Phóng to |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn với gia quyến nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - Ảnh: T.T.D. |
Những người đồng chí, anh em cùng thời đến viếng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công cứ gọi ông là anh Xuân, anh Võ Toàn. Và hơi ấm, bầu nhiệt huyết của ông đã để lại trong họ vẫn còn lan tỏa qua từng ký ức.
Dậy từ 4g sáng để đến viếng Đó là cụ Huỳnh Ngọc Mỹ, năm nay đã 80 tuổi, nhà tận xã An Phước (Châu Thành, Bến Tre). Khăn đóng áo dài, cụ Mỹ đã dậy thật sớm đi xe ôm ra lộ, rồi bắt xe đò để kịp giờ viếng nguyên chủ tịch Võ Chí Công. Cụ Mỹ nói: “Tui đọc báo Tuổi Trẻ, coi thời sự, biết giờ viếng nên xếp hành lý từ đêm để sáng dậy đi cho kịp”. Chưa một lần gặp ông Võ Chí Công nhưng cũng như bao nông dân sống trong thời bao cấp, cụ Mỹ vẫn nhớ “ông chủ tịch” chính là người đã góp phần cởi trói cho đồng ruộng quê ông. Viếng xong, cụ Mỹ lại tất tả đón xe ôm ra bến xe về lại Bến Tre và bảo: “Đám tang cụ Giàu, cụ Kiệt tui cũng đi như vầy, về kể lại cho con cháu nghe”. |
Ký ức sâu đậm nhất về nguyên chủ tịch Võ Chí Công là cái năm ông Tuấn 10 tuổi khi trước nhà cha ông, giặc Pháp treo một tấm bảng ghi thật to hàng chữ về lệnh truy nã đặc biệt “anh Võ Toàn”, treo thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương cho ai bắt được. “Dân Khương Mỹ ngỡ ngàng, không biết anh Võ Toàn tham gia cách mạng từ khi mô. Mà 5.000 đồng bạc khi nớ to lắm, có thể nuôi cơm cả làng trong mấy tháng. Từ nớ tui mới biết, cả làng biết anh Võ Toàn là cán bộ to của cách mạng” - ông Tuấn bồi hồi về ký ức hơn 70 năm.
Lệnh truy nã ấy không bắt được Võ Toàn nhưng đã thôi thúc ông Tuấn và nhiều thanh niên Khương Mỹ vào con đường cách mạng. Đó cũng là con đường đã giúp ông gặp lại Võ Toàn trong ngày khởi nghĩa cướp chính quyền ở quê nhà Tam Kỳ, trong những năm tháng học ở trường Bình dân quân sự Quân khu 5 mà Võ Toàn (lúc đó đã có cái tên Võ Chí Công) làm chính ủy. Và rất nhiều lần còn hội ngộ ở Bắc, gặp lại, “anh Võ Toàn” lại dúi cho bao thuốc, hộp kẹo, thân tình như hồi ở Khương Mỹ ngày xưa.
Bà Trần Thị Phát, người giao liên cho anh Xuân (bà Phát thích gọi ông Võ Chí Công bằng cái tên trìu mến) trên cương vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và ủy viên Xứ ủy Trung kỳ những năm 1940-1941, nay đã 90 tuổi, kể chính anh Xuân đã đưa bà từ một cô nữ sinh yếu đuối trở nên can đảm, dấn thân vào đường cách mạng. Những bức mật thư đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam, của Xứ ủy Trung kỳ được anh Xuân giao và chuyển thành công đã giúp bà can đảm tự mình thành lập một tổ học sinh đấu tranh ở Trường Đồng Khánh (Huế) vào năm sau đó. Rồi lại cũng tự mình thiết lập cả một đường dây gửi tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp vào nhà tù Ban Mê Thuột cho anh Xuân và những người đồng chí khác đọc...
Phóng to |
Bà Trần Thị Phát, nguyên là giao liên của ông Võ Chí Công, chia buồn cùng gia đình - Ảnh: Minh Đức |
Đến viếng ông, bà Phát dẫn theo cả gia đình có hơn 20 con cháu. Bà Phát nói có kêu đông vậy đâu, tự con cháu đòi đi, không thiếu đứa nào. Bà có sáu người con thì hết bốn người đi bộ đội vào chiến trường Khu 5 và Nam bộ, lại cũng được anh Xuân dìu dắt. “Tui theo anh Xuân tới hai lần, lần đầu là hồi làm giao liên, còn lần sau là năm 1967, anh hỏi: “Mi có muốn về Nam không?”, rứa là chuyển công tác, dắt díu con cái về lại Khu 5. Lâu lâu anh lại kêu chị Nê (bà Phan Thị Nê, vợ ông Võ Chí Công - PV) dúi cho ít gạo mắm, có món chi ngon anh lại gọi lên chia cho bọn nhỏ” - bà Phát rớm lệ bồi hồi.
Cũng như bà Trần Thị Phát, ông Võ Duy Để (86 tuổi) chính là một trong những thanh niên Quảng Nam được ông Võ Chí Công giác ngộ và dẫn dắt làm cách mạng. Trong vai một người mua lạc (đậu phộng), ông Võ Chí Công đã ghé cơ sở ép dầu lạc của gia đình ông nhiều lần. Thi thoảng lại hỏi han chuyện học hành, xem sách vở, báo chí mà ông Để đọc, rồi lại bàn chuyện thời sự. Để rồi bất ngờ một ngày công khai danh tính với ông Để và gia đình khi trực tiếp thành lập chi bộ Quảng Đông ở Thăng Bình quê ông.
Sau ngày khởi nghĩa cướp chính quyền, ông Để không còn được công tác chung nhưng mỗi lần gặp lại, mỗi lần nói chuyện ông Để đều nhận ra từ anh Xuân ngày nào những bài học để làm cách mạng. Từng giữ cương vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, được Xứ ủy Trung kỳ phân công phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, sau năm 1945 thấy ông Võ Chí Công được điều về làm chính trị viên trung đoàn 93, một vai trò nhỏ hơn rất nhiều so với cương vị cũ. Nhiều anh em tỏ vẻ thắc mắc thay nhưng ông cười thoải mái bảo Đảng giao việc gì thì mình cứ trung kiên mà làm.
Một đời tận hiến, những người dân từng một lần gặp hay chỉ thấy ông qua sách báo, tivi đều chung nhận xét về phong thái của ông: thanh thoát, trầm tĩnh... Có lẽ vì những bầu nhiệt huyết, nỗi trăn trở về vận mệnh đất nước - những phần mạnh mẽ, sôi nổi nhất ông đã trao gửi hết cho Tổ quốc, cho đồng chí và anh em của mình.
Những dòng tiếc thương... Ngày 10-9, lễ viếng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội. Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ: “Vô cùng thương tiếc bác Võ Chí Công, người con ưu tú của đất Quảng và là người anh cả vô cùng kính yêu của tất cả chúng ta”. Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn ghi: “Tôi đến viếng hương hồn cụ, nhà lãnh đạo có công lao to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước... Người có công đầu góp phần đổi mới quản lý nông nghiệp, trực tiếp xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều quyết định chính trị, tạo nên bước nhảy vọt về sản xuất trong cuối thập niên 1980, góp phần đưa nước ta từ một nước nghèo đói triền miên thành một nước xuất khẩu gạo”. Phần ghi sổ tang của nguyên phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được có hai câu thơ: “Dũng mãnh kiên cường con nhà Võ/Khảng khái bao dung nét Quảng - Đà”. |
Tổ chức trọng thể lễ viếng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công Tại dinh Thống Nhất (TP.HCM), vĩnh biệt nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và có lời chia buồn sâu sắc nhất đến toàn thể gia đình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động ghi sổ tang: “Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí. Nguyện mãi học tập và noi theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí”. Đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công lần lượt có các đoàn: Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu, Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, Ủy ban Trung ương MTTQ VN do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đi công cán nước ngoài đã gửi vòng hoa đến viếng. Với lòng tiếc thương vô hạn người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, được nhân dân quý trọng, yêu mến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong sổ tang: “Chúng tôi nguyện sẽ vững vàng kế tục sự nghiệp mà đồng chí đã suốt đời cống hiến, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Hôm nay 11-9, lễ viếng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tiếp tục tổ chức trọng thể và kết thúc lúc 18g cùng ngày tại ba nơi TP.HCM, TP Hà Nội và tỉnh Quảng Nam. Lễ truy điệu trọng thể và an táng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công sẽ được cử hành sáng 12-9 tại TP.HCM. Cùng thời gian này sẽ diễn ra lễ truy điệu tại Hà Nội và tỉnh Quảng Nam. |
__________
Tin bài liên quan:
Võ Chí Công, một đời nghe dânNguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công từ trầnNgười bảo vệ “khoán chui”Lễ viếng nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận