạn chế ôtô vào nội ô...

3uf2trdI.jpgPhóng to
Các loại phương tiện giao thông đi qua trạm thu phí Chợ Đệm trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chiều 6-3 - Ảnh: Thuận Thắng

Trạm thu phí quốc lộ 1: góp phần hoàn vốn cho đường cao tốc

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định như vậy với câu hỏi về việc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị giảm mức phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo ông Trường, dự án này hoàn thành đã hai năm nhưng bộ xin Chính phủ chưa thu phí. Vừa rồi để đáp ứng được nguồn vốn hoàn vốn cho dự án, Bộ GTVT xin Thủ tướng và các bộ ngành cho tổ chức thu phí.

Trên cơ sở tính toán hợp lý việc hoàn vốn, Chính phủ quyết định mức thu phí 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (CPU - xe con dưới 12 chỗ). Một số nhà xe, doanh nghiệp vận tải cho rằng thu phí quá cao nhưng mức phí này đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Ông Trường cho biết mức phí trên đã được tham khảo từ các nước và tính toán đến thu nhập của người VN và không phải mức phí cao.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về cơ sở pháp lý để xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1 song hành với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm hạn chế xe đi vào quốc lộ 1, ông Trường cho biết vì quốc lộ 1 từ Bình Chánh đi Trung Lương đã mở rộng bốn làn xe, chất lượng tốt nên trong chủ trương bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được Chính phủ cho thu phí cả quốc lộ 1.

Theo ông Trường, việc xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1 có nhiều mục đích, thứ nhất là chia bớt phương tiện sang đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để khai thác đường cao tốc tốt hơn, thứ hai là tránh trường hợp toàn bộ xe chuyển sang đi quốc lộ 1 không thu phí làm đường quá tải và mặt đường không chịu được áp lực sớm hư hỏng trong thời gian ngắn, thứ ba là góp phần hoàn vốn cho đường cao tốc Trung Lương. Vì thế sắp tới bộ sẽ tiến hành thu phí ở quốc lộ 1 song song như chủ trương Chính phủ đã cho phép.

Mở rộng quốc lộ 1: làm theo cơ chế đặc thù

Theo ông Trường, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT mở rộng quốc lộ 1 lên bốn làn ôtô, hai làn xe máy từ nay đến năm 2016 từ Hà Nội đến - Cần Thơ. Như vậy ngoài các dự án đã làm, hiện còn 1.100km phải làm. Để thực hiện việc này, Bộ GTVT đang dự thảo trình cơ chế đặc thù.

Theo đó, về giải phóng mặt bằng, chủ tịch UBND các tỉnh thành phải chịu trách nhiệm chính và có tính đến ưu tiên giải phóng theo cơ chế đặc thù. Đồng thời do đây là tuyến đường chỉ mở rộng, giải pháp kỹ thuật không phức tạp nên sẽ huy động các lực lượng xây lắp có năng lực tài chính, thiết bị, năng lực điều hành của các ngành GTVT, xây dựng, quân đội và các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tham gia triển khai đồng loạt. Còn nguồn vốn sẽ bằng ngân sách nhà nước, thu phí hoàn vốn bởi thực hiện chủ yếu theo hình thức BOT.

Như vậy phương án thu phí bằng 50-75% mức phí đường cao tốc. Hiện Bộ GTVT đang trình phương án thu phí lên Bộ Tài chính, Chính phủ để quyết định mức phí. Chính phủ quyết định mức phí nào bộ sẽ triển khai theo mức phí đó.

Về chủ trương phân luồng xe khách đi đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Tổng cục Đường bộ cũng nhận được một số phản ảnh đề nghị giãn thời gian thực hiện và thắc mắc dịch vụ trên đường chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên theo ông Đông, phương án phân luồng đường Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lâu và phải thực hiện trong bối cảnh quốc lộ 1 đang quá tải, ùn tắc và phải mở rộng. Trong tuần tới Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc với các sở GTVT và cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện chủ trương này.

“Không có lý do gì để gia hạn thời gian thực hiện vì các kiến nghị của doanh nghiệp cũng chưa nói rõ là gia hạn để thực hiện các biện pháp gì” - ông Đông nói.

Đổi giờ học, giờ làm: sẽ đánh giá cụ thể

“Sau một thời gian thực hiện đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội cũng có một số bất cập với các trường học vì học sinh tan trường quá muộn. Sau khi Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học kết thúc muộn nhất vào 18g thì những đối tượng chịu tác động cũng không còn phàn nàn gì nhiều.

Hiện nay bộ đang phối hợp với Hà Nội để đánh giá lại được mất cái gì. Cần thời gian đủ lớn từ 3-6 tháng mới đánh giá được cụ thể, sau đó mới báo cáo Chính phủ để nhân rộng ra cả nước. Hiện TP.HCM cũng đang rất cần đánh giá này để áp dụng việc đổi giờ” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên