Đến 12g20, các thợ lặn hoàn thành việc cột dây cáp vào tàu để nâng tàu lên khỏi mặt nước. Đến 13g, tàu Trường Hải 06 đã nhô lên khỏi mặt nước, lực lượng cứu hộ tiếp tục nâng tàu lên và dùng tàu kéo dẫn tàu về hướng hòn Náp (gần đảo Ti Tốp, cách nơi tàu đắm gần 400m). Đến 14g, toàn bộ tầng một của tàu đã nổi lên.
20 phút sau tàu Trường Hải 06 đã nổi được một nửa trong tình trạng bị vỡ nhiều cửa kính, hành lý của hành khách, bàn ghế trên tàu ngổn ngang.
Đến 16g, 2/3 thân tàu bị nạn nổi lên mặt nước và được kéo về cách hòn Náp gần 300m. Trong quá trình trục vớt tàu, cơ quan chức năng đã thu được nhiều balô hành lý, giày dép, quần áo và vật dụng cá nhân, giấy tờ tùy thân của hành khách trên tàu và tiến hành thống kê, niêm phong.
Chìm tàu ở Hạ Long: đã vớt được 12 thi thểChìm tàu du lịch, 12 du khách thiệt mạng
Đến 16g20, công việc trục vớt tàu tạm dừng do nước cạn chưa thể kéo tàu vào đảo. Việc trục vớt tiếp tục lúc 6g sáng 19-2 và dự kiến 11g sẽ đưa tàu vào bờ, hút cạn nước để cơ quan công an khám nghiệm, điều tra. Có mặt tại hiện trường, đại tá Nhâm Ngọc Tám, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết việc khám nghiệm tàu sẽ là một phần căn cứ quan trọng để xác định vụ đắm tàu do yếu tố khách quan hay chủ quan.
Chiều tối 18-2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp đại sứ quán các nước có người bị nạn đưa tất cả người được cứu sống trong vụ đắm tàu về Hà Nội. Đến chiều qua đã có sáu thi thể người nước ngoài được bàn giao cho đại sứ quán các nước liên quan.
Riêng thi thể của bốn nạn nhân (hai người Thụy Điển, một người Nhật Bản và một người Anh), ông Đặng Huy Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết do đại sứ quán các nước thông báo thân nhân của bốn trường hợp này muốn tới nhận trực tiếp nên đang chờ bàn giao.
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định hỗ trợ các nạn nhân người nước ngoài sống sót sau vụ tai nạn 10 triệu đồng/người và chi phí ăn ở, điều trị trong thời gian chờ làm thủ tục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đối với người chết, hỗ trợ 20 triệu đồng/người. Đối với người Việt Nam trong vụ tai nạn thì hỗ trợ theo mức quy định tại quyết định mức trợ cấp, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và mức chi cho công tác chi trả, quản lý đối tượng trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Quảng Ninh.
“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là sẽ xử lý nghiêm túc, khách quan đối với những cá nhân để xảy ra vụ tai nạn đắm tàu. Việc xử lý sẽ không có ngoại lệ” - ông Đặng Huy Hậu khẳng định như vậy khi nói về quan điểm của tỉnh trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến vụ đắm tàu Trường Hải 06.
Ông Hậu cho biết UBND tỉnh chỉ ra quyết định đình chỉ các hoạt động của Công ty TNHH Trường Hải từ ngày 18-2, trong thời gian các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục hậu quả, làm rõ nguyên nhân vụ đắm tàu.
Ông NGUYỄN QUÝ PHƯƠNG (phó vụ trưởng phụ trách Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch): Tạm dừng tour nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long Vụ tàu du lịch gặp nạn khiến 12 người chết là tai nạn lớn nhất của ngành du lịch từ trước đến nay. Đây là một bài học đau lòng cho ngành du lịch và đặt ra nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Tàu gặp nạn khi xuất bến có đầy đủ giấy tờ theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh và ban quản lý vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, thực tế các quy định về tàu dịch vụ hoạt động và lưu trú qua đêm trên vịnh vẫn chỉ là quy định của địa phương. Sắp tới ngành du lịch sẽ phải siết chặt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xếp hạng phương tiện lưu hành trên vịnh. Các hoạt động tham quan nghỉ đêm trên vịnh sẽ bị tạm dừng. Chúng tôi cũng đã yêu cầu công ty lữ hành tổ chức tour đi vịnh Hạ Long cho 12 du khách bị nạn nhanh chóng tiến hành làm hồ sơ bảo hiểm cho các nạn nhân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận