Phóng to |
Nhóm sinh viên Đại học Kinh tế - luật và Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đến ủng hộ tiền giúp người dân vùng thiên tai Nhật Bản và một lọ chứa hàng trăm con hạc giấy do các bạn vừa gấp - Ảnh: Gia Tiến |
Qua Nhật đã năm năm, Anh Thư đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình. Khi Fukushima xảy ra động đất, Thư cùng nhóm bạn sinh viên Việt Nam được chuyển vào ở trong nhà lánh nạn. Những ngày ở đây, cô gái Việt Nam đã cảm nhận tình cảm đáng quý mà các bạn Nhật dành cho những du học sinh như cô dù họ đang gặp nạn.
“Mỗi ngày chúng tôi đều được một chai nước nhỏ và hai nắm cơm vắt. Người phát cơm luôn nói với chúng tôi là cố gắng lên nhé, xin lỗi vì đã không mang cơm được nhiều hơn. Người già và trẻ em được nhường lấy phần trước, sau đó đến thanh niên. Người nước ngoài cũng như người Nhật không hề có sự phân biệt đối xử. Có người chỉ nhận mỗi ngày một nắm cơm để dành cho người khác” - Anh Thư nhớ lại, đôi mắt rưng rưng.
Cứ vậy Thư và bảy bạn sinh viên khác cầm cự được ở Fukushima ba ngày. Cuối cùng, mọi người bàn nhau tìm cách về Việt Nam vì nghĩ ở lại là thêm gánh nặng cho các bạn Nhật. Mỗi nắm cơm, chai nước được san sẻ cũng là sự nỗ lực lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của người Nhật dành cho nhau và tất cả những người xung quanh của mình là điều Thư không thể nào quên.
Tìm cách để đi Osaka, cả nhóm được bác Trần Thọ Hi, một người Nhật gốc Việt, xếp hàng cả buổi trời tại sân bay, tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay cho cả nhóm. Cả ngày trời chờ đợi, cuối cùng chuyến bay đi Osaka chỉ có thể tiếp nhận tám người, vậy là một người phải ở lại.
Cả nhóm bàn nhau bắt thăm ai sẽ ở lại thì bác Hi nhất quyết bắt tám sinh viên lên máy bay, để mình ở lại vì “Các cháu còn ở đây bác không yên tâm”. Lên máy bay tới Osaka, Anh Thư và mọi người đều khóc và lo cho bác Hi.
Chuyến bay trở về Việt Nam ngày 20-3 với cô sinh viên Anh Thư không có sự vui sướng như những lần khác, ngược lại lòng cô ngổn ngang bao nỗi lo lắng cho vùng đất như quê hương thứ hai của mình đang trong thảm họa và người đồng hương tốt bụng. “Rời nước Nhật lúc này, cảm giác như mình đang chạy trốn vậy” - Thư như chực òa khóc.
Về nhà được hai ngày, Thư xin mẹ 1 triệu đồng để đến Tuổi Trẻ đóng góp cho các bạn Nhật Bản. Rồi Thư cho biết kế hoạch của mình: “Tôi phải gọi điện cho thầy cô ở Trường THPT Võ Thị Sáu của tôi để qua đó kêu gọi quyên góp. Nóng ruột lắm!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận