03/05/2011 11:01 GMT+7

Đổi mới nhưng không nóng vội

Ông Mạch Quang Thắng
Ông Mạch Quang Thắng

TT - “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị” là một trong những quan điểm phát triển đã được vạch ra trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược trong bối cảnh hiện nay, theo GS.TS Mạch Quang Thắng.

7dQcUssj.jpgPhóng to

Ông Mạch Quang Thắng - Ảnh: L.H.

Ông Mạch Quang Thắng là vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Ông cũng là người có nhiều năm nghiên cứu các văn kiện của Đảng. Ông nói:

- Trong những năm qua, đi đôi với sự nghiệp đổi mới kinh tế, Đảng ta đã chú trọng từng bước đổi mới về chính trị một cách phù hợp. Một số người không có thiện cảm với sự nghiệp đổi mới của nước ta cho rằng Việt Nam chưa có đổi mới chính trị, họ quan niệm đổi mới chính trị là phải thay đổi cả bộ máy lãnh đạo, thay đổi chức vụ này, chức vụ nọ... Điều đó hoàn toàn không đúng. Đảng ta xác định “đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị” là vì mục tiêu xây dựng đất nước để có dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trọng tâm của đổi mới về chính trị cũng đã được nêu rõ là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội...

* Có ý kiến cho rằng cần phải đẩy nhanh đổi mới về chính trị hơn nữa để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế?

"Cả ba nhân tố: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ đều phải được phát huy cao độ, không được coi nhẹ nhân tố nào. Vấn đề ở đây là phải khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước"

- Bài học lịch sử từ nhiều nước trên thế giới cho thấy nóng vội có thể dẫn đến đổ vỡ, rối loạn xã hội. Hơn nữa, hiện nay tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường, mới đây thôi mấy ai có thể hình dung trước được những sự kiện đã và đang diễn ra ở Bắc Phi, Trung Đông. Trong khi đó, nhiều học giả quốc tế đã nói đến Việt Nam như một điểm sáng về ổn định chính trị, tất nhiên là ổn định để phát triển chứ không phải bảo thủ, trì trệ.

Mười năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,26%/năm, nước ta đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp. Chính vì vậy, văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ “đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”. Để đưa đất nước phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, chúng ta phải thúc đẩy đổi mới toàn diện, tiến hành đồng thời đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị một cách phù hợp, nghĩa là có sự hài hòa.

* Trong điều kiện một đảng cầm quyền thì việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là điều kiện quan trọng hàng đầu để đổi mới về chính trị?

- Văn kiện Đại hội XI đã xác định “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước”. Trong thực tế hoạt động của cơ quan nhà nước ở nơi này nơi khác có tâm lý được Đảng duyệt rồi đóng dấu thì mới oai. Có những việc dưới cơ sở hoàn toàn thuộc chức năng của cơ quan nhà nước, ví dụ như phòng chống cúm gia cầm nhưng cũng phải ban thường vụ cấp ủy ra chỉ thị.

Mặt khác, chúng tôi có đi nghiên cứu một số nơi, thấy nhiều khi để xử lý công việc chung, cả Đảng ủy xã và UBND xã đều phải xắn tay áo xông vào, nếu cứ chờ phân biệt việc này thuộc “sân” của cấp ủy, việc kia là “sân” của chính quyền thì công việc không “chạy”. Như vậy, đây là vấn đề lý luận và thực tiễn rất lớn. Trong điều kiện càng đi sâu vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước phải giải quyết nhiều vấn đề mới, phức tạp, do đó phải xây dựng cho được thiết chế thích hợp tạo sự gắn kết và phát huy cao nhất hiệu quả của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Cả ba nhân tố: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ đều phải được phát huy cao độ, không được coi nhẹ nhân tố nào. Vấn đề ở đây là phải khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước.

* Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Như vậy đòi hỏi phải “khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” như nội dung của văn kiện?

- Đội ngũ đảng viên trong các thời kỳ lịch sử về cơ bản đã thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trước toàn dân. Nhưng vẫn còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Căn bệnh xa dân và một số bệnh khác của một bộ phận cán bộ, đảng viên thật sự đáng lo ngại trong thời kỳ hiện nay. So với Đại hội X, văn kiện Đại hội XI có điểm mới là chỉ ra mấy loại “chạy” gây nhức nhối trong xã hội, đó là “có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Chúng ta không né tránh khi nói về sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, vấn đề là chặn từ gốc tình trạng suy thoái này như thế nào.

Có nhiều giải pháp và tôi nghĩ rằng một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải phát huy dân chủ, để nhân dân tích cực tham gia công tác Đảng, công việc quản lý xã hội của Nhà nước, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước với tư cách chủ nhân của xã hội.

* Có phát huy dân chủ trong Đảng thì mới lan tỏa ra ngoài xã hội?

- Đúng vậy. Văn kiện lần này đã nêu rõ “thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng”. Chủ trương, đường lối như vậy là đã rõ. Tuy nhiên, dân chủ tới mức cực đoan thì không được, đó là phản dân chủ. Tôi nói ví dụ trong cuộc họp của cấp ủy nào đó, người chủ trì đưa vấn đề ra thảo luận mà đảng viên cứ ngồi đọc báo, làm việc riêng đến khi biểu quyết thì giơ tay cho xong, như vậy không phải dân chủ mà là sự thờ ơ, vô trách nhiệm.

Để thật sự phát huy dân chủ thì đảng viên phải đóng góp ý kiến, có thể trái chiều nhưng với tinh thần trách nhiệm. Trong Đại hội XI vừa rồi có thể nói rất dân chủ, ví dụ như khi thảo luận về đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, nhiều ý kiến khác nhau và đưa ra đại hội biểu quyết với đa số đồng ý phương án khác với phương án đã được chuẩn bị trong dự thảo. Khi đã biểu quyết rồi thì dân chủ nhất chính là tập trung thực hiện theo nghị quyết. Ai đó đã nói rằng “trong tập trung đúng đắn đã có dân chủ, trong dân chủ thật sự đúng đắn đã có tập trung”.

Ông Mạch Quang Thắng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên