Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO
Phóng to |
Ông Nguyễn Quốc Cường - Ảnh: Việt Dũng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, chủ tịch Hội Nông dân VN, đề nghị:
- Nhà nước phải nhanh chóng sửa Luật đất đai theo hướng nới rộng thời gian giao đất và hạn điền.
"Hội Nông dân VN rất tha thiết đề nghị với Nhà nước phải nhanh chóng sửa Luật đất đai theo hướng nới rộng thời gian giao đất và nới hạn điền ra. Nếu để như hiện nay sẽ cản trở đầu tư phát triển sản xuất của nông dân, cản trở quá trình sản xuất hàng hóa, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn" |
- Việc này rất rõ rồi. Thời hạn giao 20 năm là ngắn. Sản xuất hàng hóa phải có đủ thời gian để tính toán việc sử dụng đất đấy vào việc gì, chu kỳ bao nhiêu. Bây giờ giao 20 năm thì đầu tư vào đấy, sang sửa cái này, cái kia đã mất nửa thời gian, thời gian còn lại làm được gì nữa? Như thế nó không tạo được sự yên tâm cho người chuyên làm nông nghiệp.
Hậu quả nặng nề như ở Hải Phòng vừa qua là vì có chuyện xô xát. Còn thực tế cho thấy có 80% khiếu kiện đất đai do có đụng độ giữa sự quản lý nhà nước với việc sử dụng của người dân, chủ yếu vẫn là người dân với Nhà nước xung quanh vấn đề thu hồi.
Chuyện ông Đoàn Văn Vươn cũng nằm trong chuyện thu hồi. Ngày xưa khu đất đó không ai làm, ông Vươn về làm nhưng chỉ được giao 14 năm trong khi luật quy định đất sản xuất nông nghiệp phải giao 20 năm. Vậy dựa vào đâu mà giao 14 năm?
Chuyện này bên chính quyền cũng sai, ông Vươn cũng sai. Đoàn công tác của Hội Nông dân VN về tìm hiểu và có báo cáo ban đầu cho biết ông Vươn sai ở chỗ diện tích quá nhiều so với diện tích được giao. Còn ở địa phương, tôi nghe thông tin là xã không biết gì cả, huyện trực tiếp làm. Làm gì có chuyện huyện trực tiếp với nông dân? Nhưng thực hư thế nào sẽ có kết luận.
* Thưa ông, vừa qua Hội Nông dân VN có kiến nghị với Thủ tướng về việc sửa các quy định về thời hạn giao đất, hạn điền trong Luật đất đai. Điều đó chứng tỏ Hội Nông dân VN đã nhìn thấy những bất cập của quy định này từ trước khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra?
- Không phải đến gần đây, từ khi Tổng bí thư làm việc với trung ương Hội Nông dân VN hồi tháng 9 năm ngoái, trong báo cáo với Tổng bí thư, chúng tôi có kiến nghị Nhà nước về vấn đề này. Gần đây, khi Thủ tướng đặt vấn đề sẽ làm việc với Hội Nông dân VN, trong báo cáo gửi Thủ tướng chúng tôi cũng nêu vấn đề đó nhưng vì giáp tết nên buổi làm việc chưa tổ chức được.
Có thể tới đây Thủ tướng sẽ làm việc với hội và chúng tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề giao đất cũng như hạn điền để Chính phủ xem xét trong quá trình sửa luật.
Không phải chỉ riêng Hội Nông dân VN, chúng tôi theo dõi thấy dư luận nói chung đều cho rằng thời gian giao đất 20 năm là ngắn quá. Ngay bản thân các đồng chí ở trung ương với nhau cũng thấy giao đất sản xuất nông nghiệp chỉ 20 năm là không đủ thời gian để người sản xuất yên tâm đầu tư.
Tôi tin khi sửa luật, việc nới rộng thời gian giao đất, nới rộng hạn điền chắc chắn sẽ được thực hiện.
* Cơ sở nào để hội đề nghị nâng thời hạn giao đất lên đến 50 năm hay 70 năm?
- Chúng tôi đề nghị giao ít nhất từ 50-70 năm. Thật ra chúng tôi không có cơ quan chuyên môn tính toán bao nhiêu là vừa, chỉ biết 20 năm là ngắn.
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ còn bảo phải giao tới 99 năm. Nhưng cái đó để cơ quan chuyên môn tính toán. Còn ở tất cả những nước chúng tôi đã đi tham quan, chẳng nước nào giao ngắn như mình. Họ giao 99 năm hoặc giao không có thời hạn.
* Có ý kiến cho rằng giao đất với thời hạn lâu dài sẽ có thể xảy ra tình trạng tích tụ ruộng đất?
- Việc đó không khéo lại nhầm lẫn, lại ấu trĩ. Thực chất trên thế giới, tất cả các nước đều phải hỗ trợ, giúp đỡ nông nghiệp. Ở châu Phi nghèo như thế, ở Úc kha khá như thế, ở Mỹ, ở Nhật không khác hơn, nhà nước đều phải hỗ trợ, giúp đỡ bằng cách này cách khác cho nông dân.
Thời xưa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển thì mới lo người dân trở thành chủ đất, trở thành địa chủ, còn bây giờ chúng ta có chính quyền, làm sao có thể áp bức nhau theo kiểu địa chủ ngày xưa?
Bây giờ phải theo hướng nông trang, trang trại hoạt động theo luật pháp. Không phát triển theo kiểu trang trại, bản thân nông nghiệp không thể trở thành sản xuất hàng hóa được. Cứ manh mún mỗi nhà dăm bảy sào, nhà trồng cà chua, nhà trồng mướp, làm sao mà phát triển được?
Phải tích tụ. Mà cái tích tụ đất đai này không phải mình nói với nhau, nghị quyết trung ương 7 nói từ lâu rồi, nói rất rõ là khuyến khích việc tích tụ đất đai mới sản xuất được hàng hóa. Không phải tích tụ tùy tiện mà tích tụ có đảm bảo quyền lợi của người có đất tích tụ.
Ví dụ: người ta đang rất khuyến khích việc anh có đất nhưng anh làm kém hơn người ta, anh góp vào cho người làm giỏi hơn. Góp có nhiều cách góp, cho thuê, cổ phần, thậm chí bán đi. Cũng mảnh đất đấy ở tay người A hiệu quả thấp, sang tay người B thì hiệu quả rất cao, điều đó là tốt.
* Vậy nghị quyết đã có nhưng sao vấn đề này vẫn chưa làm được?
- Đó là do chậm sửa luật. Cái này mọi người nói rất nhiều rồi, đại biểu Quốc hội cũng nói rồi nhưng cơ quan chuyên môn còn lý do này lý do khác, họ bảo đang chuẩn bị, đang tổng kết.
* Thưa ông, ông có nói các nước giao đất nông nghiệp không thời hạn, vậy VN có thể áp dụng cách đó được không?
- Nước ngoài có rồi nhưng ở ta vướng về quan hệ sở hữu. Đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, quốc gia công thổ, Nhà nước quản lý, chỉ giao cho người dân sử dụng thôi. Nếu giao vô thời hạn sẽ không phải của Nhà nước nữa.
Trong quá trình xây dựng cương lĩnh, chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng có nhiều ý kiến xung quanh đất đai. Cái đấy là vấn đề phá vỡ nhiều chuyện. Nếu bây giờ giải phóng điều đó, còn đâu là bản chất chế độ công hữu, lúc đó lại là tư hữu, là tư bản rồi. Nhưng cũng có ý kiến bảo sao các nước như Trung Quốc có loại được giao vĩnh viễn cho dân, có loại nhà nước quản lý. Cái này mỗi nước mỗi khác nên phải tiếp tục bàn luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận