Phóng to |
Ông Bùi Sĩ Lợi - Ảnh: V.V.T. |
* Ông đánh giá thế nào về việc đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) ở nước ta trong thời gian qua?
"Chúng ta phải duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ nào đó thì mới có nguồn lực để thực hiện ASXH, nhưng trong từng giai đoạn phải có mục tiêu ưu tiên và ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nếu chúng ta chống lạm phát có hiệu quả thì đó là một trong những giải pháp hàng đầu để đảm bảo ASXH. Nhiều cử tri nói với tôi rằng chống được lạm phát chính là đảm bảo đời sống cho người dân, chứ còn cứ nâng lương hay nâng chuẩn nghèo mà trượt giá cao quá (giá USD, giá vàng, rồi tới đây là giá điện, giá xăng... đều tăng) thì cũng không đảm bảo được" |
* Diện bao phủ thấp nghĩa là tấm lưới đỡ ASXH hiện nay chưa “quét” hết?
- Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện có bảy yếu tố cơ bản làm người dân có thể cần đến tấm lưới chắn ASXH: thứ nhất là rủi ro bệnh tật, tiếp đến là rủi ro xã hội, thứ ba là vấn đề môi trường, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường đang tác động đến đời sống của người dân ở nhiều nơi, thứ tư là chu kỳ sống (vòng đời), thứ năm là thiên nhiên, nước ta năm nào cũng phải hứng chịu các đợt bão lũ gây ảnh hưởng nặng nề, thứ sáu là rủi ro kinh tế và cuối cùng là các xung đột. Ví dụ về rủi ro bệnh tật, chúng ta có bảo hiểm y tế, dù số đối tượng tham gia tăng nhanh từ 13,4% dân số vào năm 2000 lên khoảng 62% dân số vào năm 2010, nhưng phải đến năm 2014 mới thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân. Nghĩa là hiện nay bảo hiểm y tế chưa “quét” hết.
* Theo ông, cần làm gì để hệ thống ASXH trở thành lưới đỡ an toàn cho mọi người dân?
- Chúng ta phải tập trung xây dựng hệ thống ASXH với ba “chân kiềng”. Đó là chính sách thị trường lao động chủ động, đảm bảo việc làm, giảm thất nghiệp, đặc biệt ưu tiên các dự án hỗ trợ việc làm cho các đối tượng như người nghèo, người mất đất, người khuyết tật; phát triển mạnh và đa dạng hệ thống bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đổi mới chính sách trợ giúp xã hội theo hướng đảm bảo mức trợ cấp hợp lý.
Riêng về hệ thống ASXH với dân cư nông thôn, tôi cho rằng chúng ta cần đặc biệt quan tâm hộ nghèo và cận nghèo. Nhà nước cần nghiên cứu sớm, triển khai trên diện rộng chính sách bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp. Đây sẽ là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần đảm bảo ASXH cho nông dân, sao cho bà con làm hàng nông sản chẳng may gặp thiên tai thì ít nhất cũng bảo toàn được vốn liếng bỏ ra.
Chúng ta phải phấn đấu mười năm tới mọi thành viên trong xã hội đều có mức sống cơ bản trở lên và không bị rơi vào tình trạng bần cùng hóa do tác động tiêu cực của các rủi ro.
* Như vậy cần thiết phải điều chỉnh các mức trợ cấp xã hội dần tiệm cận với mức sống cơ bản?
- Đã đến lúc xác định lại các mức trợ cấp. Chúng ta lấy chuẩn theo cái gì, theo mức sống tối thiểu hay theo mức sống trung bình? Bước đầu nên thực hiện theo mức sống tối thiểu dựa vào chuẩn nghèo mới (400.000 đồng khu vực nông thôn và 500.000 đồng khu vực thành thị), rồi từng bước lấy theo mức sống trung bình của xã hội do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm để điều chỉnh. Ví dụ, lĩnh vực trợ giúp xã hội đặc biệt, năm 2010 chúng ta đã chi 19.000 tỉ đồng cho hơn 1,4 triệu người có công. Đến nay, 95% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn.
* Ông có đề cập bảy yếu tố khiến con người bình thường có thể trở nên yếu thế và cần đến chính sách ASXH. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng chúng ta đang rất thiếu ASXH, người dân ra đường lo lắng đủ thứ như giá cả leo thang, thực phẩm thiếu vệ sinh, “hố tử thần”, nạn “đinh tặc”...?
- Tại nhiều quốc gia, hệ thống ASXH được coi như chiếc nhiệt kế cực kỳ nhạy cảm với thân nhiệt của nền kinh tế. Người ta coi hệ thống ASXH quốc gia chính là sự phúc đáp của nền quản trị đối với các quyền cơ bản, thiết yếu của con người, của công dân, mà ở đó cử tri đánh giá, cảm nhận về sự chăm lo của nhà nước thông qua chính chất lượng cuộc sống của mình. Từ cách tiếp cận như vậy có thể thấy rằng một trong những mục tiêu quan trọng hệ thống ASXH cung cấp cho người dân chính là việc thực thi các cơ chế, chính sách nhằm can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.
* Trong giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến suy giảm kinh tế trong nước, chúng ta có biện pháp cụ thể nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro cho dân?
- Trong tất cả các yếu tố tác động đến con người, rủi ro kinh tế dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập là yếu tố có tác động trực tiếp trên diện rộng. Chính vì lẽ đó mà trong 21 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ hằng năm, luôn có chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng. Năm nay Quốc hội giao Chính phủ điều hành theo định hướng chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Theo đó, Chính phủ sẽ đề ra các giải pháp cụ thể. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh chống lạm phát cũng chính là đảm bảo thu nhập thực tế của người dân, thu nhập của người dân tốt là nền tảng cho các chương trình ASXH.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy khi cuộc sống người lao động thường xuyên bị đe dọa bởi những thiếu thốn do rủi ro kinh tế thì có thể dẫn đến mất ổn định xã hội. Như vậy, chiến lược ASXH cần được thực hiện theo nghĩa rộng, bao gồm một hệ thống chính sách nhằm giảm bớt tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương do mất việc làm, tuổi già, ốm đau...
Ý kiến người dân * Bữa ăn hằng ngày teo tóp dần Anh Nguyễn Phương Cường (làm phụ hồ, thuê trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM): “Trước đây mỗi sáng tôi còn bỏ ra 10.000 đồng để ăn tô cháo lấy sức đi làm, nhưng hai tháng trở lại đây tôi phải ăn cơm nguội vì 10.000 đồng chẳng mua được gì. Những người lao động nghèo như vợ chồng chúng tôi chẳng biết gì về lạm phát, về tỉ giá tăng nhưng cũng nhận thấy bữa ăn hằng ngày cứ teo tóp dần. Đồng lương không tăng nhưng giá cả cứ tăng hằng ngày, người nghèo như chúng tôi chạy ăn từng bữa méo cả mặt”. * Sống trong cảnh hụt trước thiếu sau Anh Trần Văn Luân (tài xế xe buýt số 64 thuộc Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn): “Từ sau Tết Nguyên đán, lương của tôi vẫn 4,3 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả các mặt hàng leo thang từng ngày. Điều này làm cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Trước đây với thu nhập hằng tháng của tôi cộng với gánh hủ tiếu của vợ đủ để lo cho hai con ăn học đầy đủ. Bây giờ mặc dù rất tằn tiện trong chi tiêu nhưng gia đình tôi luôn sống trong cảnh hụt trước thiếu sau. Học phí kỳ tới của các con tôi đến giờ này vẫn chưa biết kiếm đâu ra. Giá cả tăng đang làm những thói quen chi tiêu của tôi và gia đình phải khác trước”. * Lương tăng ít, giá tăng nhiều Anh Phan Văn Quang (công nhân KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TP.HCM): “Từ sau tết, giá cả thứ gì cũng tăng làm anh em công nhân chúng tôi khá lo lắng. Ngoài chợ mặt hàng gì cũng tăng: rau xanh, gạo rồi đến gas, chai nước giải khát đều đồng loạt tăng giá. Mới đây công nhân của công ty đã đình công đòi tăng lương nên công ty cũng dựa vào thâm niên để tăng lương. Tuy nhiên, lương chưa tăng được bao nhiêu thì giá cả ở ngoài đã tăng chóng mặt”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận