17/02/2011 08:22 GMT+7

Chẻ hai nhánh đường là không khoa học

Nhóm PV
Nhóm PV

TT - Ngay khi báo chí thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (TP.HCM), ngày 16-2 báo Tuổi Trẻ đã đến gặp lãnh đạo UBND TP.HCM để làm rõ thêm một số thông tin liên quan đến kết luận này.

pNTxU7or.jpgPhóng to
Giải tỏa khu vực nằm trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (tháng 3-2010) - Ảnh: M.ĐỨC

Theo thông tin chúng tôi nắm được, chiều cùng ngày lãnh đạo UBND TP đã họp cùng các sở, ngành để nghe báo cáo tiến độ của một số dự án trọng điểm, trong đó có dự án nêu trên. Lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo một số sở ngành làm văn bản có ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài vốn có nhiều phản ảnh, khiếu nại, tố cáo, nay đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, báo cáo Thủ tướng xem xét.

Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), do Công ty Kỹ thuật xây dựng GS Engineering & Construction (GS E&C) Hàn Quốc thực hiện và hoàn vốn bằng việc UBND TP cho nhà đầu tư thuê năm khu đất để đầu tư.

Quá trình thực hiện dự án trên, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo như UBND TP phê duyệt quy hoạch phương án tuyến xây dựng tuyến đường nói trên trái với phê duyệt của Thủ tướng.

Nội dung tố cáo cho rằng điều này làm nhà đất của nhiều hộ dân không nằm trong quy hoạch làm đường nay bị giải tỏa thu hồi đất, gây thiệt hại cho công dân; việc quản lý đất đai có nhiều sai phạm, để nhiều hộ dân xây dựng nhà trái phép trong phạm vi quy hoạch tuyến đường đã được Thủ tướng phê duyệt; UBND TP tự ý điều chỉnh, chẻ đôi tuyến đường... Riêng việc ký hợp đồng BT về dự án trên, nội dung tố cáo cho rằng việc này thực hiện không minh bạch khiến ngân sách bị thiệt hại.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nội dung tố cáo về điều chỉnh phương án tuyến của tuyến đường là có cơ sở. Việc UBND TP ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch phương án tuyến vào tháng 7-2005 có nhiều sai sót, không phù hợp với quy hoạch của chính UBND TP đã phê duyệt trước đó cũng như phương án tuyến trong dự án tiền khả thi đã được Thủ tướng chấp thuận. Khi ban hành quyết định điều chỉnh, UBND TP không xin ý kiến Thủ tướng, không lấy ý kiến của dân..., mà chỉ căn cứ vào đề xuất của Công ty GS E&C là không thực hiện đúng quy trình, thủ tục.

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng các giải trình của UBND TP về việc chẻ đôi một đoạn của tuyến đường thành hai nhánh (mỗi nhánh 20m, thay vì theo phê duyệt chỉ một tuyến 60m) còn mang nặng tính chủ quan, không có cơ sở khoa học...

Riêng việc ký hợp đồng BT giữa UBND TP và nhà đầu tư đổi năm “khu đất vàng” để lấy con đường là không minh bạch... Thanh tra Chính phủ đã xác minh, kết luận UBND TP cho Công ty GS E&C thuê năm khu đất không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tự định giá hai khu đất cho thuê, không căn cứ vào ý kiến tham mưu đề xuất của Sở Tài chính TP là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính của nhà nước. Việc định giá các khu đất có nhiều vi phạm, không đúng với chính đề nghị của UBND TP với Thủ tướng nên đã làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và khiến ngân sách nhà nước thiệt hại hơn 44 triệu USD.

* Tháng 8-1997, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài với chiều dài 13,5km, chiều rộng toàn tuyến là 60m.

Hướng tuyến được xác định bắt đầu từ nút giao với đường Trường Sơn (giáp sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình) đi qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), đến cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân (nối với quốc lộ 1A, đường vành đai ngoài của TP.HCM, Q.Thủ Đức).

* Ngày 12-9-1997, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

* Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, người dân khu phố 8, P.2, Q.Tân Bình khiếu nại cho rằng UBND TP tự ý điều chỉnh hướng tuyến con đường không đúng như hướng tuyến đã được Thủ tướng phê duyệt.

* Tháng 7-2005, UBND TP ra quyết định 3585 phê duyệt phương án tuyến của tuyến đường. Theo đó, đoạn nối từ đường Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn được tách thành hai nhánh riêng rẽ, mỗi nhánh rộng 20m, thay vì chỉ một trục 60m như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều này dẫn đến một số hộ vốn nằm ngoài tuyến đường phải bị giải tỏa. Nhiều hộ dân ở Tân Bình đồng loạt khiếu nại, đề nghị UBND TP thực hiện đúng hướng tuyến ban đầu.

* Tháng 11-2007, UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận xóa bỏ hướng tuyến cũ đã duyệt để hợp thức hóa hướng tuyến mới.

* Ngày 5-12-2007, UBND TP ký hợp đồng đầu tư dự án theo hình thức BT với Công ty kỹ thuật và xây dựng GS E&C (Hàn Quốc). Nhà đầu tư được hoàn vốn bằng việc được UBND TP cho thuê năm khu đất khác để đầu tư khu dân cư, thương mại và dịch vụ. Tổng chiều dài dự án theo hợp đồng hơn 13,6km với tổng vốn đầu tư hơn 485,7 triệu USD, 3.854 hộ dân và tổ chức trong phạm vi dự án phải giải tỏa.

* Tháng 5-2010, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra làm rõ nội dung tố cáo và khiếu nại của người dân liên quan đến việc thực hiện dự án này.

Vì sao phải đổi hướng tuyến?

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND TP ký quyết định 3585 ngày 19-7-2005 điều chỉnh hướng tuyến của dự án rồi hai năm sau mới có văn bản xin ý kiến Thủ tướng là sai sót và là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ ngày 11-8-2009, ông Trần Quang Phượng - ủy viên UBND TP, giám đốc Sở Giao thông vận tải - đã cho rằng dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư từ năm 1997 nên khi triển khai phải xem xét điều kiện thực tế và có điều chỉnh phù hợp.

“Vấn đề người dân vướng mắc nhiều nhất là tuyến đường vành đai nối dài với đường Bạch Đằng tới vòng xoay Trường Sơn có lộ giới 60m theo bản đồ quy hoạch giao thông được UBND TP duyệt năm 1999 (đi qua tổ dân phố 82, 89, P.2, Q.Tân Bình). Đến khi triển khai dự án này, UBND TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành và các cơ quan chức năng đã thống nhất giảm lộ giới xuống còn 20m để phù hợp với thực tế. Bởi vì giải tỏa lộ giới 60m trên đường Bạch Đằng thì tiền đền bù giải tỏa của toàn dự án sẽ từ khoảng 8.000 tỉ đồng tăng lên 11.000 tỉ đồng” - ông Phượng giải thích.

Ngoài ra, theo ông Phượng, Thủ tướng Chính phủ chỉ cho chủ trương về đầu tư dự án, còn thực hiện dự án các công đoạn chi tiết, UBND TP sẽ báo cáo các bộ để góp ý và tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Trường hợp này sau khi thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng thẩm định, ý kiến về đất đai, môi trường, nguồn vốn, đánh giá về hiệu quả kinh tế... của các bộ khác, sau đó Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1878/TTg-QHQT ngày 30-11-2007 cho phép thực hiện dự án.

* Tin bài liên quan:

Tháng 6-2010: bàn giao mặt bằng dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi: Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo 5 nội dungThanh tra dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình LợiGia hạn lần cuối bàn giao mặt bằng thi côngChưa thông giải thích của UBND TP.HCM VNA: việc thu hồi đất chưa đúng trình tựNgười dân nói gì?Điều chỉnh để giảm giải tỏanhững gút mắc từ tuyến đầuDự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi giải tỏa quá chậmSao không đền bù theo quy định mới?Ba cơ quan của hàng không chưa chịu di dờiBáo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhấtDự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi: Hoàn tất bàn giao mặt bằng cuối tháng 11-2009Bộ Xây dựng không đủ cơ sở giải thích cho dânChưa trả lời thuyết phục về dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài

Nhóm PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên