17/03/2011 06:24 GMT+7

Tây nguyên hạn nặng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Liên tục trong những tháng qua, nhiều khu vực tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... hoàn toàn không có mưa, khiến mùa khô ở Tây nguyên trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Read this on Tuoitrenews.vn

5d4Y18Cp.jpgPhóng to
Người dân ở phường Ngô Mây, TP Kon Tum phải bơm nước để cứu lúa - Ảnh: Thái Bá Dũng

Chưa bước vào cao điểm mùa khô nhưng tình trạng thiếu nước và hạn hán cục bộ đã xảy ra ở các tỉnh Tây nguyên. Liên tục nhiều tháng qua, nhiều khu vực tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông không có mưa khiến mùa khô trở nên khốc liệt hơn.

Ông Phạm Vũ Tuấn, trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên (đặt tại TP Pleiku), nhận định: mùa khô năm nay có thể diễn biến phức tạp hơn do lượng mưa trung bình năm của năm 2010 thấp.

Cũng theo ông Tuấn, trong vài tuần qua một số địa phương tại các tỉnh Tây nguyên như M’Đrắk (Đắk Lắk), TP Kon Tum, một số huyện của tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa dông, có nơi lượng mưa đo được đạt mức 20mm nhưng chưa thấm tháp vào đâu so với tình hình khô hạn hiện tại.

Đang là cao điểm mùa tưới cà phê, mưa nhỏ khiến nhiều chủ trang trại cà phê phải “tưới đuổi” để đủ lượng nước cho hoa cà phê đậu quả.

ZlwElYFZ.jpgPhóng to
Người dân xã Ia Tiêm (Chư Sê, Gia Lai) đào giếng giữa hồ kiếm nước cứu cà phê - Ảnh: T.B.D.

Lúa mất trắng

Tại thôn 3, xã Ea Trul (Krông Bông, Đắk Lắk), những cánh đồng lúa mới chỉ cao tầm một gang tay đã chết khô dưới nắng. Người dân bất đắc dĩ phải ra đồng thu hoạch sớm số diện tích lúa này về làm thức ăn cho trâu bò.

Bà Lê Thị Mậu, người dân thôn 3, cho biết hiện tại gần 13ha trên cánh đồng tại thôn 3 đều mất trắng vì hạn hán, nhiều tháng nay không mưa nên các đập thủy lợi phía trên cao cũng ít nước hẳn.

200 giếng nước sinh hoạt khô cạn

Ông Trần Văn Hữu, phó chủ tịch UBND xã Sa Bình (huyện Sa Thầy, Kon Tum), cho biết nắng hạn đã khiến 220 giếng nước của người dân trong xã bị cạn kiệt, nhiều tuần nay họ phải san sẻ cho nhau từng xô nước để dùng.

Tại cánh đồng xã Ea Trul, hồ thủy lợi Ea Duê với dung tích chứa khá lớn là nơi cung cấp nguồn nước chính cho các cánh đồng phía dưới nhưng hiện tại mực nước đã xuống rất thấp.

Người đàn ông được giao nhiệm vụ quản lý hồ Ea Duê cho biết do lượng nước xuống thấp nên giờ đây phải ưu tiên tưới những diện tích lúa còn có khả năng thu hoạch được, số diện tích đã trổ bông hoặc ở xa, đã khô héo thì đành chịu mất trắng.

Tình trạng hạn hán cũng xảy ra khá nghiêm trọng tại huyện Lắk (Đắk Lắk). Cánh đồng rộng hàng trăm hecta trên đường vào trung tâm huyện Lắk mấy tháng qua bị bỏ hoang hóa do không có nước tưới. Một số người dân tiếc đất bỏ hoang đã ra cày bừa để gieo cấy nhưng giờ đây lúa cũng chết khô.

Tại các huyện Cư Kuin, Cư M’Gar... nông dân đang túc trực để tưới cà phê. Anh Trương Công Huyền (tổ dân phố 9, TP Buôn Ma Thuột), cho biết dù mới tưới được hai đợt nhưng hiện tại hồ chứa nước tự nhiên của một nhóm người dân trồng cà phê tại thôn 9 đã gần cạn.

Tại xã Ea Tul (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk), hầu hết gia đình đang phải túc trực, bỏ thời gian và chi phí đào giếng do các giếng tưới đã cạn kiệt.

Anh Y Ka, chủ trang trại cà phê tại buôn Tul, xã Ea Tul, cho biết những năm trước giếng nước sâu 25m đặt trong rẫy cà phê của anh không lúc nào cạn nhưng năm nay phải đào thêm giếng mới. Giếng cũ phải túc trực chờ nước để tưới, cứ đợi khoảng ba giờ thì mở máy hút nước lên một lần, mỗi lần như vậy chỉ tưới được khoảng 30 phút là giếng lại cạn.

Tại tỉnh Kon Tum, hạn hán làm nhiều hệ thống sông suối và ao hồ cạn kiệt nước. Các cánh đồng lúa mới chỉ cao nửa gang tay ở TP Kon Tum, huyện Sa Thầy... chết khô vì hạn. Trên các thửa ruộng này, những vết nứt nẻ chân chim hiện ra dày đặc.

Ông A Ngấu (người dân thôn Plei Klack, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) nói nhiều tuần qua ông và một số người trực ở trạm bơm để hút nước cứu lúa cánh đồng phía dưới nhưng giờ đây hồ đã cạn kiệt, trong khi nắng hạn tiếp tục kéo dài khiến nguồn nước được bơm lên không thấm vào đâu. Hồ cạn, ông và con rể cùng nhau xuống vây lưới bắt cá.

ZK0b5Dtl.jpgPhóng to

Thợ đào giếng ở độ sâu hàng chục mét kiếm nước - Ảnh: T.B.D.

Đào giếng cứu cà phê

Những ngày đi dọc các huyện đang chịu hạn nặng tại tỉnh Gia Lai, đến đâu cũng bắt gặp cảnh người dân chạy xe công nông chở theo máy tời, những đống vòi hút chất thành từng cuộn lớn để đi cứu cà phê. Tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê), hầu hết nương rẫy cà phê đang khô khát.

Ông Phạm Vũ, thôn Thống Nhất, cho biết hạn hán xảy ra từ đầu mùa đến nay đã khiến gia đình ông phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đào giếng. Mặc dù giếng đã khoan sâu tới 28m, mất tám ngày ròng rã và chi phí đội lên gần 30 triệu đồng nhưng vẫn chưa thấy nước.

Hôm chúng tôi đến, một tốp thợ đào giếng gồm bốn người đang hì hục dưới đáy sâu, dùng máy khoan thủy lực để khoan đá tìm mạch nước.

Nhiều gia đình thuê thợ đào được giếng sâu 20-30m nhưng gặp đá cứng phải dùng mìn phá đá vẫn không tìm thấy nước.

Đứng bên chiếc máy hút đã bị đập vỡ đầu, vỏ bị cắt thủng và giàn bơm bị đập nát, ông Hoàng Công Xá và vợ là Nguyễn Thị Hương (thôn An Lộc) chỉ biết nói trong tiếc nuối: “Nghĩ là nước ở dưới suối chảy dư thừa nên hôm đó tôi kéo vòi rồng xuống hút nước lên tưới lô cà phê ở cạnh nhà, ai ngờ mấy người trong thôn không cho, rồi tôi và họ xảy ra xô xát. Họ kéo vào nhà tôi đập vỡ hết máy, còn lật cả máy hút xuống ruộng. Cũng may tôi chạy kịp chứ không biết giờ sẽ thế nào”.

Ông Phạm Xuân Vịnh, trưởng Công an xã Ia Tiêm, cho biết từ đầu mùa khô đến nay đã có ba vụ xô xát chỉ vì lý do tranh giành nước tưới.

Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh này hiện có 643 hồ đập thủy lợi với dung tích chứa khoảng 500 triệu m3 nước. Trữ lượng nước chứa này chỉ đủ cung cấp cho gần 50% nhu cầu tưới cây trồng vào mùa khô hằng năm, chủ yếu là cà phê và lúa nước.

Với mùa khô năm nay, cơ quan trên cho hay mực nước chứa trong các hồ đập sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 60% so với dung tích thiết kế.

Ông Phạm Tiến Sang, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, cho biết ba công trình thủy lợi lớn nhất ở đây đã kiệt nước. Đó là công trình Krông Buk Hạ (huyện Krông Buk), hồ Buôn Tría (huyện Lắk) và Ea Bông (huyện Krông Bông) đến thời điểm hiện nay đã mất khả năng cung cấp nước tưới cho hơn 3.000ha cà phê và gần 700ha lúa nước của người dân trong vùng.

Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, đến nay có gần 5.000ha các loại cây trồng, chủ yếu là cà phê và lúa, đang bị khô hạn.

Sở Tài nguyên - môi trường Đắk Lắk và Liên đoàn Địa chất miền Trung - Tây nguyên cũng cho biết mực nước ngầm trong chu kỳ khô hạn năm nay tiếp tục sụt giảm so với các năm trước 4-5m.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên