05/08/2011 07:24 GMT+7

Ủng hộ mức lương tối thiểu 1,9 triệu đồng

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa trình UBND TP báo cáo đề xuất về việc góp ý điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng chung trong các loại hình doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH.

ufkXaN8l.jpgPhóng to
Đồng lương ít ỏi, giá cả tăng cao, sau giờ tan ca, hầu hết công nhân đều tranh thủ mua rau cho bữa cơm chiều (ảnh chụp ở chợ chiều cạnh Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Theo đó, ủng hộ mức điều chỉnh lương tối thiểu theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH với mức cao nhất (vùng I) là 1,9 triệu đồng/tháng.

Phù hợp với thực tế?

Qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến từ các cơ quan chức năng và dựa trên tình hình thực tế của TP, Sở LĐ-TB&XH báo cáo và đề xuất UBND TP xem xét góp ý việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất. Về cơ bản, thống nhất với mức điều chỉnh lương tối thiểu của Bộ LĐ-TB&XH cao nhất 1,9 triệu đồng/tháng cho vùng I và thấp nhất vùng IV là 1,4 triệu đồng.

Sở LĐ-TB&XH cho rằng: “Mức lương tối thiểu vùng dự kiến mặc dù có tăng cao hơn so với các lần điều chỉnh trước, tuy nhiên nhìn chung là hợp lý nhằm từng bước đưa mức lương tối thiểu phù hợp với giá cả sinh hoạt, góp phần đảm bảo tiền lương thực tế, ổn định đời sống người lao động, nhất là trong tình hình giá cả của các mặt hàng thiết yếu tăng cao thời gian qua... Nhìn chung, mức điều chỉnh do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất là phù hợp với thực tế, có xem xét và chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động”. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng đồng ý với Bộ LĐ-TB&XH áp dụng tiền lương tối thiểu vùng II cho địa bàn huyện Cần Giờ với mức 1.730.000 đồng/tháng.

Hiện nay lương tối thiểu đang áp dụng tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất (vùng I) là 1.550.000 đồng/tháng và thấp nhất (vùng IV) là 1.100.000 đồng/tháng. Còn tại khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cao nhất (vùng I) là 1.350.000 đồng/tháng và thấp nhất (vùng IV) là 830.000 đồng/tháng.

Trước đó ngày 8-7, Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc họp lấy ý kiến về phương án điều chỉnh lương tối thiểu tại khu vực phía Nam. Tại cuộc họp, ngoài phương án của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức thấp nhất 1,4 triệu đồng (vùng IV) và cao nhất 1,9 triệu đồng (vùng I) thì Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất mức cao nhất 2,2 triệu đồng (vùng I) và thấp nhất là 1,6 triệu đồng (vùng IV).

Hầu hết ý kiến của các đại biểu các tỉnh thành phía Nam đều ủng hộ mức của Tổng liên đoàn Lao động và cho biết mức mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến là thấp và không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người lao động (Tuổi Trẻ ngày 9-7). Riêng đại diện của Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM là gay gắt nhất khi cho rằng mức lương đưa ra lấy ý kiến là lạc hậu, không theo kịp thực tế đời sống người lao động. Tại cuộc họp này, đại diện của TP.HCM là Sở LĐ-TB&XH đã không có ý kiến.

Trong báo cáo về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM tại cuộc họp khẩn với UBND TP ngày 16-7, Sở LĐ-TB&XH cho rằng nguyên nhân của các tranh chấp lao động tập thể tăng cao thời gian qua là do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Tiền lương thực tế của người lao động không đảm bảo cuộc sống dù các doanh nghiệp đã áp dụng mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng.

Mức lương 2,3 triệu đồng/tháng mới đủ sống

Rõ ràng báo cáo ngày 16-7 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM là vậy, nhưng văn bản góp ý ủng hộ mức lương tối thiểu 1,9 triệu đồng là đi ngược thực tế với cuộc sống của hàng trăm ngàn lao động đã và đang làm việc trên địa bàn TP.HCM. Trong khi đó, qua văn bản góp ý với Sở LĐ-TB&XH về điều chỉnh lương tối thiểu vùng,

Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết khảo sát thực tế nhu cầu đời sống vật chất tinh thần trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp ở KCX-KCN, quận huyện trên địa bàn TP nhận thấy mức lương đủ sống của công nhân vùng I là 2.300.000 đồng, vùng II (chỉ huyện Cần Giờ) là 2.130.000 đồng.

Theo ông Trần Văn Tư - chuyên viên cao cấp của Tổng liên đoàn Lao động VN, trong những năm qua việc xác định mức lương tối thiểu chưa căn cứ vào nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nên việc điều chỉnh lương hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Còn ông Huỳnh Văn Tịnh, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai, cho biết mức điều chỉnh mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến là rất thấp và nếu các doanh nghiệp điều chỉnh lương theo mức lạc hậu đó thì người lao động vẫn không đủ sống. Ông Tịnh nói: “Điều chỉnh lương sớm là đúng nhưng phải nghiên cứu để điều chỉnh lương sát với thực tế nhu cầu cuộc sống cho người lao động. Chúng tôi ủng hộ mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động”.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết qua các buổi thăm dò, lấy ý kiến trên cả nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo hướng tăng hơn so với mức đưa ra lấy ý kiến từ 50.000-100.000 đồng cho tất cả các vùng quy định để trình Chính phủ phê duyệt.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên