13/02/2012 06:25 GMT+7

Đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng: Sân bay chờ đường

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Dự án xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) với số vốn hàng ngàn tỉ đồng đang tăng tốc để hoàn thành vào cuối năm nay, thế nhưng hàng loạt dự án hạ tầng đường, điện... đang bị đình trệ vì thiếu vốn.

Read this on Tuoitrenews.vnPhú Quốc: sân bay xây nhanh, đường ì ạch

RhnjgXn3.jpgPhóng to
Đường lăn hạ cất cánh sân bay quốc tế Phú Quốc đang được trải thảm. Dự kiến tháng 6-2012 gói thầu này sẽ hoàn thành - Ảnh: xuân toàn

Xây cầu nhưng lại không có đường, hay ồ ạt xây cảng nhưng lại không có tàu vào... Đó là những câu chuyện điển hình về thực trạng xây dựng hệ thống hạ tầng của VN hiện nay và đang trở thành điểm nghẽn của quá trình phát triển. Để giải quyết vấn đề này, Hội nghị Trung ương 4 đã thông qua nghị quyết về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Từ số báo này, chúng tôi khởi đăng loạt bài về vấn đề trên.

Đây có thể được coi là câu chuyện điển hình về tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng. Chính vì vậy, Phú Quốc được xem là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế song đến nay “thiên đường du lịch” này vẫn chưa thể cất cánh.

Sân bay nhộn nhịp

Có mặt tại công trường cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vào chiều 10-2, chúng tôi thấy không khí thi công khá tất bật. Tại khu vực đường lăn hạ cất cánh, việc thi công đã cơ bản hoàn thành lớp nhựa thứ hai, còn tại khu vực quay đầu máy bay tiếp giáp với đường lăn, hàng chục công nhân và các xe tưới nhựa nóng đang tích cực làm việc. Phía bên ngoài, các xe Kamaz chở đất đá chạy dập dìu ra vào công trường.

Ông Đặng Hải Nam - chỉ huy phó công trình xây dựng gói thầu số 7 và 10 cảng hàng không quốc tế Phú Quốc - cho biết: “Hiện là mùa khô, thời tiết thuận lợi nên chúng tôi thường xuyên tăng ca nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Dịp tết vừa rồi rất nhiều công nhân không về quê mà ở lại công trình”.

Theo ông Nam, hiện Công ty Xây dựng công trình hàng không thi công gói thầu số 7 (san nền khu bay) đã hoàn thành khoảng 80%, còn gói thầu số 10 (xây dựng đường hạ cất cánh và hệ thống mương cáp sân bay) đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Dự kiến tháng 6-2012, hai gói thầu này sẽ hoàn thành.

Một hạng mục quan trọng khác của cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là nhà ga hành khách (vốn đầu tư 1.576 tỉ đồng, có khả năng đón 3-4 triệu lượt hành khách/năm) hiện cũng đang được đẩy nhanh thi công phần khung và mái nhà ga.

Theo chủ đầu tư là Tổng công ty Hàng không miền Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có quy mô 905ha, tổng vốn đầu tư trên 16.200 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 8.050 tỉ đồng. Sau thời điểm khởi công (tháng 11-2008) đến nay, hạng mục xây dựng đường hạ cất cánh, đường băng, sân đậu máy bay hiện đã hoàn thành 65% khối lượng. Chủ đầu tư khẳng định dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng cuối năm 2012.

ydniT0Jh.jpgPhóng to
Dự án cầu Cửa Lấp nằm trên trục đường Dương Đông - Cửa Lấp bị đình trệ thi công từ nhiều tháng nay - Ảnh: X.TOÀN

Đường đình trệ

Ông Huỳnh Quang Hưng (phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc): Thu tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng

QygqCUUW.jpgPhóng to
Ảnh: X.TOÀN

Để giải quyết bài toán khó khăn về vốn và đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc, Chính phủ đã đồng ý cho chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đường vòng quanh đảo đoạn Cửa Lấp - An Thới và cầu Nguyễn Trung Trực (vốn khoảng 1.000 tỉ đồng) từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ sang hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Hiện tỉnh đang trong quá trình chọn lựa nhà đầu tư.

Ngoài ra, tại khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ), huyện đang tập trung ưu tiên chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Hiện đã chi hơn 1.000 tỉ đồng và giải phóng được 70% diện tích đất (trong tổng số 1.100ha). Chúng tôi xác định giải phóng mặt bằng đến đâu giao đất đến đó. Vì vậy, dự kiến quý 2-2012, chúng tôi sẽ giao đất cho nhà đầu tư và tiến hành thu tiền sử dụng đất. Theo tính toán, với diện tích khoảng 1.100ha sẽ thu khoảng 20.000 tỉ đồng. Tiền thu từ nguồn thu sử dụng đất chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung đầu tư lại hệ thống hạ tầng chính tại khu vực Bãi Trường.

Trái ngược với không khí nhộn nhịp tại công trường cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hàng loạt dự án xây dựng giao thông trên đảo Phú Quốc giờ đây gần như “tê liệt”. Đoạn đường huyết mạch của huyện là trục bắc - nam dài hơn 20km từ thị trấn Dương Đông đến cầu Suối Lớn những ngày này không thấy bóng dáng công nhân làm việc, các xe ủi nằm ụ tại công trường, lán trại tan hoang không một bóng người...

Khi nghe chúng tôi hỏi về tình hình thi công, ông Nguyễn Văn Sang (nhà ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ) chỉ tay về phía trước cửa nhà mình nói: “Dự án mở rộng con đường này nhà tôi bị ảnh hưởng hơn 70m chiều dài mặt tiền và vô 15m. Thế nhưng, bên thi công đưa xe cuốc đến đào đất được vài tháng rồi nghỉ luôn cho đến nay”.

Tình trạng ngưng thi công cũng diễn ra trên tuyến đường Cửa Cạn - Gành Dầu. Dự án này có nhiều công đoạn mới đắp taluy và nền đường, có đoạn mới thi công lớp đá đầu tiên rồi ngưng.

Theo ông Nguyễn Trung Thành - đội xây lắp số 2 Công ty cổ phần Công trình và thương mại giao thông vận tải, nhiều tháng nay gói thầu số 10 (dài 10km) thuộc dự án đường Dương Đông - An Thới không thể thi công do chủ đầu tư không giao mặt bằng.

Ông Thành than: “Công ty chúng tôi đã huy động từ đất liền ra đảo trên 100 đầu máy các loại để phục vụ việc thi công. Vì vậy, việc đình trệ thi công như hiện nay đang gây lãng phí lớn”. Ngoài ra, các nhà thầu thi công các tuyến đường vòng quanh đảo, trục bắc - nam đảo Phú Quốc cũng cho biết họ đang khốn đốn vì chủ đầu tư nợ khối lượng thi công hàng chục tỉ đồng.

Ông Đào Huy Hiệp - trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang - thừa nhận hầu hết công trình giao thông trên đảo Phú Quốc sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã ngưng thi công. “Nguyên nhân chính là do thiếu vốn và nợ khối lượng nhà thầu nên họ ngừng” - ông Hiệp giải thích.

Mòn mỏi chờ điện

Bên cạnh các công trình giao thông “lệch hướng” so với sân bay, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại việc cấp điện tại Phú Quốc hoàn thành không đồng bộ. Hiện trên đảo Phú Quốc chưa có lưới điện quốc gia, vì vậy điện phát bằng các tổ máy chạy bằng dầu diesel kéo theo giá thành cao ngất ngưởng.

Ông Võ Văn Thành - phó giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Phú Quốc - than: “Giá điện kinh doanh hiện nay tại Phú Quốc chưa tính thuế đã lên đến 6.525 đồng/kWh. Khách sạn của chúng tôi chỉ có 43 phòng mà tiền điện hằng tháng phải đóng lên đến 150 triệu đồng. Do điện giá cao nên đã góp phần đẩy giá phòng nghỉ tại Phú Quốc cao hơn nhiều so với nơi khác”.

Theo Điện lực Kiên Giang, hiện nay nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn huyện Phú Quốc tăng bình quân khoảng 15%/năm nhưng khả năng đáp ứng chưa theo kịp nhu cầu. Ông Trương Tấn Lực, giám đốc Điện lực Kiên Giang, cho biết hiện nay giá điện Phú Quốc bán dưới giá thành sản xuất, vì vậy hằng năm lỗ khoảng 150 tỉ đồng. Do điện bán dưới giá thành nên ngành điện tăng sản lượng điện ở... chừng mực.

Trong khi đó, dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc hiện vẫn chưa được khởi động. Theo ông Lực, dự án này đang được Tổng công ty Điện lực miền Nam xét thầu, sau đó sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt. Nếu sớm sẽ khởi công vào giữa năm 2012 và sang năm 2013 mới có thể hoàn thành.

Ưu tiên kết nối với sân bay

Tháng 10-2004, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc (còn gọi là quyết định 178, hiện đã được điều chỉnh bằng quyết định 633). Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thế nhưng sau hơn bảy năm quy hoạch, hiện đảo Phú Quốc vẫn chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng.

Theo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, đến nay trên đảo mới chỉ có 9 dự án du lịch đưa vào hoạt động và 14 dự án đang triển khai xây dựng. Năm 2011 Phú Quốc đón khoảng 351.000 lượt khách, trong đó khoảng 78.000 lượt khách quốc tế...

Theo UBND tỉnh Kiên Giang một trong những kinh nghiệm cần rút ra trong quá trình thực hiện quyết định 178 là sự phát triển phải đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời. Đó là sự đồng bộ xây dựng và triển khai về định hướng phát triển, quy hoạch chung với quy hoạch ngành; đồng bộ trong triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu với việc triển khai quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư; đồng bộ về định hướng, kế hoạch phát triển với bố trí, đào tạo nguồn nhân lực... mới bảo đảm thu hút đầu tư, bảo đảm được năng lực tổ chức thực hiện, nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển.

Một nhà đầu tư có dự án du lịch nhà hàng - khách sạn cao cấp tại Phú Quốc khi được hỏi vì sao đến nay chưa triển khai dự án đã nói thẳng: “Do các dự án phát triển hạ tầng trên đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi. Mặc dù gần đây Phú Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng tôi thấy chưa đồng bộ”.

Ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết Chính phủ đã thống nhất bố trí vốn trái phiếu chính phủ xây dựng các công trình giao thông năm nay từ bằng đến hơn năm 2011. “Nguồn vốn này chúng tôi tập trung trả nợ khối lượng cho các nhà thầu. Phần còn lại chúng tôi ưu tiên xây dựng các con đường kết nối với sân bay. Cụ thể như tuyến đường Bãi Vòng - sân bay Phú Quốc, đường cầu Cửa Lấp - sân bay...” - ông Thi nói.

Dịch vụ yếu, kết nối kém

Xce0P6J9.jpgPhóng to
Các công nhân trải thảm tại sân bay quốc tế Phú Quốc - Ảnh: X.TOÀN

Hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Hạ tầng đô thị kém chất lượng và quá tải. Hạ tầng xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Hạ tầng thông tin phát triển chưa đi đôi với quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp.

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; phân cấp mạnh nhưng thiếu cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu. Phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thiếu chế tài, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

(Trích nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng)

(còn tiếp)

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên