30/09/2011 07:56 GMT+7

Lấy đất lúa làm công nghiệp, quy hoạch sẽ vỡ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 29-9, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm (2011-2015) với quyết tâm đến năm 2020 giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa (hiện nay là 4,1 triệu ha). Tuy vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo nếu cứ tiếp tục lấy đất lúa làm công nghiệp, quy hoạch này sẽ bị phá sản.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: lấy 300.000ha từ đất lúa để làm gì? Nếu trong số này mà dành 100.000ha cho công nghiệp thì quy hoạch phá sản. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết chỉ dùng 45.000ha trong số đó làm công nghiệp. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp lời: “Tôi thấy đất công nghiệp vẫn cứ ven thành phố, đồng bằng. Sao không đưa công nghiệp lên vùng miền núi, vùng đồi thưa dân cư? Anh phải trả lời rõ rằng quy hoạch công nghiệp ra xa thành phố, xa đồng bằng thì mới yên tâm về 3,8 triệu ha đất lúa được”.

Theo phân tích của ông Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay các khu công nghiệp được quy hoạch ngay tại các thành phố, khu vực đồng bằng đông dân cư nên tạo sức ép rất lớn đối với hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, dịch vụ, giao thông... Bây giờ nếu cứ tiếp tục quy hoạch công nghiệp ở gần các khu vực này sẽ kéo theo nhu cầu rất lớn về quỹ đất dành cho hạ tầng xã hội khác.

“Như vậy không chỉ làm vỡ quy hoạch đất lúa mà còn làm vỡ các quy hoạch khác như nhà ở, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông... Mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhưng giữ được là rất khó. Trong khi tương lai chúng ta phải đối phó với biến đổi khí hậu, 70% đất lúa ảnh hưởng thì còn gì là an ninh lương thực nữa” - ông Hùng nói.

Báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hiển cho thấy trong mười năm qua đã có gần 350.000ha đất lúa khu vực đồng bằng thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác. Theo tính toán, đến năm 2020 dân số nước ta 100 triệu người (45% sống ở đô thị), đến năm 2030 có khoảng 110-115 triệu người (55% sống ở đô thị) sẽ phải khai thác 95% diện tích đất tự nhiên cho các mục đích. Việc chuyển đất trồng lúa cho các mục đích phi nông nghiệp sẽ không tránh khỏi.

“Muốn giữ đất lúa thì phải khoanh đất lúa vào, kiên quyết không cho chuyển mục đích sử dụng. Để đáp ứng các nhu cầu phát triển, phải khai thác các quỹ đất khác, đặc biệt là đất chưa sử dụng” - ông Hiển bày tỏ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, vấn đề thời gian qua là việc thực hiện pháp luật không nghiêm, lấy đất tùy tiện. “Phải quyết tâm, chứ cứ để nhà đầu tư vào xin là cho, rồi lại xin sửa quy hoạch. Chúng ta cần khẳng định quy hoạch đất đai phải do Quốc hội quyết định, không thể để cho địa phương quyết từng mẩu từng mẩu được” - ông Lý nói.

Đang trả giá cho ô nhiễm môi trường

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Báo cáo cho thấy hoạt động của các khu kinh tế có nước thải hiện chỉ được xử lý sơ bộ và thải vào hệ thống thu gom chung hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Rất ít khu kinh tế có khu xử lý nước thải tập trung. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỉ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, phát triển khu công nghiệp theo kiểu trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm nên vấn đề thiếu quy hoạch, thiếu quản lý, ô nhiễm môi trường là tất yếu xảy ra. Nhiều khu công nghiệp, làng nghề ô nhiễm hết sức nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì thu ngân sách không đủ để khắc phục hậu quả.

Để khắc phục, theo ông Hiển, “phải định hướng lại sự phát triển với mục tiêu tối thượng là phát triển bền vững. Chúng ta đang trả giá cho môi trường và nếu không có biện pháp kịp thời thì phải trả giá đắt. Trước hết phải xem lại hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, chứ chỉ mỗi vụ Vedan mà lúng túng trong xử lý, bộ trưởng phải ra tay, rồi phải chờ thu thập đơn kiện của dân. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, chế tài xử lý đối với vi phạm”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên