09/02/2011 07:09 GMT+7

Vụ tàu lửa đâm ôtô: Đèn tín hiệu qua cầu bị hỏng

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Ngày 8-2, đa số nạn nhân trong vụ tai nạn tàu lửa tại cầu Ghềnh được cấp cứu trước đó tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã chuyển viện hoặc về nhà. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng chưa công bố thông tin gì thêm về vụ tai nạn này.

Read this on Tuoitrenews

dlXupmTS.jpgPhóng to
Xe cộ qua lại nườm nượp trên cầu Ghềnh (ảnh chụp ngày 8-2) - Ảnh: HÀ MI

Kể lại vụ tai nạn kinh hoàng, nạn nhân Dương Thành Hiếu (26 tuổi, ngụ Bình Phước) bị gãy tay, xác nhận: “Khi chúng tôi ngồi trên ôtô vào cầu thì hoàn toàn không thấy có rào chắn. Xe đến đoạn giữa cầu đã phải dừng lại do có xe taxi đối đầu. Đã có một cuộc cãi vã, đòi đánh nhau giữa hai tài xế taxi tại lòng đường sắt của cầu Ghềnh”. Anh Hiếu cho biết lúc tài xế hai xe taxi cãi nhau chỉ có một nhân viên đường sắt đi ra can thiệp.

Bị tàu lửa cán chết

Sáng 8-2, tại đoạn đường sắt qua phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã xảy ra vụ tai nạn khiến một người đàn ông tử vong. Theo người dân chứng kiến, nạn nhân khoảng 25-30 tuổi, đang đi bộ qua đường ray và bị tàu SH2 lưu thông theo hướng Nam - Bắc tông thẳng vào người. Theo ông Nguyễn Đức Mân - trưởng Công an phường Hòa Phát, thanh niên này không mang theo giấy tờ tùy thân nên chưa xác định được danh tánh.

Sau tai nạn mới biết đèn tín hiệu trục trặc

Hôm qua, khi trở lại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi thấy có nhân viên gác chắn nghiêm túc. Tuy nhiên lượng xe qua cầu vẫn nườm nượp. Một nhân viên trực gác chắn ở cầu Ghềnh nói: “Đường vào cầu chật hẹp nhưng hằng ngày ôtô vẫn chen chúc nhau để vượt qua đường sắt. Chuyện cãi nhau giữa các tài xế chúng tôi thường chứng kiến”.

Liên quan đến diễn biến vụ tai nạn, ông Trần Hữu Chiến, giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn - quản lý tuyến đường sắt ở Đồng Nai - xác nhận đêm xảy ra tai nạn, cột đèn tín hiệu cho tàu lửa vào cầu Ghềnh bị hư và biên bản hư đèn được lập sau khi xảy ra tai nạn.

Giải thích về cột đèn tín hiệu cho tàu lửa vào cầu, ông Lê Văn Nghĩa, đội trưởng đội quản lý đường sắt Biên Hòa (Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn), cho hay: “Khi đoàn tàu SE2 gây tai nạn mới phát hiện cột đèn tín hiệu bị cháy. Còn cháy lúc nào, cháy bao nhiêu phút trước khi tàu gây tai nạn thì cơ quan điều tra đang làm rõ”.

Ông Nghĩa cũng giải thích cột đèn tín hiệu giao thông qua cầu cách vị trí cầu Ghềnh khoảng 300m. Khi không có chướng ngại vật, nhân viên gác chắn bật màu xanh báo hiệu đoàn tàu được vào. Nếu bật đèn đỏ, lái tàu biết có chướng ngại vật phải cho tàu dừng lại.

Hiện Cơ quan điều tra Công an Đồng Nai cũng đang làm rõ việc cột đèn tín hiệu bị hư, đồng thời phối hợp với ngành đường sắt giải mã hộp đen để xem xét tốc độ, nhận tín hiệu... của đoàn tàu SE2.

Lời cảnh báo cho TP.HCM

Kiến nghị tách đường bộ ra khỏi cầu đường sắt

Ông Phạm Văn Bình - trưởng Ban an toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) - cho biết trong báo cáo gửi Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, Tổng công ty Đường sắt kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương đang tồn tại những cầu sử dụng chung đường sắt và đường bộ cần cấm các phương tiện giao thông đường bộ đi chung. Đối với những cầu chưa cấm được phải tăng cường các lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông để điều tiết hướng dẫn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Công - chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ GTVT - nói nếu tách được phương tiện giao thông đường bộ trên những cây cầu sử dụng chung với đường sắt thì rất tốt. Tuy nhiên, với điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, Bộ GTVT và Chính phủ phải cân đối, dành vốn để xây dựng công trình thay thế trong tương lai gần.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó thường trực Ban An toàn giao thông TP.HCM, tai nạn giao thông ở cầu Ghềnh là lời cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông giữa đường sắt với đường bộ ở TP.HCM. Số lượng ôtô và môtô tại TP ngày càng tăng, trong khi giao cắt giữa đường bộ với đường sắt là giao bằng (không có cầu vượt hoặc hầm chui).

Đặc biệt là ở giao lộ ngã tư Bình Triệu (quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân) có mật độ xe lưu thông rất lớn, kẹt xe thường xuyên và từng xảy ra vụ xe container chết máy giữa đường sắt, phải nhờ người dân đẩy xe container lui ra khỏi đường ray mới tránh được tai nạn.

Tại khu vực cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) - cầu dành cho đường sắt lưu thông, có độ tĩnh không quá thấp, mực nước triều lại đang ngày càng cao nên đã xảy ra nhiều vụ tàu, ghe, sà lan va vào cầu. “Điều này không những gây nguy hiểm cho đường sắt mà đường thủy cũng tê liệt nếu xảy ra tai nạn” - ông Tường nói. Theo Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP.HCM, trong những năm qua đã xảy ra chín vụ tàu, ghe và sà lan va vào cầu Bình Lợi.

Ông Nguyễn Kim Lăng - phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - cho biết đường sắt quốc gia đi qua TP.HCM đang giao cắt với 14 con đường và cầu Bình Lợi là cực kỳ nguy hiểm. Hiện mật độ giao thông cả đường bộ và đường thủy ở TP.HCM tăng rất cao, khó tránh khỏi vụ tai nạn như ở cầu Ghềnh. Đây là bức xúc lớn nhất của TP, đòi hỏi ngành đường sắt cần sớm triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt mới Trảng Bom - Hòa Hưng (ga Sài Gòn).

Thực tế dự án tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng dài 48km qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về TP.HCM đã được nghiên cứu khả thi vào năm 1999. Trong đó, sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới ở phía nam TP Biên Hòa (thay tuyến đường sắt hiện hữu) nối về ga Dĩ An (Bình Dương), từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn dài 8km sẽ xây dựng đường sắt trên cao.

Theo ông Nguyễn Kim Lăng, dự án tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng sẽ xây dựng đường ray khổ 1,435m, thay cho đường ray hiện hữu 1m. Nếu các cơ quan chức năng có quyết tâm cao thì dự án có thể hoàn thành trong kế hoạch năm 2012-2017.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên