Tạm dừng đăng ký hộ khẩu vào Đà Nẵng
Chiều 24-12, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại với Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến về vấn đề này.
* Ý kiến của ông như thế nào về nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng?
- Tôi chưa được tiếp cận văn bản gốc của HĐND TP Đà Nẵng, nhưng thông tin trên các báo cho thấy đó là một nghị quyết có nội dung tạm dừng việc đăng ký hộ khẩu thường trú mới vào TP Đà Nẵng. Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng Luật cư trú do Quốc hội ban hành phải được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Điều này có nghĩa rằng mọi văn bản dưới luật điều chỉnh vấn đề này không được trái với các quy định của luật. Như vậy, nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng về việc tạm dừng đăng ký hộ khẩu thường trú là không phù hợp và trái với quy định của Luật cư trú.
* Lý do Đà Nẵng đưa ra để giải thích cho việc ban hành nghị quyết này là tình trạng nhập cư vào TP Đà Nẵng tăng quá nhanh, gây quá tải ở khu vực trung tâm, tội phạm là người địa phương khác đến Đà Nẵng sinh sống chiếm tỉ lệ cao...
- Tình trạng này đang tồn tại ở nhiều đô thị lớn của nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM thì tình trạng quá tải về hạ tầng, giao thông, rồi vấn đề trật tự xã hội... còn nghiêm trọng hơn Đà Nẵng. Nhưng không phải vì tình trạng này mà địa phương tự đặt ra những hàng rào pháp lý không phù hợp với quy định của luật.
Gần đây, khi Quốc hội xem xét dự án Luật thủ đô, trong đó có đưa vào dự thảo quy định hạn chế nhập cư vào nội thành, đã bị nhiều đại biểu Quốc hội bác bỏ vì cho rằng đó là quy định vi hiến và trái Luật cư trú. Chính vì vậy, đến nay cả Hà Nội và TP.HCM không thể đưa ra các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cư.
Hơn nữa, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng ngay cả khi đưa ra quy định hạn chế nhập cư cũng không phải là giải pháp có thể làm giảm sức ép dân số trong khu vực đô thị. Bởi vì có những người dân nơi khác đến đó mưu sinh, họ có thể không được đăng ký thường trú nhưng vẫn cứ bám trụ ở đó để lao động. Như vậy không cho đăng ký hộ khẩu lại có thể dẫn đến tình trạng phức tạp hơn cho công tác quản lý dân cư.
Mặt khác, nếu Đà Nẵng nói riêng và các TP lớn nói chung thấy rằng hạn chế nhập cư bằng biện pháp hộ khẩu thường trú là biện pháp tốt thì họ phải đề nghị sửa đổi Luật cư trú.
* Lãnh đạo Đà Nẵng giải thích rằng nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng chỉ tạm dừng việc đăng ký hộ khẩu thường trú nên không trái với Luật cư trú, khi nào Quốc hội sửa Luật cư trú thì Đà Nẵng mới dừng hẳn, ông nghĩ sao?
- Tôi cho rằng không thể giải thích như vậy được. Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ quy định rất rõ các điều kiện và trình tự, thủ tục cho việc đăng ký hộ khẩu thường trú. Có nghĩa là Luật cư trú phải được đảm bảo thi hành liên tục, không gián đoạn. Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng là văn bản pháp quy dưới luật thì không thể điều chỉnh nội dung Luật cư trú được.
* Thưa ông, nhưng nghị quyết này đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua vào ngày 23-12, nếu nó có nội dung trái luật thì cơ quan nào có trách nhiệm xử lý văn bản này?
- Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh sau khi thông qua sẽ được gửi lên Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan này xem xét về tính hợp hiến, hợp pháp của nó. Như vậy, Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan có trách nhiệm xử lý, hoặc yêu cầu xử lý nghị quyết này nếu khẳng định nó có nội dung trái luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận