16/04/2011 03:23 GMT+7

Không cấm vận động bầu cử trên mạng

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Tuyên - trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Hội đồng bầu cử - đã khẳng định như vậy tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba chốt danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở trung ương.

* 14 ủy viên Bộ Chính trị đều ứng cử đại biểu Quốc hội * Ít người tự ứng cử

jLaniAMr.jpgPhóng to
Các đại biểu biểu quyết thống nhất lập danh sách 182 ứng cử viên ở trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Lê Kiên

* Tuổi Trẻ: Thưa ông, sau các hội nghị hiệp thương lần ba, ứng cử viên sẽ được tổ chức để tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử như thế nào?

- Từ ngày 3-5 đến trước ngày bầu cử, các ứng cử viên được quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Theo đó, quá trình vận động bầu cử chính là lúc ứng cử viên giới thiệu chương trình hành động, nói lên trách nhiệm của bản thân trước cử tri nơi bầu cử, nếu trúng cử mình sẽ hoạt động như thế nào tại nghị trường Quốc hội. Cũng thông qua quá trình vận động bầu cử, cử tri sẽ biết được năng lực, trách nhiệm bước đầu của các ứng cử viên để lựa chọn.

* Tuổi Trẻ: Các ứng cử viên có được tự đứng ra tổ chức vận động bầu cử hay phải thông qua MTTQ VN để tiếp xúc với cử tri?

- Theo quy định của luật, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình kinh tế-xã hội cho ứng cử viên để họ sử dụng trong tiếp xúc cử tri. Còn việc ứng cử viên tự tổ chức tiếp xúc cử tri thì có những ứng cử viên có điều kiện, có ứng cử viên không có điều kiện, nhưng Nhà nước sẽ tổ chức cho tất cả ứng cử viên đều được tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

* Tuổi Trẻ: Trước đây có trường hợp ứng cử viên đại biểu HĐND từng in các tờ rơi nói lên suy nghĩ, chương trình hành động của mình để phát tới các cử tri, việc này có được khuyến khích không?

xbcAEJH8.jpgPhóng to
Ông Phạm Minh Tuyên - Ảnh: Việt Dũng
- Ứng cử viên có thể làm như vậy nếu có điều kiện, vì đó là phương tiện truyền tải suy nghĩ của ứng cử viên tới cử tri. Việc vận động bầu cử bằng những hình thức khác nhau thì pháp luật không cấm.

* VietNamNet: Ứng cử viên có được khuyến khích sử dụng các hình thức khác như bỏ tiền ra hỗ trợ cử tri nơi họ ứng cử hoặc sử dụng mạng Internet, blog để vận động bầu cử không?

- Luật pháp quy định là Nhà nước đảm bảo kinh phí, điều kiện để các ứng cử viên đi vận động bầu cử. Còn việc cá nhân ứng cử viên có điều kiện mà ủng hộ từ thiện, nhân đạo thì được khuyến khích, miễn là tiền đó từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng, đúng pháp luật của người ấy. Tôi nghĩ rằng các ứng cử viên cứ đi vận động bầu cử theo đúng quy định, sau đó trúng cử rồi thì thực hiện việc hỗ trợ từ thiện, nhân đạo sẽ hợp với đạo lý của người VN hơn và nhân dân sẽ cảm thấy khách quan hơn.

Đối với việc vận động bầu cử trên mạng thì luật pháp chưa có quy định, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng nếu ứng cử viên nói trung thực, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật thì có thể được. Vì đây là việc luật pháp không cấm nên ứng cử viên có thể được làm.

* Tuổi Trẻ: Mỗi ứng cử viên có điều kiện và địa vị rất khác nhau, làm thế nào để tạo được sự bình đẳng giữa những ứng cử viên có chức có quyền với những ứng cử viên bình thường khác khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử?

- Đối với các ứng cử viên phải đảm bảo sự bình đẳng trong quá trình tiếp xúc cử tri, không để có sự phân biệt đối xử giữa những người có vị trí, chức vụ khác nhau. MTTQ VN đã có hướng dẫn cụ thể tối thiểu mỗi ứng cử viên phải được tiếp xúc mấy cuộc tại địa bàn ứng cử. Vì vậy, mỗi ứng cử viên nên cố gắng để truyền tải tốt nhất thông điệp của mình tới cử tri tại các cuộc tiếp xúc này.

* Tiền Phong: Thưa ông, các ứng cử viên khi tiếp xúc cử tri có được bình luận, nhận xét, tranh luận về chương trình hành động, quan điểm của nhau hay không, nghĩa là có yếu tố tranh cử ở đây không?

- Luật pháp không cấm điều này, nhưng thông lệ ở VN thì thường tôn trọng suy nghĩ của mỗi người ứng cử. Do vậy, việc ứng cử viên phát biểu thế nào là quyền của mình, còn việc trao đi đổi lại, đối đáp với nhau rằng tôi hơn anh hay anh hơn tôi thì việc này không hợp với thông lệ và truyền thống của người VN. Tuy nhiên, việc có tranh luận với nhau hay không hoàn toàn là quyền của các ứng cử viên trong các cuộc tiếp xúc với cử tri.

HÀ NỘI - Ngày 15-4, Ủy ban trung ương MTTQ VN đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức các đại biểu ở trung ương tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Theo báo cáo của ông Vũ Trọng Kim - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký MTTQ VN, sau các hội nghị hiệp thương lần hai ở trung ương và các địa phương, cả nước có 1.086 người ứng cử đại biểu Quốc hội (183 ở trung ương, địa phương là 903 người). Cơ cấu gồm: phụ nữ 31,12%; người dân tộc thiểu số 15,84%; người ngoài Đảng 19,61%; tái cử 17,12%; trẻ tuổi (dưới 40) 25,97%.

Kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của 183 ứng cử viên ở trung ương cho thấy có 179 người được tín nhiệm 100%; bốn người đạt tín nhiệm từ 84% đến dưới 100%. Cũng trong số 183 ứng cử viên được trung ương giới thiệu, do hồ sơ ứng cử không đầy đủ nên ông Trần Công Toại - viện trưởng Viện Công nghệ và quản trị tại TP.HCM (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật VN) - đã bị hội nghị hiệp thương lần ba nhất trí loại ra khỏi danh sách ứng cử.

Kết quả, hội nghị đã nhất trí giới thiệu 182 ứng cử viên còn lại vào danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Căn cứ vào danh sách 182 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở trung ương và ứng cử viên do các địa phương giới thiệu thì Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và 13 ủy viên Bộ Chính trị đều tham gia ứng cử (các ông Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải ứng cử với tư cách là đại biểu địa phương).

Riêng khối Chính phủ, ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, còn có 12 ứng viên đang là bộ trưởng tham gia ứng cử gồm các ông: Lê Hồng Anh, Hoàng Tuấn Anh, Hà Hùng Cường, Nguyễn Văn Giàu, Vũ Huy Hoàng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Vũ Luận, Vũ Văn Ninh, Cao Đức Phát, Giàng Seo Phử và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Các thứ trưởng tham gia ứng cử gồm: Phạm Bình Minh, Đào Việt Trung - thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thái Bình - thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bùi Quang Vinh - thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư; Nguyễn Thị Kim Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế; Trần Đại Quang, Đặng Văn Hiếu - thứ trưởng Bộ Công an; Đỗ Bá Tỵ, Lê Hữu Đức - thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng tiếp tục được giới thiệu tái cử.

Phía Quốc hội, các phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn, chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước và các chủ nhiệm ủy ban gồm: Lê Thị Thu Ba, Phùng Quốc Hiển, Đào Trọng Thi và Trương Thị Mai cùng tái cử.

_______________

Ngày 15-4, nhiều địa phương tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Tại Hà Nội, hội nghị hiệp thương lần ba nhất trí thông qua danh sách chính thức 40 ứng cử viên, trong đó có sáu người tái cử và bốn người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII gồm ông Nguyễn Tất Đạt - giảng viên Học viện Hành chính, ông Nguyễn Quang Huân - tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Thăng Long, bà Châu Thị Thu Nga - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất, ông Lê Truyền - nguyên phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN. Ứng cử viên trẻ nhất (sinh năm 1983) là chị Nguyễn Hà Phương - cán bộ nghiệp vụ Công ty Thoát nước Hà Nội.

Tại TP.HCM, kết quả bỏ phiếu kín tại hội nghị hiệp thương lần ba lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND TP khóa VIII do Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN TP tổ chức sáng 15-4 đã chọn được danh sách 161 ứng cử viên (158 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và ba người tự ứng cử). Đây là danh sách chính thức và sẽ được phân bổ về 32 đơn vị bầu cử để bầu chọn 95 đại biểu HĐND TP khóa VIII.

Theo danh sách nêu trên, có 29 người trẻ dưới 35 tuổi (18,01%), 46 nữ (28,57%), bảy người dân tộc thiểu số (Hoa, Chăm, Khmer), 27 người ngoài Đảng (16,77%)... Có 57 ứng cử viên đạt trình độ trên đại học (35,4%), số còn lại là đại học. Cũng trong danh sách này có 21 đại biểu HĐND TP khóa VII tái cử (13,04%).

Chiều tối cùng ngày, Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã bàn giao danh sách cùng hồ sơ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của TP.HCM và danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND TP khóa VIII (đã được thông qua tại hai hội nghị hiệp thương lần ba) cho Ủy ban bầu cử TP.

Tại Quảng Ninh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần ba thành công, thống nhất danh sách tám ứng cử viên đại biểu Quốc hội (để bầu lấy 4); 114 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh (để bầu lấy 72). Tỉnh Thái Bình lập danh sách chính thức 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 99 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Số chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội tại Điện Biên là tám người. Bắc Giang cũng đã lập xong danh sách 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 127 ứng cử viên HĐND tỉnh. Danh sách chính thức ở tỉnh Tuyên Quang là bảy ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 86 ứng cử viên đại biểu HĐND.

Ghi nhận đến chiều qua, sau hiệp thương lần ba, nhiều tỉnh, thành phố không có người nào tự ứng cử đại biểu Quốc hội và rất ít địa phương có người tự ứng cử đại biểu HĐND. Ở Hưng Yên, sau hội nghị hiệp thương lần ba, trong số 79 ứng cử viên HĐND có một người tự ứng cử. Tại Hải Phòng, hội nghị hiệp thương diễn ra ngày 14-4, trong số 95 ứng cử viên đại biểu HĐND được chốt vào danh sách cũng chỉ có một người tự ứng cử.

Theo ông Nguyễn Văn Pha - phó chủ tịch MTTQ VN, báo cáo nhanh từ các địa phương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần ba cho thấy đều đã diễn ra an toàn, đúng luật và đạt kết quả tốt đẹp. Ngày 17-4 là hạn chót để các tỉnh, thành phố hoàn tất việc tổ chức hội nghị hiệp thương, lập danh sách chính thức người ứng cử. Sau đó MTTQ VN sẽ sớm có tổng hợp về kết quả hiệp thương tại các địa phương.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên