09/06/2011 07:48 GMT+7

Vơ vét titan: Xử lý nghiêm các sai phạm

N.TRIỀU ghi
N.TRIỀU ghi

TT - Đây là ý kiến của hầu hết những người có trách nhiệm liên quan đến khai thác titan. Trong đó có ý kiến cho rằng việc quản lý khai thác titan cơ bản được thực hiện nghiêm túc, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, người dân các vùng có khai thác titan được hưởng lợi, thậm chí là… rất mừng.

Dân gánh hậu quảTàn phá làng ven biển

GZZ1Uv7N.jpgPhóng to

Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Lê Hữu Lộc (chủ tịch UBND tỉnh Bình Định): Đang xin ý kiến chỉ đạo

Chính phủ đã có văn bản yêu cầu dừng khai thác titan nếu khu vực khai thác không nằm trong quy hoạch của Chính phủ phê duyệt đối với một số tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận. Bình Định không nằm trong diện này, nhưng chúng tôi đã gửi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo về việc Bình Định có tiếp tục được khai thác titan hay không. Sau khi có ý kiến của Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường, tỉnh sẽ có quyết định cụ thể.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã cấp hơn 20 giấy phép tận thu titan trên những khu vực sẽ triển khai các dự án, đến tháng 10-2011 là hết hạn khai thác để hoàn thổ. Riêng về việc khai thác mỏ titan thì do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép. Đến nay, bộ đã cấp phép cho năm doanh nghiệp khai thác mỏ titan ở một số xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, thời gian khai thác lâu dài.

Quan điểm của UBND tỉnh Bình Định là có thể cho phép tận thu titan tại các khu vực chuẩn bị triển khai các dự án, nhưng cấm không được bán titan thô ra ngoài tỉnh, phải bán cho nhà máy chế biến tại địa phương để xuất khẩu. Vấn đề quan trọng là tỉnh và các cơ quan chức năng phải thường xuyên tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, yêu cầu nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình khai thác và hoàn thổ trồng rừng sau khi khai thác xong. Các doanh nghiệp còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho địa phương xây dựng hạ tầng như làm đường giao thông, trường học, trạm xá... Doanh nghiệp nào không chấp hành nghiêm túc những cam kết này tỉnh sẽ kiên quyết xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Lợi (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Trị): Người dân mừng lắm

Theo ông Nguyễn Thanh Lợi, việc khai thác titan được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép, Sở Tài nguyên - môi trường thực hiện đánh giá tác động về môi trường. Thực tế cho thấy sau khi khai thác ở nhiều nơi, “cuộc sống của người dân cũng... không có vấn đề gì xảy ra”.

Ông Lợi nói các công ty khai thác titan đã cam kết hoàn trả mặt bằng và trồng lại cây xanh sau khi khai thác xong. Ở các nơi như Gio Linh, Vĩnh Linh, phía công ty khai thác đều đã trồng lại cây xanh, hiện cây mới lên xanh tốt. “Thậm chí cây mới trồng còn tốt và dày hơn cả rừng phi lao bị chặt bỏ trước đó để khai thác titan” - ông Lợi nhấn mạnh. Tuy nhiên, khi thấy những tấm hình về hàng chục hecta cây keo lá tràm được Công ty TNHH Thống Nhất trồng lại sau khi khai thác titan tại Cang Gián (Gio Linh) với hiện trạng cây mới trồng bị chết hàng loạt, ông Lợi vô cùng ngạc nhiên và nói sẽ cho kiểm tra lại.

Trả lời câu hỏi về các vấn đề liên quan nạn cát bay, cát lấp, cạn kiệt nguồn nước ngầm xảy ra ở những vùng khai thác titan, ông Lợi thừa nhận có hậu quả cát bay, cát lấp nhưng cho rằng nguồn nước ngầm bị cạn kiệt do nhiều nguyên nhân khác chứ không phải do khai thác titan. “Các công ty khai thác titan ở địa phương nào đều đồng hành với việc xây dựng công trình phúc lợi cho người dân vùng đó, nên bộ mặt làng quê được đổi mới nhiều. Đó là chưa kể nhiều lao động tại địa phương được công ty titan tạo điều kiện cho vào làm việc, có thu nhập ổn định. Nói chung người dân ở những vùng đó mừng lắm” - ông Lợi kết luận.

Ông Nguyễn Hữu Hoài (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình): Sẽ tiếp tục chấn chỉnh

UBND tỉnh đã cấp phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp theo diện mỏ nhỏ lẻ, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Các đơn vị khai thác vẫn thực hiện theo quy trình mà tỉnh quy định trong bảo vệ môi trường, san lấp mặt bằng, vận chuyển qua vùng dân cư... Sau khi cấp phép, tỉnh vẫn quản lý chặt chẽ và thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng thời chấn chỉnh liên tục, đặc biệt là việc hoàn trả mặt bằng. Nếu các doanh nghiệp khai thác chưa thực hiện tốt quy trình bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân thì tỉnh sẽ tiếp tục chấn chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên: Phải rút giấy phép doanh nghiệp gây ô nhiễm

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 8-6 về tình trạng khai thác titan gây tổn hại môi trường. Ông Nguyên nói:

- Các dự án khai thác titan đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép khai thác. Với quy định hiện hành, việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và titan nói riêng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu doanh nghiệp triển khai khai thác chưa hội đủ các điều kiện pháp lý hoặc trong quá trình khai thác không tuân thủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm thì chính quyền địa phương phải kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.

* Thực tế tại một số tỉnh miền Trung vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác titan không tuân thủ các quy định và gây ô nhiễm môi trường, xáo trộn đời sống người dân...

- Nói thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng cấp bộ chúng tôi cũng rất quan tâm, thanh tra bộ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề và đã có xử phạt những trường hợp vi phạm. Quan điểm của bộ là dù doanh nghiệp được cấp phép đi nữa, nhưng nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường thì phải kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác.

N.TRIỀU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên