04/10/2011 06:30 GMT+7

Chủ động đối phó với khả năng có đợt lũ mới

Đ.V. - Q.V. - T.T. - T.P.
Đ.V. - Q.V. - T.T. - T.P.

TT - Ngày 3-10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến khảo sát tình hình ngập lũ và kiểm tra công tác phòng chống lũ tại An Giang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện An Giang đã xảy ra hàng chục vụ vỡ đê làm thiệt hại 4.000ha lúa thu đông và 60.000ha lúa đang bị nước lũ đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay các lực lượng tại chỗ, lực lượng quân đội vẫn tiếp tục gia cố các tuyến đê xung yếu. Có hai đoạn đê vỡ vừa được hàn lại và diện tích lúa bị ngập đang được bơm rút nước để hạn chế phần nào thiệt hại cho người dân.

E7Xz5eAa.jpgPhóng to
Nước ngập tràn vào nhà dân tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - Ảnh: Q.Vinh

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần chủ động và sự phối hợp với lực lượng quân đội, đặc biệt là với Quân khu 9 trong phòng chống lũ bảo vệ diện tích sản xuất của tỉnh. Ông cho rằng qua đợt lũ này, An Giang cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống lũ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng cần tính toán lại quy hoạch, đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi để đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phó thủ tướng nhận định bão số 6 sẽ ảnh hưởng gây mưa lớn ở miền Trung, ở Lào và có khả năng tiếp tục gây ra thêm đợt lũ mới ảnh hưởng đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh An Giang cần tập trung chủ động đối phó với khả năng xảy ra thêm đợt lũ này. Các địa phương phải tiếp tục bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, đồng thời huy động mọi nguồn lực sẵn sàng bảo vệ các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Trong khi đó sáng 3-10, một đoạn đê ở xã Thông Bình, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bất ngờ bị vỡ nhấn chìm 825ha lúa khoảng 35 ngày tuổi cùng hoa màu, vườn cây ăn trái của người dân. Theo ông Bùi Thanh Kỳ - chủ tịch UBND xã Thông Bình, trong khu vực đê bao bị vỡ có hơn 1.000 hộ sinh sống cần phải di dời, kê kích nhà cửa.

Đây là tuyến đê thứ ba trên địa bàn huyện Tân Hồng bị vỡ trong khoảng một tuần qua. Ông Mai Văn Xuyên, phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết tính đến thời điểm hiện nay chỉ riêng huyện Tân Hồng, tổng diện tích lúa bị thiệt hại trắng do vỡ đê lên đến 1.700ha. Ngoài ra hai tuyến đê bao bảo vệ thị trấn Sa Rài cũng đang có nguy cơ vỡ tiếp. Huyện đã huy động lực lượng và phương tiện cơ giới tham gia bảo vệ tuyến đê quan trọng này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tỉnh còn hơn 21.000ha lúa trong các tuyến đê bao. Đây là tài sản rất lớn của dân nên tỉnh đang huy động mọi nguồn lực có thể tham gia hộ đê, bảo vệ số diện tích lúa trên. Hiện khu vực Đồng Tháp Mười nước lũ vẫn tiếp tục lên từ 2-5cm/ngày.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tình hình thiệt hại do lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đến ngày hôm qua đã có 11 người chết (An Giang 4 người, Đồng Tháp 3 người, Long An 3 người, Cần Thơ 1 người), trong đó có 5 trẻ em. Số nhà bị ngập là 20.463 căn (An Giang 14.176 căn, Đồng Tháp 5.963 căn, Cần Thơ 324 căn). Lúa bị thiệt hại hoàn toàn là 4.993ha (An Giang 3.883ha, Đồng Tháp 1.060ha, Long An 50ha), bị ngập 166ha (An Giang 160ha, Cần Thơ 6ha). Ngoài ra các địa phương còn bị thiệt hại hoàn toàn 186ha hoa màu, 1.141ha thủy sản bị ngập (An Giang 577ha, Đồng Tháp 564ha).

Đưa gạo cứu trợ đồng bào Rục

Chiều 3-10, lực lượng bộ đội biên phòng đồn 585 và thanh niên xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã vận chuyển 2 tấn gạo vào cứu trợ cho hơn 700 đồng bào Rục ở các bản Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp. Dù nước lũ đã xuống thấp, rút khỏi nhà của người dân nhưng tuyến đường vào các bản đồng bào Rục vẫn bị ngập sâu hơn 2m, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Mất hơn ba giờ, lực lượng cứu trợ với hai canô đã vận chuyển được 2 tấn gạo vượt qua nước lũ Khe Ngầm chảy xiết. Thiếu tá Hoàng Đình Dung, phó đồn biên phòng 585, cho biết quãng đường vào các bản đồng bào Rục chỉ dài khoảng 5km nhưng phải ba lần di chuyển bằng canô qua các đoạn ngập sâu mới đưa được gạo về các bản. Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tăng cường một canô cho đồn biên phòng 585 dùng để vận chuyển hàng cứu trợ, đồng thời kịp thời hỗ trợ cứu hộ cứu nạn cho đồng bào Rục.

Trước đó vào sáng 3-10, người dân xã Tân Hóa trú ẩn trên núi đá đã trở về dọn dẹp nhà cửa khi nước lũ vừa rút xuống. Sau bốn ngày chạy lũ, lương thực dự trữ của một số hộ dân đã cạn, người dân đã chia sẻ lương thực cho nhau.

Bão số 6 hướng vào phía nam vịnh Bắc bộ

Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 3-10 bão số 6 tiếp tục yếu thêm một cấp so với ngày trước đó. Tối cùng ngày, bão số 6 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11-12.

81rjso9o.jpgPhóng to
Sơ đồ đường đi bão số 6 - Đồ họa: Vĩ Cường

Bão số 6 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Dự báo ngày 4-10, bão số 6 tiến đến vùng bờ biển phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Bình - Đà Nẵng khoảng 340km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tiếp tục giảm xuống còn cấp 9-10, giật cấp 11-12. Tiếp theo bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km, có khả năng đi vào phía nam vịnh Bắc bộ.

Tuy nhiên ông Hải nhận định do bão số 6 có “tuổi thọ” khá lâu, hiện mặt nước biển lạnh nên ít khả năng cung cấp năng lượng làm cho bão mạnh thêm. Vì vậy theo ông Hải, bão số 6 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc tan trước khi vào bờ. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 6, ở vịnh Bắc bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết đến ngày 3-10, bộ đội biên phòng và các địa phương, chủ tàu đã kiểm đếm, thông báo, kêu gọi được 33.325 tàu thuyền/153.788 lao động và 869 bè/2.327 lao động biết vị trí, diễn biến của bão số 6 để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện không có tàu thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và bắc biển Đông.

Đ.V. - Q.V. - T.T. - T.P.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên