Phóng to |
Ông Nguyễn Trường Tiến - Ảnh: CTV |
Ông Tiến nói về nguyên tắc, các quy định chống động đất cho các công trình xây dựng ở VN đã có và đảm bảo. Nhưng để có được một công trình đảm bảo khả năng chịu động đất phải đảm bảo hài hòa giữa kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của kỹ sư tính toán thiết kế phần móng và cả kết cấu phần trên của công trình cũng như điều kiện địa chất trên cơ sở phân vùng động đất từng khu vực cụ thể. Tất cả yếu tố này phải hài hòa với nhau để có công trình đảm bảo đúng với các tiêu chuẩn đã quy định.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về các yếu tố để có công trình được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn chịu động đất?
- Hiện nay, nhiều trường hợp kỹ sư tính toán kết cấu thì lo tính toán phần thân, còn kỹ sư thiết kế phần móng chỉ lo phần dưới mà thiếu sự kết hợp. Trong khi quyết định thiết kế chống động đất công trình phụ thuộc vào sự phối hợp của kỹ sư tính toán kết cấu và tính toán nền móng cho công trình. Bởi vì tải trọng của động đất truyền từ đất lên móng và phần trên công trình. Nên ở tầng càng cao thì tải trọng càng lớn, độ dao động càng lớn. Vì vậy phải tính được sự làm việc đồng thời của móng và kết cấu bên trên để đảm bảo một cách đồng bộ. Điều này tránh trường hợp thiết kế quá tốn kém, không kinh tế hoặc không an toàn.
Ngoài ra, việc tính toán khả năng chịu động đất cho các công trình cũng phải dựa trên điều kiện địa chất cũng như phân vùng tải trọng động đất từng khu vực cụ thể để có công trình đảm bảo an toàn với động đất.
* Hiện có những lo ngại việc giám sát thực hiện không tốt hoặc chủ đầu tư vì lợi nhuận nên làm giảm khả năng chống động đất của công trình, dẫn tới những công trình chống động đất kém?
- Theo tôi, vấn đề cần quan tâm hiện nay là việc đào tạo và thực hành của kỹ sư VN đang có vấn đề. Đó là đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp không được đánh giá và kiểm soát theo một tiêu chuẩn chung. Nếu không có tiêu chuẩn thì không ai đảm bảo người kỹ sư đó thiết kế đúng tiêu chuẩn khi họ bị sức ép, vì lợi nhuận để thiết kế công trình không đảm bảo. Vì vậy từ tiêu chuẩn áp dụng vào thực tế công trình cũng có thể sai. Nếu có một tiêu chuẩn về hoạt động của kỹ sư và họ phải tuyên thệ đảm bảo làm việc không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp mới tránh được các tác động tiêu cực.
* Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật VN đã có khảo sát, đánh giá nào về khả năng chống động đất của các công trình xây dựng chưa, thưa ông?
- Theo nhận định của tôi, hiện các công trình nhà cao tầng đều thiên về yếu tố an toàn nên động đất xảy ra đối với công trình xây dựng trong khoảng 15 năm vừa rồi không có vấn đề gì lớn lắm. Những công trình tôi không biết thì không có cơ sở đánh giá, nhưng với những công trình tôi được tiếp cận, thẩm tra, xem xét thì nói chung họ làm quá an toàn, đảm bảo các yêu cầu chịu động đất.
Các công trình cao tầng hiện nay người ta không thể bỏ qua yếu tố an toàn được. Chúng ta cần đưa ra những giải pháp tính toán hợp lý hơn để tiết kiệm chi phí. Nếu có những giải pháp ngắt sóng động đất truyền từ cọc móng lên phần trên công trình sẽ giảm rất nhiều chi phí xây dựng công trình đó nhưng đảm bảo an toàn cao. Ở Nhật Bản, Mỹ, Canada người ta dùng giải pháp mối nối mềm từ cọc móng lên kết cấu bên trên để giảm tác động lên kết cấu bên trên của công trình. Tuy nhiên, giải pháp này chưa được áp dụng ở VN.
* Theo quy định thiết kế công trình chịu động đất của VN hiện nay, các công trình được thiết kế chống động đất tối đa cấp 7. Nhưng với những vùng địa chất yếu có thể chấn động cấp 8 khi xảy ra động đất. Ông có cho rằng điều này bất hợp lý?
- Bản đồ phân vùng động đất do Viện Vật lý địa cầu và Viện Khoa học công nghệ xây dựng làm rất chi tiết về vùng động đất. Tùy vào địa chất của khu vực để phân vùng động đất ở đó là cấp mấy. Đại bộ phận công trình tính toán với động đất cấp 7, nhưng phải tùy thuộc vào tầm quan trọng của công trình đó người ta tính đến động đất cấp 8. Thậm chí có những công trình quan trọng như nhà máy điện nguyên tử thì phải tính với động đất cấp 9, mặc dù có thể ở khu vực đó không xảy ra cấp này nhưng với tính chất công trình thì chủ đầu tư và kỹ sư thiết kế có quyền nâng cấp để tăng tính an toàn dù chi phí lớn hơn.
Theo tôi, trong bối cảnh này, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - công nghệ nên ban hành những chỉ dẫn, thiết kế mẫu và giải pháp kỹ thuật bên cạnh tiêu chuẩn để kỹ sư có thể sử dụng như cẩm nang áp dụng vào thực tiễn để có những tính toán phòng chống động đất cho công trình hợp lý và kinh tế hơn.
Theo ông Lê Quang Hùng - cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bộ Xây dựng, hiện đã có bản đồ phân vùng động đất với các cấp độ cụ thể và tần suất xảy ra động đất. Trên cơ sở bản đồ phân vùng này, những công trình nào được xây dựng ở vùng có động đất mạnh khoảng 6-7 độ (theo thang MSK-64) trở lên phải được thiết kế kháng chấn, khoảng 5-6 độ cần có những giải pháp kháng chấn, vùng có nguy cơ động đất nhỏ hơn 5 độ thì không cần thiết phải thiết kế kháng chấn. Các công trình được xây dựng tại các vùng có nguy cơ xảy ra động đất mạnh hiện nay ở nước ta đều được thiết kế kháng chấn, chống chịu được động đất 7 độ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận