16/04/2011 03:58 GMT+7

Người dân phải tự bảo vệ mình

T.PHÙNG - L.HOÀI
T.PHÙNG - L.HOÀI

TT - Ngày 15-4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức hội nghị Dự thảo chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam.

Trình bày nội dung của chiến lược tại hội nghị, ông Lý Huy Tuấn - viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) - cho biết dự thảo chiến lược đặt ra mục tiêu giảm số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ xuống còn tám người/100.000 dân vào năm 2020 và giảm xuống còn 4-6 người/100.000 dân vào năm 2030 (năm 2009 là 13 người/100.000 dân).

Tuy nhiên, ông Takagi Michimasa - tư vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho rằng muốn thực hiện được mục tiêu trên phải đạt được hai điều kiện: thứ nhất là giảm sự bất cẩn, thiếu kinh nghiệm và kiến thức của người tham gia giao thông trong xã hội cơ giới hóa gia tăng nhanh; thứ hai là các quy định pháp luật phải thực thi một cách toàn diện. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy muốn đạt được hai điều kiện này phải cần một khoảng thời gian rất dài, có khi hàng chục năm.

Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Thị Ngọc Lan (Bộ Y tế) đề nghị phải xem lại mục tiêu đề ra, thống kê của ngành y tế từ năm 2005-2010 chỉ giảm được 0,5 người chết/100.000 dân. Bà Lan cho rằng ngoài chính sách và pháp luật, cần tạo cho người dân có ý thức bảo vệ mình trước khi bị pháp luật chi phối. “Dù có luật, hiểu luật, có đèn tín hiệu nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ và dẫn đến tai nạn nghiêm trọng” - bà Lan nói. Đại tá Lã Khắc Hòa, trưởng phòng tham mưu Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cũng nói năm năm qua đề ra mục tiêu giảm 5% số người chết nhưng không bao giờ đạt được.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Hồ Nghĩa Dũng nhận định:

- Tai nạn giao thông đang rất nghiêm trọng. Trong bốn năm vừa rồi liên tục giảm, giảm nhiều nhất là năm 2008 nhưng quý 1 năm nay tăng trở lại, đặc biệt nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra.

* Theo ông, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông này là do đâu?

- Nếu nói do kết cấu hạ tầng thì lúc nào cũng đúng nhưng khi phân tích cụ thể từng vụ thì chúng ta phải bình tĩnh để xem xét. Những vụ tai nạn xảy ra thường là phóng nhanh vượt ẩu đâm vào nhau, ngủ gật đâm vào xe đậu ven đường chứ không phải hoàn toàn do kết cấu hạ tầng.

Theo tôi, trong khi chưa có kết cấu hạ tầng đồng bộ thì ý thức tham gia giao thông của từng người là hết sức quan trọng. Chúng ta nhường nhịn nhau một tí, thân thiện với nhau một tí sẽ giảm được rất nhiều tai nạn. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã nghiên cứu và cho rằng với kết cấu hạ tầng hiện tại, nếu chúng ta tổ chức giao thông tốt, ý thức của người tham gia giao thông tốt, có thể giảm 30% tai nạn.

* Theo tính toán, tới năm 2020 lượng xe máy ở VN sẽ tăng gấp ba lần. Ông nghĩ nên ứng xử với xe máy như thế nào?

- Kiềm chế sự gia tăng của xe máy là cần thiết. Nhưng thực tế cuộc sống đã như vậy rồi, chúng ta sẽ không thể nào một ngày một lúc có thể giảm hoặc chống được xe máy. Trước mắt, phải ưu tiên hạ tầng cho xe công cộng như xe buýt, tàu điện, đẩy vận tải công cộng lên mới giảm được xe máy. Bây giờ muốn giảm nhưng hạ tầng chưa có, xe công cộng chưa có thì phải có lộ trình.

T.PHÙNG - L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên