13/08/2011 08:01 GMT+7

Buồn đau trên đảo Phú Quý

ĐÌNH DÂN
ĐÌNH DÂN

TT - Những ngày đầu tháng 8 này, không khí u ám bao trùm cả hòn đảo Phú Quý (Bình Thuận). Cha mẹ, vợ con của 122 ngư dân bị bắt ở Philippines từ ngày 30-5 đến nay đang đỏ mắt ngóng trông tin người thân.

3u5jNdwV.jpgPhóng to

Vợ con của thuyền viên Trần Minh Cường ra biển ngóng tin chồng và cha từng ngày - Ảnh: Đình Dân

Chuyến đi kém may mắn của 122 ngư dân Phú Quý manh nha từ cuối năm 2010. Qua lời đồn thổi của các bạn tàu, bảy chủ tàu ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận biết ông Phan Văn Thoại, giám đốc Công ty Long Hải Long, có thể đưa tàu và ngư dân đi qua ngư trường “Phi” (Philippines) đánh bắt cá.

Dốc tiền đóng tàu đi “Phi”

Thế là hàng chục gia đình ở xã Long Hải bán tàu bè, dốc hết tài sản và vay mượn khắp nơi góp tiền đóng tàu lớn để đi “Phi”. Bảy chiếc tàu mỗi chiếc có giá trên dưới 3 tỉ đồng đã được các gia đình hùn tiền đóng (6-12 gia đình hùn tiền đóng một chiếc).

Sau khi mọi thỏa thuận với Công ty Long Hải Long được bảy chủ tàu thực hiện, tháng 1-2011 ông Thoại đã ký kết với đối tác là Công ty Premiere International Interfishing (tại tỉnh Palawan, Philippines) để đưa tàu qua Philippines hoạt động khai thác nghề cá.

Ngày 16-5, ngư dân cầm các giấy tờ mà ông Thoại nói là hợp đồng và giấy thông hành có con dấu và chữ ký của Công ty Long Hải Long dong thuyền đi. Ngày 30-5, họ vào đến vùng biển của Philippines thì bị bắt giam cho đến nay.

Ông Huỳnh Văn Hưng (chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý):

Kiến nghị ngân hàng hỗ trợ gia đình các ngư dân

Theo ông Huỳnh Văn Hưng, UBND huyện đã có văn bản thông qua UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam hỗ trợ bà con ngư dân bị bắt. Ngoài ra, huyện sẽ vận động gia đình, người thân của các ngư dân gặp nạn cố gắng không để con em phải bỏ học. Huyện cũng kiến nghị ngân hàng có biện pháp hỗ trợ bà con vì bình quân mỗi gia đình ngư dân gặp nạn đều vay trên dưới 200 triệu đồng.

Lão ngư Đặng Văn Sáng rơi nước mắt nói: “Trong số 122 ngư dân bị bắt có đến 119 người ở xã Long Hải của tôi. Ai cũng ra đi với hi vọng thay đổi cuộc sống nhưng cuối cùng lại lâm cảnh tù tội... Khổ nhất là nhiều vợ con của ngư dân ở nhà phải chạy ăn từng bữa. Đứa con trai thứ ba của tôi cũng đang nằm trong nhà tù Philippines mà chưa biết số phận ra sao”.

Mong ngóng người thân

Chiều chiều ở ngoài bãi biển xã Long Hải, những người vợ, người mẹ của các ngư dân gặp nạn vẫn đau đáu hướng mắt ra biển khơi. Dường như ba tháng qua họ đã khóc cạn cả nước mắt. “Dù gì cũng phải gạt nước mắt mà sống tiếp, cầm cự từng ngày để chờ chồng, chờ con, chờ tàu trở về để còn làm ăn trả nợ” - bà Châu Thị Xấm (56 tuổi) có chồng và con đang bị giam ở Philippines nói.

Tại thôn Tân Hải, xã Long Hải, bà Tạ Thị Lất (73 tuổi) cho biết người cháu Phạm Thanh Sang (25 tuổi) của bà cũng bị bắt giam. Anh Sang cầm cố căn nhà của cha mẹ để vay ngân hàng 240 triệu đồng góp tiền mua tàu và làm giấy tờ đi “Phi”. Thời gian qua, vợ anh là chị Phạm Thị Hiền phải đi vay “nóng” để đóng lãi ngân hàng.

Trong căn nhà nhỏ nằm chênh vênh bên mép biển, chị Nguyễn Thị Kim Huệ và bốn đứa con nheo nhóc đang phải chạy vạy từng bữa sống qua ngày. Để chồng có thể qua Philippines đánh cá, chị đã nhờ bố mẹ cầm cố căn nhà vay ngân hàng 300 triệu đồng.

Chị Huệ kể: “Sau khi anh bị bắt giam, mẹ con tui có điện sang nói chuyện được hai lần. Lần nào anh cũng lo lắng mẹ con tui ở nhà đói khổ”. Hàng xóm của chị Huệ cho biết từ lúc chồng và cả đứa em ruột của chị bị bắt, cả bốn mẹ con phải mua nợ gạo ăn. Khổ nhất là ba đứa con sắp bước vào năm học mới nhưng chị không còn tiền đóng học phí cho con nên đã nghĩ đến chuyện cho chúng nghỉ học...

Tại xã đảo Long Hải, trong số gia đình của 122 ngư dân bị bắt, có rất nhiều trẻ em đang ở độ tuổi đi học. Gia đình đổ nợ, cha bị bắt giữ nên khả năng cho các em tiếp tục đến trường là rất khó khăn.

Tháng 8 là tháng mà bà con Phú Quý làm ăn mạnh để tích cóp cho một mùa đông sắp đến. Vậy mà chồng con bị bắt, nợ nần réo gọi khiến nhiều bà mẹ trên hòn đảo này không biết sẽ sống ra sao khi mùa mưa bão đang đến.

Ngư dân chỉ là nạn nhân

Nhận bào chữa bảo vệ quyền lợi cho 122 ngư dân, luật sư Hà Hải - trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) - cho biết: “Nếu không có gì thay đổi, ngày 24-8-2011, Tòa án tỉnh Palawan, Philippines sẽ đưa 122 ngư dân Việt Nam ra xét xử về các tội: đánh bắt cá bất hợp pháp, xâm nhập bất hợp pháp, thu gom tàng trữ hải sản cấm. Riêng tội danh đánh bắt cá bất hợp pháp, những ngư dân này có thể bị xử phạt từ 6 năm đến 12 năm tù, mỗi chủ tàu còn bị phạt 100.000 USD, bị tịch thu toàn bộ tàu thuyền... Tính cả tổng số tiền mà ngư dân đã nộp cho Công ty Premiere International Interfishing để lo thủ tục và tiền thế chân là 120.000 USD, cả tiền phạt và trị giá bảy con tàu thì các ngư dân và chủ tàu phải trả cho nhà chức trách Philippines gần 2 triệu USD”.

Cũng theo luật sư Hải, việc truy tố và xét xử 122 ngư dân Việt Nam của nhà chức trách Philippines là không đúng người vì những ngư dân này có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ là nạn nhân hơn là người có tội.

”Trong phiên tòa sắp tới, chúng tôi sẽ chứng minh điều đó. Chúng tôi cũng có chứng cứ chứng minh người phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong vụ án này là phía các công ty”- luật sư Hải nói.

ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên