02/09/2004 06:00 GMT+7

Hà Nội: quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tình trạng quá tải đang diễn ra hết sức trầm trọng ở tất cả các bệnh viện (BV) tuyến trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các BV chuyên khoa đầu ngành sản, nhi, ung bướu...

qcmmYork.jpgPhóng to
Rất nhiều thân nhân người bệnh phải ngủ ngoài hành lang BV (ảnh chụp tại BV Nhi Hà Nội)
TT - Tình trạng quá tải đang diễn ra hết sức trầm trọng ở tất cả các bệnh viện (BV) tuyến trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các BV chuyên khoa đầu ngành sản, nhi, ung bướu...

Khắp nơi quá tải

Đánh giá về tình trạng ở BV mình, TS Trần Bình Giang, phó giám đốc BV Việt Đức, mô tả: “BV Việt Đức luôn bị đặt trong tình trạng quá tải nặng nề về mổ cấp cứu. Hiện trung bình mỗi tháng BV Việt Đức mổ khoảng 1.600 ca, dự kiến cả năm 2004 mổ 20.000 ca, gấp ba so với chỉ tiêu Bộ Y tế giao”.

Tại các BV tuyến T.Ư khác trên địa bàn Hà Nội, tình trạng quá tải cũng luôn diễn ra. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc BV Nhi T.Ư, trung bình mỗi ngày đầu hè 2004, BV tiếp nhận 900-1.000 bệnh nhi đến khám, 750 cháu điều trị nội trú, trong khi toàn BV chỉ có 500 giường.

Ở BV Phụ sản, BV K T.Ư tình hình còn trầm trọng hơn. Người nhà bệnh nhân ung bướu tràn ra ngồi chờ đầy phố Quán Sứ, nơi BV K T.Ư tọa lạc. Ở BV Phụ sản T.Ư, tình hình thường trở nên đặc biệt trầm trọng vào các “năm đẹp”, nhiều người chọn để sinh con như năm Quí Mùi 2003 vừa qua.

Do quá tải bệnh nhân chờ mổ, ở BV Việt Đức từng có bác sĩ làm “cò”, móc nối đưa bệnh nhân đi mổ nơi khác để lấy hoa hồng. Ở BV Nhi T.Ư, nhiều phụ huynh đã phải dấm dúi cho bác sĩ để được khám sớm, không phải xếp hàng. Tại BV Mắt, BV K T.Ư từng xuất hiện “cò” khám chữa bệnh... Cũng từ chuyện quá tải mà nảy sinh nhiều cách bồi dưỡng nhân viên y tế.

Chống quá tải bằng cách nào?

Trước mức độ trầm trọng của tình trạng nói trên, hôm 27-8 vừa qua cả Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và sáu chủ tịch, phó chủ tịch UBND sáu tỉnh thành phía Bắc là Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Tây đã dành cả buổi chiều để nghe thuyết trình dự án “BV vệ tinh” cho BV Việt Đức. Theo đó, sẽ có 112 tỉ đồng được đầu tư để tăng cường năng lực cấp cứu ngoại khoa cho sáu BV đa khoa trung tâm sáu tỉnh thành này.

Lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải BV, vẫn TS Trần Bình Giang cho biết qua khảo sát tại 14 địa phương trước khi xây dựng đề án BV vệ tinh, nhận xét chung của nhóm chuyên gia là cơ sở vật chất rất kém, nhân lực không đủ. Có nơi phòng mổ BV chỉ duy nhất drap trải giường sạch, ngoài ra không hề có thiết bị gì. “Thậm chí nhiều dụng cụ phòng mổ là do các bác sĩ tự tạo, có dụng cụ đã thọ 40-50 năm. Vì thế, có bệnh nhân sống cách Hà Nội 50km bị máy ép gạch cuốn nát chân, khi được chở về BV Việt Đức cấp cứu phải chở theo cả chiếc máy ép gạch! Nhiều người đã tử vong do cấp cứu không kịp thời” - TS Giang nói.

Điều lo ngại nhất của các ngành chức năng hiện nay không phải là kinh phí để đầu tư cho dự án BV vệ tinh ở các địa phương, mà là vấn đề đào tạo bác sĩ tuyến tỉnh làm sao ngang tầm với tuyến T.Ư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, phương pháp đào tạo “cầm tay chỉ việc” là phương pháp rất hiệu quả. Bằng chứng là thời gian qua, các bác sĩ BV Nhi T.Ư đã tới Thanh Hóa để tăng cường năng lực cấp cứu, điều trị bệnh nhi mắc bệnh viêm não, kết quả là số ca viêm não từ Thanh Hóa phải chuyển về BV Nhi T.Ư đã giảm hẳn.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên