Trong ngày, lực lượng công an tiếp tục triệu tập (lần thứ ba) ba đối tượng liên quan gồm bà Nguyễn Thị Thúy (chủ tiệm vàng Tín Huy), Ngô Quang Trưởng (cháu ruột bà Thúy) và ông Nguyễn Hải (cha ruột bà Thúy) để làm sáng tỏ thêm một số tình tiết liên quan đến vụ án.
Tối 26-10, theo một nguồn tin từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi, giám định hai bao nilông bà Thúy đưa cho Ngô Quang Trưởng cho thấy trong đó có số tiền mặt là 800 triệu đồng và 66 lượng vàng. Ngô Quang Trưởng đã mang toàn bộ số vàng và tiền này về nhà đưa cho ông Nguyễn Hải (cha bà Thúy) cất giấu tại nhà ông Dương Bồng (thôn An Châu, xã Bình Thới, Bình Sơn).
Theo các điều tra viên, ban đầu bà Thúy khai do một số người nợ bà với số lượng vàng lớn, trong khi đó bà cũng nợ nhiều người khoảng 5,5 tỉ đồng (chưa kể lãi suất) nên mới dựng màn kịch bị cướp “thôi miên” nhằm đánh lừa những chủ nợ và để dễ bề đòi nợ. “Hiện lực lượng chức năng vẫn đang xác minh các tình tiết liên quan, sớm kết thúc vụ án” - thượng tá Sang cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đức (chồng bà Thúy), số tiền nợ gốc thiếu của người dân khoảng 7-8 tỉ đồng. “Do vợ tui quẫn quá nên mới làm như vậy. Tui biết số tài sản hiện có của gia đình đủ để thanh toán nợ gốc, nhưng mọi người phải cho thời gian nhất định để chúng tôi vừa làm vừa trả dần” - ông Đức nói.
Cùng ngày, có thêm khoảng 20 người là chủ nợ của tiệm vàng Tín Huy tiếp tục đến Công an huyện Bình Sơn để trình báo về số tiền, vàng đang gửi tại Tín Huy, nâng tổng số người cho Tín Huy vay vàng, tiền lên trên 30 người. Hiện các điều tra viên đang thống kê số lượng vàng, tiền mà số người đã trình báo.
* Ngày 26-10, hàng chục nạn nhân vụ vỡ nợ của bà Nguyễn Thùy Hương (29 tuổi, phó phòng kế toán thuộc Ngân hàng Sài Gòn Công thương chi nhánh Đà Nẵng) tiếp tục đến cơ quan công an trình báo. Công an quận Hải Châu - nơi tiếp nhận đơn tố cáo - cho biết chưa có dấu hiệu bà Hương lừa đảo chiếm đoạt nên đã hướng dẫn các chủ nợ làm thủ tục kiện bà Hương ra tòa dân sự.
Theo một nạn nhân, bà Hương vỡ nợ có liên quan đến đầu tư đất đai. Khi giá đất sốt, bà Hương gom tiền đầu tư nhưng sau đó đất đai ở Đà Nẵng đóng băng, bà phải mượn tiền với lãi suất cao để trả lãi cho người khác, dẫn đến không còn khả năng thanh toán. Theo thông tin ban đầu, bà Hương đang nợ tổng cộng của 18 người với khoảng 20 tỉ đồng, trong đó người nhiều nhất gần 4 tỉ, người ít vài trăm triệu. Ngoài ra, bà Hương còn một số khoản nợ khác tại các ngân hàng.
Hồi tháng 9, tại Đà Nẵng cũng xảy ra một vụ vỡ nợ do liên quan đến đầu tư đất đai. Gần 20 cán bộ và nhân viên khoa chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Đà Nẵng đồng loạt làm đơn đến Công an quận Thanh Khê trình báo về vụ vỡ nợ của bà Vũ Thị Kim Liên (42 tuổi, nhân viên hộ lý của khoa). Thông tin ban đầu cho biết bà Liên còn vay mượn của hàng xóm và những người khác nhiều tỉ đồng.
Luật sư Nguyễn Thị Hường (Công ty luật hợp doanh miền Trung) nhận định thời gian tới vào hạn cuối năm, khi các ngân hàng ráo riết thu hồi vốn, nhiều khả năng sẽ lộ ra thêm các vụ vỡ nợ mới ở Đà Nẵng. Thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, phần đông các chủ đầu tư đều đi vay nợ ngân hàng và thua lỗ lớn, phải vay bên ngoài để trả tiền lãi cho ngân hàng.
* Ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang - cho biết vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác lần hai đối với bà Nguyễn Ngọc Điệp (phó chánh văn phòng sở) theo yêu cầu của Đảng ủy khối các cơ quan dân chính Đảng. Theo ông Dũng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bà Điệp bị đình chỉ công tác là do có liên quan đến “tín dụng đen”.
Theo thông tin ban đầu, bà Điệp huy động tiền của nhiều người dân và cán bộ, công chức đang công tác ở tỉnh Kiên Giang với số tiền ước tính lên đến gần 10 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận