18/11/2011 08:17 GMT+7

Giải quyết các xung đột theo luật quốc tế

KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)
KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)

TT - Chiều 17-11 tại Bali (Indonesia), lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua “Tuyên bố Bali về cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, cam kết tăng cường hợp tác ở cấp khu vực và toàn cầu trên ba trụ cột là an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội.

m0s1gyso.jpgPhóng to
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân tại hội nghị - Ảnh: AFP

Vấn đề biển Đông tiếp tục là đề tài được các phóng viên rất quan tâm. Tuyên bố Bali không nhắc đến từ này, nhưng được khẳng định trong nội dung về hợp tác chính trị - an ninh như sau: “Đảm bảo việc thông thương quốc tế trong hòa bình, an toàn, tự do và không bị trở ngại, phù hợp với các điều luật quốc tế liên quan” và “giải quyết hòa bình các xung đột theo luật quốc tế”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sáng 17-11, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng thúc giục các nhà lãnh đạo phải “đảm bảo ổn định và an ninh tại khu vực, ASEAN phải tiếp tục giữ vai trò tích cực trong việc điều phối và tự đưa ra giải pháp cho các vấn đề”.

Tiếp xúc với báo chí sau khi tuyên bố được ký kết, Ngoại trưởng Indonesia, tiến sĩ Marty Natalegawa cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc xây dựng cộng đồng ASEAN, vai trò của ASEAN trong bối cảnh rộng lớn hơn khu vực, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

“Các cuộc thảo luận diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, hiệu quả, chân thành - ông nói - Khu vực ASEAN sẽ tiếp tục là nơi ổn định, hòa bình và ngày càng thịnh vượng. Trong những ngày tới, ASEAN sẽ khẳng định vai trò trung tâm vượt lên khu vực trong các cuộc họp với các đối tác khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và tất nhiên cả trong cuộc họp thượng đỉnh Đông Á”.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới, việc ASEAN tiếp tục đoàn kết và thống nhất thực hiện mục tiêu chung được xem là yếu tố tiên quyết để đẩy nhanh quá trình hợp nhất thị trường chung đầy tiềm năng, nhằm duy trì sức mạnh một cách bền vững, tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, cũng như tiếp tục là động lực cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong ASEAN, vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông, nhất là Mekong, một cách hợp lý, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực.

Thủ tướng cũng nhận định mục tiêu kết nối ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết vào năm 2015, và đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác ASEAN cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. ASEAN là khối các quốc gia có 32.000 hòn đảo, trải trên diện tích 4 triệu km2 và có 600 triệu người sinh sống, sử dụng hơn 900 ngôn ngữ. “Kết nối” mang vai trò quan trọng chiến lược nhưng cũng là thách thức lớn, nhằm tạo nên một ASEAN bền vững, có sự quan tâm và chia sẻ.

KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên