23/11/2011 02:24 GMT+7

Mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ

VĂN KỲ
VĂN KỲ

TT - Đã sáu tháng trôi qua, gần 100 hộ dân tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thủy sản nuôi trên đầm Thủy Triều bị chết hàng loạt.

Lý do là cơ quan chức năng và đơn vị xả nước thải ra đầm vẫn chưa thống nhất được mức hỗ trợ.

lVk7eRyJ.jpgPhóng to
Cá mú nuôi bị chết hàng loạt vào thời điểm Nhà máy đường Khánh Hòa xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn ra đầm Thủy Triều - Ảnh: Văn Kỳ

Tháng 4-2011, người dân xã Cam Thành Bắc và cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang Nhà máy Đường Khánh Hòa (thuộc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa) xả nước thải ra đầm Thủy Triều. Cùng thời điểm này, cá mú, tôm, rong sụn... của gần 100 hộ dân nuôi ở đầm Thủy Triều bị chết hàng loạt trên diện rộng. Theo thống kê của UBND huyện Cam Lâm, có 53 hộ nuôi trồng rong sụn bị thiệt hại với diện tích 22,37ha, bảy hộ nuôi tôm chân trắng bị thiệt hại với diện tích 3,05ha, 13 hộ nuôi cá chẽm và cá mú bị thiệt hại với diện tích 3,95ha.

Ông Lê Văn Đồng, người dân ở thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, bức xúc: “Tôi nuôi mấy ao cá mú, chuẩn bị đến vụ thu hoạch thì cá chết hàng loạt, thiệt hại gần 800 triệu đồng. Hiện tôi nợ gần 500 triệu đồng, không còn vốn để tái đầu tư, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ”.

Tại cuộc họp ngày 24-10 bàn về hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - chỉ đạo UBND huyện Cam Lâm phối hợp với Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa và đại diện các hộ dân xác định rõ khối lượng thủy sản bị thiệt hại vào thời điểm nhà máy đường xả thải không đạt tiêu chuẩn ra đầm Thủy Triều. Trong đó, ông Vinh chỉ đạo cần lưu ý về khoảng cách đến nguồn xả thải, diện tích nuôi trồng, mật độ nuôi trồng, thời gian nuôi trồng theo quy định hiện hành để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp. Tại cuộc họp này, UBND huyện Cam Lâm đề nghị tổng số tiền Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa cần hỗ trợ cho người dân là 1,698 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 31-10 do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa chủ trì bàn về phương án hỗ trợ người dân, Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa chỉ đồng ý hỗ trợ giống, với mức 25% theo tỉ lệ thiệt hại kê khai thực tế của dân. Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Đỗ Thành Liêm - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa - giải thích chỉ chấp nhận “giúp đỡ” 75 triệu đồng cho gần 100 hộ dân nuôi trồng thủy sản vì UBND tỉnh kêu gọi giúp đỡ chứ không vì trách nhiệm gì cả.

Theo ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nhà máy đường Khánh Hòa xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra đầm Thủy Triều đã bị UBND tỉnh xử phạt, nhưng các ngành chức năng của tỉnh không đủ căn cứ dữ liệu để khẳng định việc xả thải ảnh hưởng mức độ nào đến việc thủy sản nuôi trong đầm bị chết hàng loạt. “Tại thời điểm thủy sản bị chết thì nhà máy đường có hành vi xả thải nên tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa thống nhất với UBND huyện Cam Lâm và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý đối với người dân bị thiệt hại. Sau khi có báo cáo từ sở, chúng tôi sẽ họp bàn và có giải pháp giải quyết nhanh chóng vấn đề này” - ông Vinh nói.

VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên