Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: việt dũng |
Theo đó, để khuyến khích người tố cáo và đảm bảo an toàn cho họ, dự luật quy định người tố cáo được giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng có khuyến khích được người dân tham gia tố cáo hay không sẽ phụ thuộc cơ chế bảo vệ. “Làm sao để họ yên tâm sống, làm việc khi đứng lên tố cáo, nhất là trong trường hợp người bị tố cáo biết danh tính người tố cáo. Người bị tố cáo thường là người có chức vụ, quyền hạn nên việc trả thù, trù dập rất tinh vi. Thực tế cho thấy trong 88 người được Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vinh danh thì phần lớn nói rằng họ từng bị trù dập. Vì vậy, luật cần quy định người tố cáo được bảo vệ trong bất cứ trường hợp nào chứ đừng để người ta yêu cầu mới bảo vệ” - bà Thúy đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) đề nghị bảo vệ cả những người thân thích của người tố cáo và những người đang nắm giữ những thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tố cáo. Cạnh đó, để cho công bằng, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị quy định cơ chế bảo vệ những người bị tố cáo sai.
Đối với các hình thức tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ nên quy định công dân được tố cáo trực tiếp hoặc bằng đơn thư, chưa nên quy định các hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử vì các hình thức này có thể bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự hoặc phát tán thông tin tố cáo, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Không đồng tình với giải trình này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng hiện nay chúng ta chấp nhận trên thực tế các đường dây nóng tại cơ quan công an, bệnh viện... mà nó cũng phát huy hiệu quả. Vì vậy, không nên nói là do nó phức tạp mà loại bỏ các hình thức này. Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) khẳng định: “Đường dây nóng trong cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng đang phát huy rất tốt, cần ghi nhận các hình thức này và quy định chặt chẽ hơn”.
Với cách lý giải tương tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không xem xét đơn thư tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng như vậy sẽ mặc nhiên bỏ lọt những thông tin quan trọng và bỏ lọt tội phạm. “Có những tố cáo không nêu tên, địa chỉ người tố cáo nhưng lại nêu rõ bằng chứng vi phạm của người bị tố cáo. Sở dĩ người ta không dám nêu tên trong đơn tố cáo là sợ bị trù dập, đe dọa. Vì vậy, tôi đề nghị với những đơn tố cáo có cơ sở để xác minh thì phải xem xét, giải quyết” - đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị.
Xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chánh án Tòa án nhân dân tối cao... Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các vấn đề trên, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo việc phòng chống tội phạm và đạt kết quả tích cực. Nhiều vụ trọng án được phá kịp thời, đã hạn chế được oan sai... Tuy nhiên, công tác quản lý trên các lĩnh vực như kinh tế, môi trường... còn thiếu chặt chẽ, để các đối tượng lợi dụng. Đặc biệt, Chính phủ vẫn để tình trạng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động tại VN. Hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn người VN ra ngoài biên giới đánh bạc, phạm tội. Còn nhiều trường hợp người dân tích cực tham gia phòng chống bị trả thù, khiến họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp đánh giá vẫn có hiện tượng lạm dụng xử lý hành chính những vi phạm môi trường. Việc xử lý tham nhũng vẫn chưa tương xứng với tình hình. Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đủ về chất lượng điều tra của các cơ quan điều tra. Trên thực tế, một số cơ quan điều tra chưa đảm bảo luật sư tham gia tố tụng theo đúng quy định... Phát hiện 60 vụ vỡ nợ “tín dụng đen” Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết theo thống kê sơ bộ chín tháng đầu năm đã phát hiện khoảng 60 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, có vụ tổng số tiền lên tới 500 tỉ đồng. Các vụ vỡ nợ tập trung vào mười tỉnh thành, điển hình là Hà Nội và TP.HCM. “Phần lớn các vụ vỡ nợ thường người đi vay đầu tư vào thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán. Người ta gọi đây là những thị trường vàng nhưng đến khi nó tụt giảm thì người đầu tư thất bại, mất khả năng trả nợ. Thiệt hại trong các vụ vỡ nợ này rất lớn, có vụ lên đến 500 tỉ đồng, liên quan đến hàng trăm người nhưng khả năng thu hồi rất thấp, không đáng kể” - ông Tuyến nói. Tuy tình hình vay, nợ trong khu vực dân cư diễn biến phức tạp như vậy, nhưng theo ông Tuyến, thường chỉ khi xảy ra vỡ nợ công an mới vào cuộc được. “Theo quy định của Bộ luật hình sự, lãi suất cho vay phải gấp 10 lần lãi suất ngân hàng thì mới xử lý hình sự. Còn dưới mức ấy là những quy định xử lý về hành chính mà những quy định này chưa đủ mạnh để xử lý nghiêm được. Nếu chúng tôi làm không cẩn thận lại bị cho là hình sự hóa các quan hệ dân sự” - ông Tuyến trình bày. Theo ông, chỉ khi các “ổ” tín dụng đen bị vỡ thì công an mới vận dụng được các quy định về tội chiếm đoạt tài sản, hoặc lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản để xử lý. Ngành công an đang tập hợp tài liệu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động vay mượn ngoài ngân hàng. “Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân nên chủ động phòng ngừa là chính, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm cần trình báo ngay với cơ quan công an” - ông Tuyến khuyến cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận