Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015.
Cụ thể kế hoạch này có các chỉ tiêu chính: GDP tăng 6,5-7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5-7% vào năm 2015, bội chi ngân sách dưới 4,5% vào năm 2015, nợ công dưới 65% GDP, giảm dần nhập siêu và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015, giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP từ 2,5-3%/năm, năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29-32% so với năm 2010, tạo việc làm cho 8 triệu người, thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2010, tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 85%...
Phóng to |
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út: các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều chỉ tiêu không đạt, quản lý chồng chéo, đầu tư dàn trải... - Ảnh: Việt Dũng |
Tái cơ cấu nền kinh tế
Các đại biểu biểu quyết mục tiêu tổng quát cho toàn giai đoạn là: cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng Quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực |
Bên cạnh việc đặt ra chỉ tiêu thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 tăng gấp 2-2,5 lần so với năm 2010, nghị quyết cũng khẳng định phải ổn định giá trị đồng tiền. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và giá dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013.
“Dự án liên hoan xong thì... có vấn đề”
Cũng trong sáng 8-11, Quốc hội thảo luận chương trình mục tiêu quốc gia năm năm 2011-2015 và chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ năm năm 2011-2015.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước: việc đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn, trái phiếu Chính phủ còn nhiều hạn chế. Công tác lập dự án, thẩm định dự án, phê duyệt dự án nhiều sai sót. Xác định dự toán sơ sài thiếu chính xác. Tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm.
Ông Ngân nói: “Tôi thật sự lo lắng khi thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ cho những năm tiếp theo... Chúng ta chưa có cơ chế xác định trách nhiệm người lập dự án, người thẩm định dự án, người phê duyệt dự án, người triển khai dự án, tổ chức nghiệm thu dự án và một số dự án nghiệm thu liên hoan xong thì bắt đầu có vấn đề”. Ông hỏi tiếp: năm nay dự kiến bội chi trên 111.000 tỉ đồng, trong đó vay vốn trong nước là 83.500 tỉ đồng cộng với phát hành trái phiếu 45.000 tỉ đồng tức là trên 128.000 tỉ đồng, nguồn vốn này “sẽ phát hành ở đâu, ai là người mua?”. Theo ông, việc phát hành trái phiếu là hình thức gián tiếp để tăng cung tiền, mà tăng cung tiền tức là tăng lạm phát.
Số liệu về vốn trái phiếu Chính phủ - Năm 2010: 56.000 tỉ đồng. - Năm 2011: 45.000 tỉ đồng. - Vốn đã bố trí giai đoạn 2003-2010: 236.770 tỉ đồng. - Nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2015: 405.000 tỉ đồng. Nếu tính cả trượt giá khoảng 500.000 tỉ đồng. Nhưng khả năng đáp ứng chỉ là 225.000 tỉ đồng (tức 45.000 tỉ đồng mỗi năm) |
Đề cập những điểm bất cập của các chương trình mục tiêu quốc gia, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út (Kiên Giang) lên tiếng: 12 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn vừa qua đều có nhiều chỉ tiêu không đạt. Nội dung các chương trình còn chồng chéo, trùng lắp, dàn trải. Việc đề xuất 16 chương trình giai đoạn 2011-2015 là quá nhiều, cần lồng ghép lại để giảm đầu mối, tập trung nguồn lực.
Ông gợi ý: như chương trình phòng chống ma túy nên ghép với chương trình phòng chống AIDS thành chương trình phòng chống ma túy - AIDS, chương trình nước sạch nông thôn cần ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Danh Út nhắc đến chuyện có quá nhiều đầu mối “xí phần” quản lý các chương trình trên. Ví dụ, chương trình giảm nghèo có tới 13 bộ tham gia quản lý với 68 cơ chế, chính sách khác nhau. Ông đề nghị cần giảm đầu mối, giao Bộ Kế hoạch - đầu tư làm tổng điều hành các chương trình.
Theo lịch làm việc, sáng nay (9-11), Quốc hội thông qua hai nghị quyết về các nội dung trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Luật giá quá chung chung, phải cần rất nhiều nghị định nữa mới thực hiện được, trong khi làm một nghị định có khi mất cả năm. Trong luật cũng không nêu phải bình ổn giá dịch vụ. Như giá thuốc, bà Tiến cho biết ngành y tế sẽ phải tính toán để bớt khâu trung gian nâng giá thuốc. Ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng vấn đề là ở VN còn tình trạng độc quyền nên mới có những vấn đề cần quản lý giá mạnh. Chứ có cạnh tranh, người dân có quyền chọn người giá thấp thì giá cao sẽ tự động phải giảm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề nghị ban soạn thảo Luật giá nên đầu tư thêm để làm rõ những trường hợp phát sinh có thể có trong thực tiễn như Honda công bố giá xe một đằng nhưng giá bán lại khác. Ông Hòa cũng đề nghị một số nhóm hàng cần can thiệp ngay từ đầu như thuốc chữa bệnh, không nên để có sự biến động mới bình ổn. Cũng theo ông, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong dự luật không rõ, chỉ thấy quyền, mà nếu không làm hết quyền thì xử lý thế nào? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận