08/08/2011 10:50 GMT+7

Cải cách hành chính để phục vụ dân tốt hơn

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT - Đó là phát biểu của ông Vũ Đức Đam - thành viên trẻ nhất trong Chính phủ mới - về những khó khăn và thách thức trong cương vị mới. Đánh giá về vai trò của Văn phòng Chính phủ trong thời gian tới, ông Đam nói:

1779NRD4.jpgPhóng to
Ông Vũ Đức Đam - Ảnh: V.Dũng
TT - Đó là phát biểu của ông Vũ Đức Đam - thành viên trẻ nhất trong Chính phủ mới - về những khó khăn và thách thức trong cương vị mới. Đánh giá về vai trò của Văn phòng Chính phủ trong thời gian tới, ông Đam nói:

- Ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu và cũng là một thách thức lớn khi vẫn phải phấn đấu duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý. Nền kinh tế thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm.

Các giải pháp vừa phải đồng bộ, có tính khoa học, vừa phải rất nhạy bén, quyết liệt chứ không thể dựa theo bất kỳ lý thuyết đơn thuần nào. Vì thế, VPCP sẽ cùng với các bộ, ngành nắm sát tình hình thực tiễn, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến đóng góp để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các giải pháp vừa phải đồng bộ, có tính khoa học, vừa phải rất nhạy bén, quyết liệt chứ không thể dựa theo bất kỳ lý thuyết đơn thuần nào. Vì thế, Văn phòng Chính phủ (VPCP) sẽ cùng với các bộ, ngành nắm sát tình hình thực tiễn, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến đóng góp để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển từ quản lý sang phục vụ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP VŨ ĐỨC ĐAM (48 tuổi, học vị: tiến sĩ). 30 tuổi làm phó vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện; 32 tuổi là vụ trưởng Vụ ASEAN, VPCP; 33 tuổi làm vụ trưởng, thư ký thủ tướng Võ Văn Kiệt rồi trợ lý nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt; phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông; chủ tịch, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

* Nhưng có ý kiến cho rằng không ít đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia chưa được coi trọng?

- VPCP là cơ quan tham mưu tổng hợp nên việc lắng nghe ý kiến là yêu cầu gần như đương nhiên. Nhưng lắng nghe rồi phải tổng hợp, mổ xẻ, nhìn nhận từ nhiều giác độ rồi có chính kiến, có kiến nghị.

Những ý kiến từ các cơ quan chức năng, tổ chức hay từ các chuyên gia cũng nhiều chiều, rất hiếm khi hoàn toàn trùng nhau, vì thế khó tránh khỏi trường hợp có người góp ý chưa thỏa mãn nhưng chắc chắn những ý kiến đóng góp đều được coi trọng.

Thông tin về xây dựng, hình thành chính sách cũng phải được cung cấp ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn để phát huy trí tuệ, trách nhiệm của toàn xã hội và báo chí có vai trò, có đóng góp rất quan trọng.

* Có thời điểm chúng ta nói nhiều đến xây dựng “chính phủ điện tử”, nhưng có vẻ gần đây khái niệm này ít được đề cập?

- Hiện nay và tới đây, dù nói nhiều hay không chúng ta cũng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ này một cách liên tục và với quyết tâm cao. Cũng không nên hiểu “chính phủ điện tử” theo một nghĩa nào đó quá cao siêu, xa vời. Hãy hiểu nôm na là chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Với công nghệ hiện đại thì tương tác hai chiều giữa người dân và Nhà nước thuận tiện hơn. Nói cách khác, Nhà nước có điều kiện học dân hơn. Một trong những yêu cầu hàng đầu của “chính phủ điện tử” là thông tin phải được hệ thống hóa, công khai hóa, minh bạch hóa và phải giữ mối tương tác hai chiều giữa Chính phủ với đối tượng phục vụ.

* Ông nói tới đối tượng phục vụ của Chính phủ. VPCP sẽ làm thế nào để giúp Chính phủ trở thành Chính phủ phục vụ nhân dân?

- Nhà nước chúng ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hoạt động của Chính phủ cũng đang chuyển từ quản lý sang phục vụ. Nói như vậy không có nghĩa là không quản lý mà quản lý để phục vụ. Để Chính phủ phục vụ dân tốt hơn thì trước hết cần thực hiện tốt cải cách hành chính.

* Trong bài viết mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đề cập việc phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển, đồng thời cho rằng phải cải cách nền hành chính quốc gia trên tất cả các nội dung: thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính và tài chính công. Nhưng vừa qua chúng ta mới chỉ tập trung vào cải cách thủ tục hành chính?

- Cải cách hành chính bao hàm tất cả bốn nội dung đó và cần được thực hiện đồng bộ. Vừa qua, cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đem lại những kết quả khá rõ rệt để tạo đà cho bước tiếp theo. Tuy nhiên không có nghĩa là ba nội dung kia không được triển khai.

Thời gian tới đây, cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách hành chính nói chung cần được chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, đồng thời phát huy sáng tạo, thực hiện đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Khi đã xác định là trọng tâm, trọng điểm thì cần tập trung làm cho được mục tiêu, đảm bảo lộ trình, không né tránh hay “tạm gác” lại những vấn đề vẫn được coi là “nhạy cảm” liên quan tới con người hay lý luận.

Công khai hóa, minh bạch hóa để hạn chế lợi ích nhóm

* VPCP là cơ quan phát ngôn của Chính phủ. Những vấn đề người dân thắc mắc, bức xúc cần Chính phủ giải đáp thì thời gian tới có được đáp ứng đầy đủ, kịp thời không?

- Một trong những nhiệm vụ của VPCP là phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Đó cũng chính là một giải pháp, một khâu quan trọng của cải cách hành chính nên đương nhiên VPCP sẽ phải nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi cũng rất mong được báo chí hợp tác tích cực và rất hoan nghênh các ý kiến góp ý để có thể thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn.

* VPCP là cơ quan gác cửa cho Chính phủ trước khi ban hành một chính sách. Có không ít chính sách khi trình lên Chính phủ được cài cắm lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của đa số người dân. VPCP sẽ gác cửa thế nào trong thời gian tới?

- Các nhóm tìm cách ảnh hưởng vào quá trình xây dựng chính sách là điều không khó hiểu. Vấn đề là các cơ quan xây dựng chính sách phải biết điều đó và đặt lợi ích chung lên trên hết.

Theo tôi, cơ quan thẩm định cần không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Đồng thời cần đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các vấn đề, ý kiến trong suốt quá trình hình thành chính sách để toàn xã hội biết và góp ý, qua đó phát hiện những vấn đề ảnh hưởng không tốt tới lợi ích cộng đồng để có ý kiến tham mưu, thẩm định.

* Ông có thấy có sự chi phối của các nhóm lợi ích trong một số cơ quan xây dựng chính sách? Người ta sợ rằng ngay cả chuyên viên VPCP cũng có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích?

- Thực tiễn công tác ở cả trung ương và địa phương tôi đều thấy có việc các nhóm tìm cách chi phối, nhưng họ có chi phối được hay không thì phụ thuộc nhiều vào việc công khai hóa, minh bạch hóa và việc quản lý cán bộ ở từng cơ quan.

Bất kỳ ai trong bộ máy nếu bị chi phối bởi các nhóm lợi ích gây ảnh hưởng tới lợi ích chung đều phải chịu hình thức xử lý thích đáng, thậm chí phải loại ra khỏi bộ máy.

* Ông mong muốn để lại dấu ấn gì trên cương vị người đứng đầu cơ quan giúp việc cho Chính phủ, cho Thủ tướng?

- Quả thật tôi không nghĩ tới hay ít nhất là chưa nghĩ tới dấu ấn. Tôi chỉ có một mong muốn là VPCP kế thừa truyền thống và kết quả nhiệm kỳ vừa qua để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên