Phóng to |
Nghi can Lê Văn Luyện khi bị bắt tại đồn biên phòng Na Hình (Văn Lãng, Lạng Sơn) - Ảnh: M.Q |
Trả lời về khả năng Lê Văn Luyện có đồng phạm hay không, từ lời khai của bị can và các chứng cứ khoa học thu thập tại hiện trường, đến thời điểm hiện tại CQĐT vẫn nhận định bị can Luyện gây án một mình.
Theo thượng tá Lê Văn Dũng, ngay sau khi thu được mẫu máu tại hiện trường CQĐT cùng Viện Khoa học hình sự đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để giám định gen. Kết quả giám định ADN cho thấy tại hiện trường ngoài mẫu máu của nạn nhân chỉ có một mẫu máu lạ và mẫu máu này chính xác của Lê Văn Luyện.
Trả lời thắc mắc của phóng viên về mâu thuẫn trong lời khai của Luyện với lời khai của cháu Trịnh Ngọc Bích (9 tuổi, học lớp 3), nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ thảm án, đại tá Phạm Văn Minh, giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Cháu Bích nói cũng có thể đó là bóng của tên trộm hoặc là bố cháu".
Tại buổi trao đổi thông tin, thượng tá Lê Văn Dũng cho biết số lượng vàng bị đánh cắp và số lượng vàng thu được tương đối trùng khớp. Hiện tại CQĐT đã thu giữ 4 chiếc vòng cổ, 13 vòng đeo tay, 199 nhẫn vàng, 59 dây chuyền, 5 mặt đá dây chuyền được chôn giấu phía sau nhà Lê Văn Luyện và 6 dây chuyền, bốn nhẫn có mặt vuông, bốn nhẫn tròn, 2 lắc tay tại nhà cô ruột Lê Văn Luyện.
Liên quan đến vụ án, hiện bốn trường hợp gồm Lê Văn Miên (SN 1969), Trương Thị Thơm (SN 1973), bố mẹ đẻ của Luyện, Trương Thanh Hồng (SN 1992, anh họ của Luyện) đã bị tạm giữ để điều tra về tội “che giấu tội phạm” và Trương Văn Hợp (SN 1964, bố đẻ của Hồng) về tội “không tố giác tội phạm”. Theo VKSND tỉnh Bắc Giang, ngày 6-9 VKS sẽ họp với cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự những trường hợp này.
“Bộ Công an chỉ đạo đây là vụ án điểm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi kết thúc điều tra, trong tháng 10 vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai”, ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận