31/12/2011 07:52 GMT+7

Phát hiện cây xăng có methanol cao bất thường

MINH QUANG - LÂM HOÀI
MINH QUANG - LÂM HOÀI

TT - Ngày 30-12, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) công bố năm mẫu xăng nghi liên quan đến gây cháy xe máy, ôtô đã cho kết quả đảm bảo theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

Tuy nhiên, các đơn vị của tổng cục đã phát hiện thêm một cây xăng có hàm lượng methanol quá quy định.

Xem hồ sơ xe máy cháy nổ trên TTO

DMqESRZj.jpgPhóng to
Kết quả giám định xăng tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch (đường Hồ Tùng Mậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy có hàm lượng methanol vượt tiêu chuẩn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Bộ Khoa học - công nghệ vừa có thông báo hỏa tốc về việc một cây xăng không đạt chất lượng tại Hà Nội. Theo thông báo này, Cục và Chi cục TCĐLCL thuộc Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội kiểm tra đột xuất tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch - Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm (Tultraco), địa chỉ km9 đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội và lấy mẫu thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm xác định sản phẩm xăng RON92 ở cây xăng này có hàm lượng oxy thực tế 8,8% khối lượng, cao vượt mức quy định hơn 3 lần; hàm lượng methanol chiếm 15,3% thể tích (nguyên nhân làm cho hàm lượng oxy cao), hàm lượng nước 366ppm. Các hàm lượng này chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ Khoa học - công nghệ.

Hàm lượng methanol như thế là chất lượng quá cao!

Ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng Cục TCĐLCL, cho biết đây là mẫu xăng thứ hai có hàm lượng methanol cao như vậy. Trước đó, cơ quan quản lý thị trường đã chuyển một mẫu xăng để thử nghiệm và cho kết quả hàm lượng methanol chiếm 20% thể tích.

Chiều 30-12, cây xăng Mai Dịch vẫn bán hàng bình thường, khách hàng vẫn tấp nập như thường ngày. Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Tultraco Nguyễn Kim Quân cho biết cây xăng là đại lý ký hợp đồng nhận nguồn xăng từ tổng đại lý của Tổng công ty Xăng dầu quân đội. Ông Quân nói: “Hợp đồng được ký từng năm và chỉ lấy xăng ở đó thôi”. Ông Quân khẳng định quan điểm của ban giám đốc công ty cho rằng với hàm lượng methanol vượt 15,3% thể tích không phải không đạt chất lượng mà như vậy là chất lượng... quá cao.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Xuân Cảnh - cửa hàng trưởng phụ trách cây xăng Mai Dịch kiêm trưởng phòng kinh doanh 10 của Tultraco - nói: “Hoàn toàn bất ngờ và không chấp nhận kết quả này”. Ông Cảnh khẳng định cây xăng nhập xăng vào theo quy trình khép kín từ bồn vào bể chứa, không hề có việc pha trộn. Về trách nhiệm của cửa hàng liên quan tới chất lượng xăng không đảm bảo, ông Cảnh cho biết tổng đại lý và nhà sản xuất phải chịu, cửa hàng chỉ là đại lý phân phối, hưởng hoa hồng. Theo ông Cảnh, trong ngày 30-12 Tultraco đã gửi công văn cho tổng đại lý của Tổng công ty Xăng dầu quân đội đề nghị làm việc để làm rõ vấn đề xung quanh chất lượng xăng.

Cũng trong ngày 30-12, Đội quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã có buổi làm việc với đại diện phòng kinh doanh của Tultraco liên quan tới đơn khiếu nại trước đó của người dân về chất lượng xăng tại cây xăng Mai Dịch. Bà Trần Thị Bích - kiểm soát viên của Đội quản lý thị trường số 13 - cho biết ngày 12-12, lực lượng chức năng của đội đã lấy mẫu xăng A92 tại cây xăng gửi đi thử nghiệm. Theo chứng thư giám định của Trung tâm kỹ thuật 1 (Tổng cục TCĐLCL), các chỉ số của mẫu xăng bình thường, đạt tiêu chuẩn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-12, đội phó Đội quản lý thị trường số 13 Nguyễn Đức Thiện cho biết vừa nắm thông tin mẫu xăng tại cây xăng Mai Dịch có hàm lượng methanol vượt 15,3%. Ông Thiện khẳng định sẽ gửi công văn đến Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, nếu cây xăng có vi phạm sẽ xử lý theo quy định và chức năng của đơn vị.

Các mẫu xăng nghi gây cháy đều đảm bảo độ an toàn

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ nổ, cháy xe máy của anh Trịnh Đức Sơn (33 tuổi, trú tại số 9, tổ 56, phường Mai Động, Hà Nội) vào ngày 26-12, Tuổi Trẻ đã cùng anh Sơn lấy mẫu xăng tại cây xăng nơi anh Sơn đổ xăng lần cuối và một mẫu xăng khác để đưa đi thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I tiến hành cho thấy mọi chỉ số của hai mẫu xăng này đều đảm bảo chất lượng an toàn, không phát hiện methanol, ethanol và aceton trong xăng.

Cùng thời điểm này, Tổng cục TCĐLCL cũng lấy ba mẫu xăng để thử nghiệm gồm: mẫu xăng còn lại trong bình xăng của chiếc Attila bị cháy trên đường Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội ngày 28-12, mẫu xăng tại cây xăng gần nhà chị Nguyễn Thị Quỳnh (thôn Sơn Nam, TP Bắc Ninh) bị nổ và cháy xe vào sáng 1-12 làm chị Quỳnh và con gái là Nguyễn Khánh Vân tử vong, một mẫu xăng tại cây xăng bất kỳ.

Ông Trần Văn Vinh cho biết kết quả thử nghiệm năm mẫu xăng này cho thấy không mẫu nào có aceton, methanol hoặc hàm lượng oxy vượt quá quy định. Tất cả các mẫu đều đảm bảo yêu cầu về Tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tổng cục vẫn chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu xăng ở các địa điểm nghi vấn để thử nghiệm, xác định có dấu hiệu nào liên quan đến các vụ cháy nổ xe trong thời gian gần đây hay không. Ông Vinh cũng đề nghị người dân, các cơ quan, tổ chức nếu phát hiện các vụ cháy xe có thể lấy mẫu xăng của xe bị cháy hoặc cây xăng nghi vấn chuyển đến tổng cục để tiến hành thử nghiệm, đánh giá có nguyên nhân cháy xe do xăng hay không.

Xăng pha rất dễ gây cháy

Methanol hay aceton trong xăng sẽ làm trương nở, hở các gioăng cao su ở các bộ phận kỹ thuật của xe máy, làm hỏng kết cấu của nhựa, cao su trong động cơ; ống dẫn xăng có thể bị làm mềm, phồng lên - đại tá Nguyễn Đức Thắng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và tư vấn, chuyển giao công nghệ PCCC và cứu nạn cứu hộ Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, cho biết.

Theo đánh giá của ông Thắng, đặc biệt đối với xe có bộ phận phun xăng điện tử, áp lực lên thành ống khoảng 3kg, nếu đường ống bị mềm, phồng sẽ có khả năng bị rò rỉ. Những đường ống này đều đi gần phần cổ ống pô là bộ phận phát nhiệt nên dễ có khả năng cháy. Cụ thể, phần cổ ống pô nếu bị nung đỏ sẽ có nhiệt lên đến 300-400OC. Trong khi đó nhiệt độ tự bốc cháy của xăng từ 255-370OC. Nếu xăng rò rỉ qua đường ống gần với cổ ống pô sẽ có thể bắt cháy.

Ông Thắng nhận định việc pha những chất như etanol, methanol, aceton vào xăng nếu chạy trong chu trình kín, trong động cơ (không bị hở ra ngoài) thì xăng pha này chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến tuổi thọ máy móc. Tuy nhiên, ông Thắng không loại trừ việc nhiên liệu pha này sẽ làm nóng máy, có thể gây nguy hiểm như làm nóng vỏ nhựa bên ngoài gây cháy. Đối với các xe cháy bùng, ông Thắng cho rằng có thể xe cháy âm ỉ và lan sang đường ống dẫn xăng bắt cháy. Ngoài ra, các đường ống phồng, mềm, giãn nở do tác động của các chất như trên cũng có thể phun xăng, rò rỉ xăng ra ngoài và gặp điều kiện nhiệt như trên gây cháy bùng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một cán bộ phòng thử nghiệm xăng dầu khí Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I cho biết methanol không chỉ ảnh hưởng đến gioăng cao su mà còn ăn mòn các bộ phận kỹ thuật có hợp kim nhôm như bình xăng phụ, chế hòa khí. Nó sẽ ăn mòn, làm rò rỉ, thủng bình xăng, chế hòa khí và có thể gây hỏa hoạn khi gặp nguồn nhiệt. Đặc biệt, methanol tự cháy khi đạt nhiệt độ 11OC nên chỉ cần nguồn nhiệt đủ nóng để chất này đạt nhiệt độ trên là có thể cháy. Và khi methanol đã cháy thì phát nhiệt rất lớn càng làm đám cháy bốc to.

Về nguyên lý pha chế, ông Thắng khẳng định việc pha trộn phải có công nghệ chứ không thể làm bừa được. Ví dụ như xăng sinh học thì tiêu chuẩn được pha dưới 10%. Hiện nay ở Việt Nam có xăng E5 được pha 5% ethanol. Theo các nhà chuyên môn về động cơ, xăng sinh học nếu sử dụng thường xuyên thì tốt nhưng để lâu có thể xuất hiện hiện tượng tách pha khiến xăng và ethanol không hòa trộn với nhau, dễ gây chết máy. Đánh giá về việc pha trộn methanol đến 15,3%, ông Thắng khẳng định ở nước ngoài có nước không cho pha chất này vào xăng, còn việc pha quá tiêu chuẩn như trên là sai, vi phạm các quy định của pháp luật.

MINH QUANG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên