* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng Luật biểu tình
Đọc báo cáo, tân trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết: Qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của pháp lệnh giá (điều 6 pháp lệnh giá quy định rõ các biện pháp bình ổn giá nhưng không quy định lập quỹ bình ổn giá). Cuối năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã có văn bản kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét vấn đề này để kịp thời có giải trình hoặc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Theo ông Hiền, qua công tác tổng hợp kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII cho thấy cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc cho rằng việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch. Ban Dân nguyện tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan hữu quan kiểm tra, có kết luận và sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan.
Qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể đối với khoản đóng góp kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trên thực tế, ở nhiều địa phương mức thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp, mua sắm máy móc, thiết bị học tập, bồi dưỡng thầy cô giáo... “Nhìn chung việc thu chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh. Giữa quy định người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác ngoài học phí, lệ phí như Luật giáo dục với thực tế hiện nay đang còn nhiều độ chênh” - ông Hiền nói.
Để chấm dứt tình trạng trên, GS.TS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội - hiến kế: “Luật giáo dục quy định không thu gì khác ngoài học phí và lệ phí, nhưng Bộ Giáo dục - đào tạo có hướng dẫn việc huy động kinh phí để xây dựng, mua sắm các trang thiết bị cho trường, lớp học. Các khoản này được thu với danh nghĩa là tự nguyện, nhưng thực tế đâu phải tự nguyện, có khi đơn do nhà trường viết sẵn rồi đưa cho phụ huynh ký. Cần phải có cơ chế giám sát việc này, để tự nguyện phải thật sự là tự nguyện.
Muốn vậy, ban đại diện phụ huynh phải hoạt động độc lập, không phụ thuộc và bị giật dây bởi ban giám hiệu nhà trường và thầy cô giáo. Hiện nay có tình trạng ban đại diện phụ huynh được bầu ra nhưng thực tế là do nhà trường hoặc thầy cô chủ nhiệm chỉ định, khi họp hành hoặc thu chi vấn đề gì đó thì cũng làm theo gợi ý của trường. Tôi nghĩ rằng cần cơ chế bầu ban đại diện phụ huynh độc lập, các khoản thu phải được phụ huynh bàn bạc công khai, minh bạch và bỏ phiếu kín, tránh tình trạng nể nang rồi gật đầu cho qua. Như vậy mới ngăn chặn được tiêu cực”.
* Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 28-9, Ủy ban Pháp luật đã kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII (2011-2016) 126 dự án, trong đó có 116 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh và nghị quyết.
Đáng chú ý, dự án Luật biểu tình được các đại biểu Quốc hội đề xuất tại kỳ họp thứ nhất đã được chính thức đưa vào chương trình xây dựng luật trên đây. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết chính cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp đề xuất xây dựng Luật biểu tình. “Việc ban hành luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của hiến pháp, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền biểu tình của mình, đồng thời Nhà nước cũng có cơ chế kiểm soát hoạt động biểu tình trên thực tế” - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật bảo vệ quyền riêng tư. Trong tờ trình, bà Yến viết: “Hiện nay có tình trạng thông tin, hình ảnh cá nhân bị khai thác, sử dụng tràn lan nhưng không được sự cho phép của chủ nhân, dẫn đến những thiệt hại về vật chất, tinh thần của công dân nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ. Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế về quyền con người, việc xây dựng một đạo luật về bảo vệ quyền riêng tư là đòi hỏi cấp bách và thiết thực để thực thi đầy đủ, trọn vẹn cam kết”. Tuy nhiên, đề xuất này cùng với đề xuất xây dựng Luật về hội, Luật trưng cầu ý dân, Luật nhà văn chưa được đưa vào chương trình. Lý do là các dự án luật này đến nay chưa có hồ sơ đầy đủ, chưa trình Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận