03/08/2011 18:00 GMT+7

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Xây dựng hải quân hiện đại

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TTO - Ngày 3-8, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí. TTO lược ghi một số câu trả lời đáng quan tâm.

Read this on Tuoitrenews.vnChính phủ mới nhậm chức với 27 thành viênĐại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 10

ZN8AWk16.jpgPhóng to
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Việt Dũng

* Tuổi Trẻ: Thưa Bộ trưởng, mục tiêu xây dựng quân đội nhân dân từng bước hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh: Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, xây dựng quân chủng hải quân, phòng không không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử và một số binh chủng kỹ thuật khác đi thẳng vào hiện đại. Mục đích là để chúng ta nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ đất nước, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định.

Muốn xây dựng được các quân chủng kỹ thuật hiện đại thì phải xây dựng được con người hiện đại, có tri thức, kiến thức về kỹ thuật quân sự hiện đại và làm chủ được các trang bị, vũ khí trang bị có hàm lượng công nghệ cao.

* Tuổi Trẻ: Như vậy việc đầu tư trang bị cho quân chủng hải quân đang và sẽ được thực hiện như thế nào?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Việc này tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Vì trang bị cho các quân chủng kỹ thuật như là hải quân, phòng không không quân… đòi hỏi ngân sách khá lớn, trong khi đó chúng ta chưa sản xuất được nên hầu hết phải nhập ngoại với giá cả rất đắt. Có khả năng tới đâu thì chúng ta mua sắm tới đó, với tinh thần trong khả năng cho phép của nền tài chính đất nước.

* Người Lao Động: Kế hoạch mua sắm tàu ngầm, máy bay hiện đại,… như các thông tin được công khai vừa qua đã được thưc hiện đến đâu, thưa Bộ trưởng?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Mua các trang bị này là kế hoạch dài hạn từ nay đến năm 2020. Trước mắt phấn đấu trong 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636, đây là loại tàu hiện đại.

Chúng ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, tự vệ, bảo vệ hòa bình và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh.

* Người Lao Động: Vừa rồi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có động thái tăng cường lực lượng hải quân, Bộ trưởng nghĩ sao về việc này?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Cái này nằm trong xu thế chung của thế giới. Khi các quốc gia phát triển về mặt kinh tế thì họ cũng hiện đại hóa quân đội. Tôi không cho đây là cuộc chạy đua vũ trang, mà đó là quân đội các nước đều có trách nhiệm phải bảo vệ hòa bình, lãnh thổ của họ, do đó họ đều phải hiện đại hóa quân đội. Đó cũng là việc làm thường thấy ở các nước, trong đó có chúng ta.

* Tuổi Trẻ: Thưa Bộ trưởng, bảo vệ ngư dân cũng chính là bảo vệ chủ quyền?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển là một trong những nhiệm vụ chính trị của quân đội, trong đó quân đội đã giao cho quân chủng hải quân, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển.

Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đồng thời bảo vệ ngư dân của chúng ta làm ăn hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, nhất là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mà hầu như ngày nào cũng có những vụ việc xảy ra trên biển. Ví dụ như tàu bị hỏng máy, xảy ra sự cố về kỹ thuật hoặc có những tai nạn, rủi ro,… trách nhiệm của quân đội là phải phối hợp với các lực lượng khác để trợ giúp nhân dân.

Quân đội, hải quân nước ta phải có quan hệ tốt với lực lượng vũ trang các nước láng giềng, lân cận với Việt Nam, như là với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indoneisa, Brunei,.. để tăng cường quan hệ hữu nghị và phối hợp với nhau nhằm giữ gìn an ninh, trật tự trên vùng biển, đối xử nhân đạo với ngư dân mỗi khi họ có vi phạm vào vùng biển của các nước láng giềng.

* Người Lao Động: Qua các diễn đàn vừa qua thì quan điểm Việt Nam và các nước ASEAN về biển Đông có sự tương đồng không?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Hiện nay các nước ASEAN nói chung có tiếng nói khá thống nhất. Sự đoàn kết thống nhất trong ASEAN là hết sức quan trọng, ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm động lực để dẫn dắt quá trình hợp tác với các đối tác bên ngoài, do đó ASEAN phải đoàn kết và có tiếng nói chung, thống nhất thì mới giữ được vai trò trung tâm, nếu ASEAN bị chia rẽ thì không thể giữ được vai trò trung tâm động lực để hợp tác.

* Tuổi Trẻ: Bên ngoài ASEAN, nhiều cường quốc khác cũng quan tâm đến biển Đông, ví dụ như Hoa Kỳ?

- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Biển Đông có vị trí địa lý, địa chiến lược hết sức quan trọng, nhiều cường quốc có lợi ích về kinh tế cũng như lợi ích chiến lược ở đây. Hiện nay quan điểm của các nước này cũng khác nhau. Như Hoa Kỳ nói là đứng trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng họ có lợi ích về đảm bảo tự do hàng hải. Sự có mặt của Hoa Kỳ cũng gây ra các ý kiến khác nhau, có ý kiến cho là có vai trò tích cực cũng có ý kiến lo ngại làm cho tình hình nóng thêm, phức tạp thêm.

Chúng tôi tin là khu vực này có lợi ích của tất các các nước, trong đó có các nước lớn, có các nước tranh chấp chủ quyền và tuyên bố chủ quyền và có nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng tựu trung lại phải có cái chung. Đó là giữ được hòa bình, ổn định và cũng là lợi ích chung, mong muốn chung của tất cả các nước trong khu vực.

Góp đá xây Trường Sa là hoạt động rất thiết thực

“Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Quỹ vì Trường Sa thân yêu, giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo quỹ này. Tôi đã ủy nhiệm cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến trực tiếp chỉ đạo và quản lý. Bên cạnh đó, tôi được biết báo Tuổi Trẻ đang có cuộc vận động rất là thiết thực với chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

Có thể nói những hoạt động ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu nói chung cũng như “Góp đá xây Trường Sa” là hết sức có ý nghĩa, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của đất nước, để cho mọi người dân cùng chung tay, chung sức và có trách nhiệm cùng với cả nước bảo vệ vùng biển của đất nước chúng ta. Chúng ta phải làm cho vùng biển của Việt Nam trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, ổn định và bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ cũng như của nhân dân đang sống và làm việc trên các hải đảo của đất nước”.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên