Kế hoạch thu hồi đất của huyện Tiên Lãng không chỉ thực hiện với ông Vươn, ông Luân. Hàng chục hộ khác tại các xã Đông Hưng, Tây Hưng cũng đã nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện và họ đang rất hoang mang. Ông Lương Văn Trong - một chủ đầm - cho biết năm 1992 ông được UBND huyện giao 30ha đất để nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2007, UBND huyện ra thông báo yêu cầu ông dừng đầu tư, thu hoạch tài sản trên đất để giao lại đầm cho UBND huyện. Bức xúc trước việc làm này, ông Trong làm đơn gửi các cấp chính quyền huyện, nhưng không hiểu sao UBND huyện lại đình chỉ việc giải quyết đơn thư của ông.
Một chủ đầm khác là ông Nguyễn Văn Phao cho biết ông được giao đất từ năm 1993, đến năm 2009 UBND huyện ra thông báo dừng đầu tư để thu lại đất. Không đồng ý với quyết định của UBND huyện, ông Phao gửi kiến nghị lên UBND TP Hải Phòng. Từ đó đến nay nhà ông không dám đầu tư vào nuôi trồng vì không biết huyện cưỡng chế lúc nào.
Ngày 14-1, chị Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), chị Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) cùng một số anh em trong gia đình và Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã ra khu đầm 21ha bị cưỡng chế nhầm với ý định dựng lều để ở tạm. Nhưng khi đến khu đầm thì các lực lượng công an xã, dân quân tự vệ không cho vào với lý do “khu vực không an toàn vì có thể còn sót mìn do các đối tượng chống đối cài và nếu muốn vào thì phải có giấy của huyện hoặc xã”.
Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Lê Văn Liêm - chủ tịch UBND xã Vinh Quang - cho biết việc không để chị Thương, chị Hiền và gia đình vào dựng nhà, tiếp tục sản xuất, ổn định đời sống là do huyện có thông báo về vùng đó chưa an toàn do mìn, chông còn lại nhiều. “Mình cho xuống lỡ xảy ra mất an toàn thì sau này chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm thế nào” - ông Liêm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận