09/04/2011 09:37 GMT+7

Động đất mạnh xảy ra theo chu kỳ

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Trong mấy ngày vừa qua, động đất lại liên tiếp xảy ra tại Indonesia, Mexico và Nhật Bản. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) - cho biết:

Read this on Tuoitrenews.vn

- Trận động đất tại Nhật Bản xảy ra ở đứt gãy ngoài khơi, nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương; trận động đất ở Myanmar xảy ra trên đứt gãy nội mạng, nó nằm trong lục địa, thuộc dãy Tân Cương; động đất ở Indonesia nằm ở đứt gãy dài và sâu thuộc về mảng khác. Nghĩa là ba trận động đất trên phát sinh ở những dãy đứt gãy khác nhau, tại các vị trí khác nhau, với cơ chế va chạm khác nhau nên không liên quan tới nhau.

w6QIj12N.jpgPhóng to
Nước Nhật sau thảm họa động đất - sóng thần - Ảnh: AP

* Nhưng chúng xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, liệu có điều gì bất thường?

- Điều bất thường ở đây có thể là chúng ta phải chứng kiến trận động đất có tính hủy diệt, gây sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, điều bình thường ở đây là những trận động đất mạnh thường xảy ra sau một chu kỳ lặp lại, nghĩa là những trận động đất càng lớn, càng mạnh thì chu kỳ lặp lại của nó càng dài ra.

4 người chết, 132 người bị thương vì dư chấn

Theo Kyodo News, đợt dư chấn hôm 7-4 đã cướp đi sinh mạng của bốn người Nhật và làm 132 người bị thương. Hơn 3,3 triệu hộ dân tại Nhật rơi vào cảnh mất điện. Nhà nghiên cứu Volkan Sevilgen thuộc Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ dự báo sẽ còn nhiều đợt dư chấn mạnh xảy ra tại Nhật. Đài NPR dẫn lời chuyên gia Sevilgen: “Nguyên tắc cơ bản là một trận động đất 9 độ Richter sẽ sản sinh ra 10 đợt dư chấn 8 độ Richter, 100 đợt 7 độ Richter và hàng ngàn đợt 6 độ Richter”.

* Như vậy sẽ khó có khả năng xảy ra một trận động đất hủy diệt như ở Nhật Bản vừa qua trong tương lai gần tại khu vực này?

- Dựa trên quy luật các trận động đất trong lịch sử, các nhà khoa học nói rằng càng xa trận động đất vừa xảy ra thì chúng ta càng gần trận động đất sắp đến. Người ta có thể dự báo tương đối chính xác về vị trí, độ lớn của trận động đất dựa trên quy luật của nó là xảy ra trên các đứt gãy sâu và ranh giới các mảng kiến tạo. Tuy nhiên, để xác định chính xác tọa độ và thời gian của một trận động đất thì không thể. Như vậy, không thể nói là sắp tới không xảy ra động đất nữa, mà rất có thể lại có những trận động đất mạnh tương tự ở Indonesia, Myanmar...

* Thưa ông, nguy cơ động đất, sóng thần đối với VN như thế nào?

- VN đã ghi nhận được hai trận động đất mạnh ở Tây Bắc, đó là trận năm 1935 ở Điện Biên có cường độ lớn 6,75 độ Richter, năm 1983 một trận động đất 6,8 độ Richter xảy ra ở Tuần Giáo. Ở miền Nam, trận động đất mạnh nhất ghi nhận được là 6,1 độ Richter năm 1923 trên thềm lục địa Đông Nam bộ. Như vậy, chúng ta khẳng định không phải VN không có động đất mạnh, tuy nhiên những trận động đất vừa kể không gây ra nhiều thiệt hại bởi nó xảy ra trong rừng, ngoài cánh đồng ít dân cư và thềm lục địa. Nếu những trận động đất mạnh như vậy xảy ra ở đô thị, khu công nghiệp chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại lớn.

Còn đối với sóng thần, từ trước đến nay chúng ta chưa có bất kỳ một văn liệu nào về sóng thần ở VN. Tuy nhiên trong tương lai, các nhà khoa học đã xác định chín vùng nguồn trong biển Đông có khả năng gây ra sóng thần tấn công các vùng bờ biển VN.

* Vậy nguy cơ động đất ở vùng đông dân cư như đồng bằng sông Hồng có thể xảy ra không?

- Từ những năm 1970, các nhà khoa học đã xây dựng được các bản đồ động đất, trên đó thể hiện những vùng có khả năng chịu những chấn động ở mức độ khác nhau. Theo đó, vùng nguy hiểm nhất là Tây Bắc (cấp 8-9 trên 12 cấp), Hà Nội được xếp vào vùng cấp 8, TP.HCM thuộc vùng cấp 5-6, miền Trung thuộc vùng chấn động cấp 7... Thủ đô Hà Nội nằm trên vùng có đứt gãy rất nổi tiếng chạy qua, đó là đứt gãy sông Hồng chạy từ Trung Quốc cắt ngang qua miền Bắc VN và thẳng ra biển Đông. Đây chính là vùng được cho rằng có khả năng xảy ra động đất.

* Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới xét về mặt đầu tư, phương tiện, nhân lực cho cảnh báo động đất, sóng thần nhưng họ vẫn bất lực trước trận động đất hủy diệt như vừa rồi. Ông có thể so sánh gì với VN về mặt phương tiện và nhân lực?

- Câu hỏi này thật sự khó trả lời. Đúng là Nhật Bản mạnh về mọi mặt trong việc nghiên cứu, dự báo, ứng phó với động đất. Họ có rất nhiều dữ liệu về thiệt hại do động đất, sóng thần, vì ở đó động đất xảy ra như cơm bữa. Nhật có rất nhiều máy móc, thiết bị, họ có khả năng đặt các máy móc đo dưới đáy Thái Bình Dương, chặn đường tiến của sóng thần và ngay lập tức truyền dữ liệu qua vệ tinh... Các nhà khoa học của Nhật cũng rất giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu động đất. Nhưng trận động đất vừa rồi vẫn vượt qua khả năng của con người.

Còn VN thì sao? Chúng ta chưa chịu thiệt hại bởi động đất nên sự cảnh giác, đề phòng của ta không bằng họ được và không thể đầu tư những thiết bị tối tân như của họ được. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cảnh báo sớm được sóng thần, nhưng cảnh báo sớm không có nghĩa là giảm thiểu được thiệt hại, vì ứng phó mới là khâu quan trọng.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên