Phóng to |
* Mục tiêu của chúng ta là an sinh xã hội bền vững, nhưng thực tế cho thấy những năm qua cùng với tốc độ tăng trưởng cao thì lạm phát cũng tăng cao, đồng nghĩa với khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng giãn ra. điều này đặt ra những khó khăn gì cho bài toán an sinh xã hội? - Phải nói rằng trong nhiều năm gần đây mình chú trọng phát triển kinh tế, còn đối với an sinh xã hội vẫn thực hiện chính sách theo kiểu “bà đỡ”. Tuy nhiên, vấn đề an sinh xã hội trong thời gian tới phải được thực hiện bởi các giải pháp song hành với phát triển kinh tế. Nghĩa là phát triển kinh tế phải tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cơ hội có việc làm tốt, thu nhập tốt phải được chia sẻ cho các nhóm đối tượng. Hơn nữa sự tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa, chuyển dịch kinh tế đẻ ra khá nhiều hệ lụy, nhiều vấn đề cần giải quyết thì trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần dự liệu được những biến đổi đó để đưa ra các giải pháp phòng ngừa. |
- Đề án chuẩn bị với nguyên tắc xuyên suốt coi an sinh xã hội là quyền cơ bản: ăn, mặc, ở, có việc làm... Thứ hai là mục tiêu chiến lược hướng đến bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người, tức là “cái lưới” an sinh phải trùm hết được mọi đối tượng trong xã hội.
Thứ ba là Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong an sinh xã hội nhưng phát huy tinh thần chủ động của người dân và doanh nghiệp. Thứ tư là Chính phủ có vai trò tạo ra cơ chế chính sách giúp đỡ các nhóm yếu thế trong xã hội. Thứ năm là đưa an sinh xã hội của mình tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế.
* Vừa qua Chính phủ đã điều chỉnh chuẩn nghèo, hiện nay số hộ nghèo là 3,1 triệu hộ và số hộ cận nghèo cũng rất lớn, đề án phân loại hai đối tượng này thế nào và cụ thể mỗi nhóm nhận được những gì?
- Đề án mang tính tổng quát, hướng đến rất nhiều đối tượng chứ không chỉ riêng người nghèo. Đối với nhóm nghèo, đề án phân chia thành người nghèo tạm thời và người nghèo không có khả năng thoát nghèo, hai nhóm này có chính sách riêng.
Đối với nhóm nghèo tạm thời là giúp đỡ để họ thoát nghèo, như tạo cho họ có cơ hội việc làm bền vững, cho họ vay tín dụng để phát triển kinh doanh, nâng sự tiếp cận của họ tới hệ thống giáo dục, y tế... để tăng cường tiềm lực của họ.
Còn đối với nhóm nghèo không có khả năng thoát nghèo chủ yếu chuyển họ sang đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, dùng các chính sách như trợ cấp tiền mặt, huy động sự tham gia của cộng đồng, xây dựng các cơ sở bảo trợ để chăm sóc...
Đối với đối tượng cận nghèo thì đưa thêm một số giải pháp một thời gian để họ được tăng lực, nghĩa là tạo cơ chế, chính sách để họ thoát dần nhóm nghèo chứ không phải là trợ cấp.
* Bà vừa nói trong giai đoạn tới sẽ nâng cao tính chủ động của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta vừa có câu chuyện xóa nghèo ở 62 huyện nghèo nhất nước, khi Chính phủ giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế thì không ít tập đoàn than phiền về việc này, làm sao để họ chủ động tham gia?
- Lâu nay mình thường có thói quen là huy động và nhiều khi giao phó cho một số công ty, tập đoàn hỗ trợ trực tiếp người dân. Về lâu dài mục đích của doanh nghiệp là kinh doanh, vì lợi nhuận chứ không thể buộc họ thực hiện trách nhiệm xã hội theo kiểu đó được.
Ở nhiều nước, người ta dùng cơ chế thuế để khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo, chẳng hạn doanh nghiệp xây nhà cho người thu nhập thấp thì phần họ hỗ trợ người nghèo sẽ là phần thu nhập không bị đóng thuế. Hoặc là nhà nước dùng biện pháp gián tiếp, nghĩa là không đưa tiền trực tiếp cho người nghèo mà thông qua doanh nghiệp tạo việc làm cho người nghèo, sau đó bù lương cho doanh nghiệp trả cho người lao động.
Nghĩa là nhà nước không trợ cấp để người nghèo ngồi chơi mà thông qua hỗ trợ việc làm. Nhiều nước cũng hỗ trợ người nghèo bằng cách thành lập các doanh nghiệp công ích, chẳng hạn như việc làm sạch đường phố, xây dựng thủy lợi nhỏ... có thể sử dụng được lao động nghèo.
Phóng to |
* Mới đây lạm phát cao, Chính phủ cho điều chỉnh giá xăng, giá điện thì có gói hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, vấn đề này có nằm trong chiến lược?
- Cái này không nằm trong nội dung chiến lược mà nằm trong nhóm giải pháp cấp bách. Ở đây cần phải hiểu rõ có hai loại cứu trợ: một là cứu trợ thường xuyên, hai là cứu trợ đột xuất. Chẳng hạn như với người khuyết tật, người già neo đơn... là đối tượng được trợ cấp thường xuyên thì cứ trong nhóm đó là được hưởng, còn việc hỗ trợ tiền điện như vừa rồi là nằm trong nhóm cứu trợ đột xuất.
* Theo bà, ngoài hỗ trợ tiền điện, cần hỗ trợ người dân những gì để họ vượt qua thời điểm khó khăn này?
- Một số nước hỗ trợ lương thực thực phẩm. Ở VN ta cũng đã và đang thực hiện hỗ trợ trực tiếp thông qua các điểm bình ổn giá. Trong lúc lạm phát nhiều nước tăng hỗ trợ lương thực, thực phẩm vì không phải cứ bơm tiền vào lưu thông là hỗ trợ, là kích thích được sản xuất. Các nước cũng hay trợ cấp, hỗ trợ người có thu nhập thấp một khoản tiền để bù vào lạm phát giúp họ vượt qua thời khó khăn.
Việc hỗ trợ tiền cũng chỉ là giải pháp gián tiếp, còn trực tiếp phải hỗ trợ làm sao để người ta có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Theo tôi, về lâu dài VN nên hỗ trợ việc làm vì như thế vừa kích thích sản xuất lại giảm được lạm phát bền vững hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận