28/02/2011 09:03 GMT+7

Nên phát phiếu mua hàng cho hộ nghèo

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - "Nếu doanh nghiệp tự bỏ tiền bình ổn giá thì khuyến khích, còn chính sách hỗ trợ có thể thông qua hình thức phát phiếu mua hàng cho các hộ nghèo. Đây là cách thức phổ biến của nhiều nước trên thế giới".

Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh đã có nhiều công trình nghiên cứu về lạm phát và chính sách tỉ giá... Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ mới ban hành, ông Minh nói chính sách hỗ trợ có thể thông qua hình thức phát phiếu mua hàng cho các hộ nghèo. Ông cũng cho rằng để kiềm chế lạm phát thì không nên tăng thu nhiều mà nên tập trung cắt giảm chi tiêu của khu vực nhà nước.

JlZquVxA.jpgPhóng to
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương phải tập trung quản lý không để đầu cơ đẩy giá, nhất là lương thực thực phẩm, sữa... - Ảnh: N.C.T.
smNPl405.jpgPhóng to
Ảnh: V.Dũng

Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh nói:

- Nghị quyết của Chính phủ có đề cập nội dung phấn đấu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua (kế hoạch là 5%). Nếu tăng thu ngân sách 8% so với kế hoạch 5%, nghĩa là thêm 3% thì mức bội chi đã hạ xuống đáng kể dù không cần giảm chi. Vấn đề là gánh nặng tăng thu sẽ phải san sẻ lên vai của doanh nghiệp và người dân vốn đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao. Do vậy, để kiềm chế lạm phát thì không nên tăng thu nhiều mà nên tập trung cắt giảm chi tiêu của khu vực nhà nước.

Cải thiện năng suất lao động

Ông Đinh Tuấn Minh, 37 tuổi, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR); tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế công nghệ tại Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan năm 25 tuổi; đang trong giai đoạn hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế tại Viện MERIT, Đại học Maastricht, Hà Lan; chuyên gia kinh tế về tổ chức ngành và kinh tế học thể chế; từng tham gia nhóm tư vấn chính sách của Bộ Tài chính.

* Ngoại trừ năm 2009 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức không quá cao (6,88%) phần lớn nhờ vào sự suy giảm của tổng cầu cộng với sự rớt giá nguyên nhiên liệu đầu vào do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những năm gần đây CPI luôn vượt xa mục tiêu đề ra (ví dụ năm 2008 CPI tăng gần 20%, chỉ tiêu là 7%; năm 2010 CPI tăng gần 12%, chỉ tiêu là 7%). Như vậy lạm phát cao là vấn đề lặp lại nhiều năm nay và cần được giải quyết căn cơ hơn?

- Trong ngắn hạn thì giảm cung tiền bằng cách thắt chặt tín dụng và chính sách tài khóa là rất quan trọng để kiềm chế lạm phát, tuy nhiên chúng ta cần có cái nhìn dài hạn cho năm 2012 và các năm tiếp theo. Ví dụ nếu chống lạm phát thành công thì đến cuối năm 2011 chúng ta sẽ tính bài toán tăng trưởng tiếp theo như thế nào để có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo việc làm, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa so với nhiều nước trong khu vực.

Một mặt không thể chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mặt khác cần tránh quan niệm sai lầm cho rằng để đạt tăng trưởng kinh tế cao thì buộc phải chấp nhận lạm phát cao. Thực tế cho thấy các nền kinh tế, ví dụ như Hàn Quốc, có thể duy trì tốc độ phát triển cao mà không phải đối mặt với sự tăng giá nếu liên tục cải thiện được năng suất lao động.

Trong khi đó, ở nước ta động lực của tăng trưởng kinh tế hiện tại không còn mạnh như trước. Cụ thể theo số liệu chính thức của Bộ Kế hoạch - đầu tư, 65% tăng trưởng của nước ta là nhờ gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội, năng suất lao động tổng hợp chỉ góp khoảng 25%. Điều đáng chú ý là năng suất lao động của công nghiệp, dịch vụ còn thấp và tăng lên không nhiều, không thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động so với nhiều nước trên thế giới (theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam của giáo sư Michel Porter công bố cuối năm 2010, năng suất lao động nước ta chỉ bằng 52,6% so với Trung Quốc, bằng 14,9% so với Singapore và bằng 9% so với Hoa Kỳ).

Phần lớn GDP vẫn chủ yếu dựa vào các ngành khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp chế tài mang hình thức gia công sử dụng nhân công chi phí thấp và dịch vụ phục vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Vấn đề là nếu không thật sự cải thiện được năng suất lao động, chúng ta buộc phải tiếp tục tăng trưởng chủ yếu bằng tăng vốn, nghĩa là tiếp tục duy trì tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ở mức cao (trên 40% GDP), nới lỏng tín dụng và tăng đầu tư công... Như vậy vòng xoáy lạm phát sẽ lập tức trở lại và dĩ nhiên vòng sau sẽ nặng nề hơn vòng trước.

* Theo ông, cần làm gì để cải thiện được năng suất lao động của nền kinh tế?

- Trước hết cần cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. Vì khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay nắm phần lớn nguồn lực của đất nước (tài nguyên, vốn...) và chi phối nhiều ngành kinh tế chính.

Không thể cùng lúc trông coi quá nhiều doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nên tập trung nắm giữ một vài tập đoàn kinh tế lớn để đủ sức giám sát thường xuyên cũng như tái cơ cấu các tập đoàn này nhằm nâng cao chất lượng quản trị, đổi mới và cải tiến công nghệ để tăng năng suất lao động... Những thay đổi về cơ cấu sở hữu, phát triển công nghệ và giáo dục là những lựa chọn cần thiết để đảm bảo quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế diễn ra một cách tối ưu.

Hỗ trợ trực tiếp người nghèo

* Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu thông qua việc kiềm chế lạm phát có hiệu quả sẽ nâng cao niềm tin của người dân vào đồng nội tệ?

- Chúng tôi cũng cho rằng duy trì lạm phát thấp, bình ổn tỉ giá và quyết tâm phát triển kinh tế bằng cải thiện năng suất lao động sẽ giúp nâng cao giá trị và mức hấp dẫn của VND. Thực tế thời gian qua cho thấy lạm phát cao cùng với việc nhiều lần điều chỉnh tỉ giá khiến người dân không yên tâm nắm giữ VND, đồng tiền không chạy đúng vào các khu vực sản xuất mà chạy lòng vòng sang vàng, USD... chủ yếu để đầu cơ.

Với các điều kiện hiện nay, Việt Nam nên chuyển đổi mạnh sang cơ chế tỉ giá thả nổi có quản lý tương tự nhiều nước trong khu vực. Trên thị trường ngoại hối, niềm tin và tâm lý rất quan trọng cho việc ổn định tỉ giá. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên công khai thường kỳ chính sách điều chỉnh tỉ giá của mình cho công chúng, tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong điều hành tỉ giá. Đồng thời việc điều chỉnh tỉ giá phải đi kèm với kiểm soát lạm phát có hiệu quả, nếu không sẽ sa vào vòng xoáy điều chỉnh tỉ giá - lạm phát - điều chỉnh tỉ giá.

* Nghị quyết của Chính phủ cũng đề cập vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, điều chỉnh giá điện, giá xăng gắn với hỗ trợ hộ nghèo?

- Nên áp dụng các cơ chế hỗ trợ trực tiếp người nghèo thay vì gián tiếp như lâu nay vẫn áp dụng. Ví dụ, Nhà nước không nên dùng ngân sách để phân bổ cho doanh nghiệp lập các điểm bình ổn giá. Nếu doanh nghiệp tự bỏ tiền bình ổn giá thì khuyến khích, còn chính sách hỗ trợ có thể thông qua hình thức phát phiếu mua hàng cho các hộ nghèo. Việc phát các loại phiếu hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chính sách an sinh xã hội là cách thức phổ biến của nhiều nước trên thế giới. Vừa qua cùng với việc tăng giá điện, chúng ta cũng bắt đầu áp dụng hình thức hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 30.000 đồng/tháng, thay vì hỗ trợ đồng loạt 50 kWh như lâu nay.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên