19/03/2011 07:23 GMT+7

Cùng hướng về nhau

LAN PHƯƠNG (từ Tokyo)
LAN PHƯƠNG (từ Tokyo)

TT - Ngày 18-3, phóng viên Lan Phương của Tuổi Trẻ đã có mặt tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và gửi về bài tường trình cuộc sống ở đây sau những ngày xảy ra thảm họa. Tokyo trở lại như mọi ngày. Hệ thống xe điện ngầm chạy bình thường. Người dân vội vàng với công việc. Thành phố vẫn yên tĩnh khi những nhánh hoa anh đào chúm chím nụ đầu xuân.

y12ezlhw.jpgPhóng to
Bữa ăn tối thân mật giữa các nhà sư Nhật Bản và những người lao động, sinh viên Việt Nam từ Fukushima về lánh nạn tại chùa Nissinkutsu sau thảm họa động đất - Ảnh: Lan Phương
H2ikVWUK.jpgPhóng to
Anh Lê Quang Dũng (trái) cùng các lao động, sinh viên Việt Nam thoát chết từ sóng thần, động đất về lánh nạn tại chùa Nissinkutsu - Ảnh: Lan Phương
XfEolHM5.jpgPhóng to
PV Lan Phương (trái)
My704P24.jpgPhóng to

Anh Fujita Takaya, nhân viên một công ty xây dựng, đứng tại nhà ga Tokyo giữa trưa kêu gọi mọi người hỗ trợ các nạn nhân sóng thần và động đất ở tỉnh Sendai - Ảnh: Lan Phương

Rưng rưng nhưng không than thở

Ngay bên ngoài nhà ga Gaienmae ở Tokyo, anh Fujita Takaya đã ngừng công việc để cầm tấm bảng kêu gọi sự giúp đỡ. Chiếc thùng bên cạnh anh dần đầy lên. Anh Fujita cúi rạp mình cảm ơn từng người.

Tấm bảng anh cầm trên tay ghi rõ: “Sữa bột, khăn, chăn bông - nếu bạn có thể xin hãy ủng hộ để giúp những gia đình có trẻ em, trẻ sơ sinh trong trận động đất ở Tohoku vừa qua. Khăn sẽ được dùng làm tã lót cho trẻ em nên xin hãy giúp khăn sạch”.

Anh Fujita nói: “Thời tiết ở Tohoku đang khắc nghiệt. Những gia đình có con nhỏ rất khó khăn nên tôi đi xin giấy phép làm việc quyên góp này cho họ”. Anh đã quyên góp được hai ngày và nhiều người đã đem những tấm khăn gấp gọn hết sức chỉn chu đến đặt vào thùng quyên góp. Theo anh Fujita: “Năm 1991, tại Kobe có một trận động đất và nhà tôi ở trong thảm họa này. Lúc đó đã có nhiều người khác giúp tôi”.

Giữa buổi trưa gió lạnh buốt và nắng chói chang ở Tokyo, người đàn ông ấy vẫn chăm chỉ cúi rạp mình khi thấy những tấm khăn bông được xếp đầy thêm dưới chân mình.

Anh Lê Quang Dũng, nghiên cứu sinh của Trường đại học Tổng hợp Tokyo - người vừa thoát khỏi cơn sóng thần ngay trung tâm thảm họa ở Otsuchi, tỉnh Iwate, xúc động kể về những tấm lòng người Nhật dành cho nhau. Điều anh nhớ nhất không phải chỉ là hình ảnh TP bị quét sạch trơn khỏi sóng thần mà còn là câu chuyện của những người Nhật sống xung quanh mình. Anh kể: “Khi trở về, tôi thấy mọi người nắm tay nhau, vỗ vai nhau, nói những lời động viên cho người khác vượt qua. Ai cũng rưng rưng nhưng không ai than thở”.

Cũng trong những ngày đen tối sau cơn sóng thần 11-3, người dân trên lưng chừng ngọn núi ở Otsuchi đã đem hết thực phẩm còn lại của gia đình mình nấu bữa ăn và mời những người sống sót đang gặp khó khăn ngay gần nơi mình ở. Miếng ăn trong cơn thảm họa là tình nghĩa sâu đậm nhất mà người Nhật dành cho nhau.

Và bữa ăn Việt ấm áp

Chùa Nissinkutsu, một ngôi chùa nhỏ ở trung tâm Tokyo, vài ngày trước là nơi đón tất cả người tị nạn thảm họa mà Đại sứ quán Việt Nam đưa về Tokyo. Ngôi chùa có ngày nhận đến 83 người tá túc.

Anh Trần Viết Thành, nghiên cứu sinh ở Đại học Tokyo, đã cùng bạn bè tổ chức một mạng lưới nhỏ, cùng nhau hành động giúp đỡ những người Việt bơ vơ khi về lánh nạn tại đây. Với một lời kêu gọi đơn giản trên Facebook, nhiều bạn bè đã chuyển đến thức ăn, gạo, tiền... phụ với chùa chăm sóc người lánh nạn.

Anh Thành cười: “Có rất nhiều nhóm tình nguyện ở đây cũng đang đón người Việt về. Mọi người cùng hành động để giúp đỡ, không phải chỉ có nhóm chúng tôi đâu”.

Cùng với những người lánh nạn từ Fukushima (khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang gặp sự cố), chị Nguyễn Thị Kim Luông, một người lao động ở đây, đã kể lại: “Từ đêm 11-3, không ai trong phòng tôi ngủ được cả. Đất rung lắc cả chiếc giường, sợ lắm. Mãi đến hôm về đây tôi mới ngủ được chút ít. Tôi cũng muốn về Việt Nam lắm, nhớ nhà và sợ lắm. Nhưng thời gian làm việc còn, về sớm thì đâu dành dụm được chút tiền nào”.

Cùng với chị Luông, 12 người bạn khác của chị đang phải tìm những nơi an toàn để lánh nạn. Cuộc sống của họ thật sự bị đảo lộn và quá nhiều lo lắng.

Anh Lê Quang Dũng nói: “Tôi rất trân trọng những gì người Nhật giúp đỡ người khác, thật chân thành. Tôi cũng đã nhận được những giúp đỡ đó khi đi ra từ vùng bị sóng thần. Tôi có nhiệm vụ đền đáp điều đó với những người khác”.

Ngoài sự giúp đỡ của nhà sư trụ trì Yoshimizu Daichi và sư cô Thích Nữ Tâm Trí, anh Dũng, anh Thành... để những người về Tokyo lánh nạn có được giờ phút bình an, anh Phan Văn Minh Đức (người Nhật, tên Nhật là Suzuki Tokuo) đã tình nguyện theo những người tị nạn từ Sendai về chùa để săn sóc họ.

Anh Đức cho biết: “Cả gia đình, nhà hàng, tài sản của tôi ở trung tâm Sendai vẫn nguyên vẹn nhưng tôi tình nguyện đi theo giúp đỡ họ được cái gì thì giúp”. Anh không nề hà nguy hiểm theo xe của đoàn người Việt Nam từ Sendai về Tokyo chỉ để... nấu cho họ ăn.

Là chủ nhà hàng và giỏi nấu ăn, từ ngày đến chùa, anh quán xuyến hoàn toàn công việc bếp núc và lo lắng bữa ăn của từng người đến trước, đến sau.

Bữa ăn tối của chùa rộ lên tiếng cười của du học sinh, người lao động, sư cô Tâm Trí háo hức kể về những người đã về Việt Nam được trong mấy ngày vừa qua.

Trong bức thư nhà chùa gửi đến mọi người, sư cô Tâm Trí viết: “Trường hợp có gì xảy ra hãy cố trấn an tinh thần, đè nén nỗi lo, mỗi người tự bản thân chúng ta lo cho chúng ta trước, để sẵn trong balô nhỏ giấy tờ tùy thân, chai nước, bánh ngọt... Nếu ai có ở gần chùa tại Shibakoen nên đến chùa tránh nạn nhé”.

Lời thư như đã hiện diện trong bữa tối đầm ấm, với bát cơm ngon do người từ thiện đóng góp, món ăn lành do một đầu bếp nhà hàng đảm nhiệm. Những người tình nguyện ngồi bên nhau nghe câu chuyện của chính những người mình vừa giúp đỡ trong cơn bơ vơ giữa thảm họa ngặt nghèo...

Ở nơi này, thảm họa đã xảy ra. Và tâm hồn người đã lấp đầy những vết thương đau đớn...

LAN PHƯƠNG (từ Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên