07/08/2011 07:32 GMT+7

Cần tổng kết, rút kinh nghiệm về lạm phát

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Hôm qua (6-8) là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng như tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, vấn đề biển Đông, bỏ phiếu thông qua nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.

Vào cuối giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc họp báo được tổ chức ngay sau phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.

Sáng 6-8, tại buổi thảo luận thứ hai về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội (QH), không khí đã nóng lên với tình hình biển Đông được đưa ra và những yêu cầu với Chính phủ mới...

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) không nhất trí khi báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân lạm phát là tăng lương, vì tăng lương thời gian qua luôn đi sau tăng giá, không đủ bù tăng giá. Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ nói lạm phát cao do tác động của gói kích cầu, theo ông Mạo, cần nêu rõ lỗi do chủ trương hay do điều hành, do gói kích thích quá lớn hay kích thích không đúng chỗ.

Chính phủ nên khảo sát lòng tin của người dân

Ông Đồng Hữu Mạo tổng kết chỉ trong 3-4 năm qua, VN có hai lần lạm phát cao và một lần suy giảm kinh tế. Năm 2008 khi Chính phủ đưa ra gói kích cầu, nhiều đại biểu đã lo ngại lạm phát. Chính phủ trấn an sẽ điều hành linh hoạt để ngăn ngừa lạm phát cao. “Hồi đó chúng tôi đã yên tâm, nhưng kết quả lạm phát lại cao”. Không phàn nàn về sai sót nhưng ông Mạo đề nghị: phải tổng kết, đánh giá kỹ vì “nếu không rút kinh nghiệm thì sẽ khó phát triển bền vững thời gian tới”, Chính phủ nên có báo cáo chuyên đề về vấn đề này.

Làm nóng hội trường, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phân tích khía cạnh tích cực “một hiện tượng hi hữu” trong lịch sử QH: một phó thủ tướng đầu kỳ họp đã trở thành chủ tịch QH. Ông hi vọng Chủ tịch QH vốn hiểu rất rõ Chính phủ sẽ giám sát Chính phủ chặt chẽ hơn. Từ đó, ông Quốc nhận định bên cạnh những đánh giá kinh tế, QH nên quan tâm nhiều hơn đến những đánh giá về vấn đề xã hội. Bên cạnh những chỉ số như GDP, CPI... cần đánh giá chỉ tiêu lòng tin của dân đối với Chính phủ. “Thế giới họ làm nhiều rồi, một nhà nước của dân, vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân” - ông Quốc nói.

Lấy ví dụ vấn đề biển Đông để làm rõ việc Chính phủ chưa quan tâm đúng mức lòng tin của dân, ông Dương Trung Quốc băn khoăn chỉ khi dư luận và đại biểu QH yêu cầu thì mới có báo cáo biển Đông và chỉ dành không đầy một giờ cho báo cáo, không thảo luận. Theo ông Quốc, trừ một vài nội dung chi tiết, những nội dung báo cáo trình bày cho toàn dân chúng “chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm”. Theo ông Quốc: “Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng với nội giao. Đừng tạo ra những khoảng cách giữa Chính phủ và nhân dân”.

Nhắc lại sự kiện Bác Hồ giải thích với nhân dân việc ký hiệp định sơ bộ 19-3-1946 với Pháp, dân đã tin khi Bác nói “Hồ Chí Minh không bán nước”, ông Quốc đề nghị QH kỳ này nếu không có nghị quyết riêng thì trong nghị quyết chung cần nói rõ được quan điểm và sự ủng hộ đối với Chính phủ về vấn đề biển Đông.

Nhìn từ biển Đông vào đất liền, từ thực tế quả vải thương nhân Trung Quốc mua tràn ngập, ông Dương Trung Quốc lo ngại lệ thuộc về kinh tế của VN khi nhìn vào nhiều công trình thắng thầu, dòng chảy hàng hóa và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc.

“Giảm tốc” lộ trình tăng giá, lành mạnh hóa ngân hàng

Cũng tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu lặp lại lo lắng về giá xăng dầu, điện. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thẳng thắn: cần giảm tốc lộ trình tăng giá điện, giá xăng dầu. Ông Đồng đề nghị các chính sách khi ban hành cần tính thời gian dài để các doanh nghiệp kịp chuyển đổi, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Dư luận trước kỳ họp QH bức xúc chuyện các ngân hàng lãi lớn trong khi khu vực doanh nghiệp khó khăn đã được nhiều đại biểu đề cập. Ông Hà Sỹ Đồng khẳng định số ngân hàng VN đang quá nhiều so với khu vực và thế giới nên đề nghị phải sáp nhập, giải thể các ngân hàng yếu kém, đang chạy đua lãi suất vì đây là tác nhân gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên