Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phóng to |
Ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư khóa X, chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu làm Tổng bí thư khóa XI - Ảnh: Việt Dũng |
Theo đó, Hội nghị trung ương lần thứ nhất (khóa XI) họp chiều 18-1 đã bầu 14 người vào Bộ Chính trị (xem danh sách trang 2), trong đó có năm người mới gồm: bà Tòng Thị Phóng (phó chủ tịch Quốc hội), ông Ngô Văn Dụ (chánh văn phòng Trung ương Đảng), ông Ngưyễn Xuân Phúc (bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), ông Đinh Thế Huynh (tổng biên tập báo Nhân Dân), ông Trần Đại Quang (thứ trưởng Bộ Công an). Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư. Bốn người được bầu vào Ban Bí thư, trong đó có ba thành viên mới gồm ông Trương Hòa Bình (chánh án Tòa án nhân dân tối cao), ông Ngô Xuân Lịch (phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN) và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội). Ủy ban Kiểm tra trung ương gồm 21 người và ông Ngô Văn Dụ, ủy viên Bộ Chính trị, được bầu làm chủ nhiệm.
Ngay sau khi công bố kết quả trên, 200 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết đã ra mắt đại hội.
Phóng to |
Ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XI |
Trước khi tặng hoa chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu: “Dù có nhiều cố gắng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, song bản thân tôi vẫn còn những việc thực hiện chưa được như mong muốn của Đảng và của nhân dân. Những hạn chế và khuyết điểm nêu trong báo cáo kiểm điểm có phần trách nhiệm của tôi...”.
Phát biểu bế mạc, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: trong những năm tới, mục tiêu cần phấn đấu thực hiện bằng được là “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Theo Tổng bí thư, đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ và nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta, gồm: cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ năm năm 2011-2015 và điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đại hội nhận thức sâu sắc, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh và có những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Đại hội đặc biệt nhất trí cao với yêu cầu cần kiên trì chỉ đạo thực thi và phát huy dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội, đảm bảo thực hiện bằng được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Trong những năm tới, nhiệm vụ xây dựng Đảng là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, để Đảng thật sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.
Đáng lưu ý là đại hội đã biểu quyết chọn tên gọi của cương lĩnh như dự thảo là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”. Riêng nội dung về “đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng”, đại hội nhất trí chọn phương án: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ”), thay vì phương án “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” (như dự thảo).
Trước khi chào cờ bế mạc, ông Ngô Văn Dụ - ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, trưởng đoàn thư ký - đọc toàn văn dự thảo nghị quyết của Đại hội XI. Đại hội đã thông qua nghị quyết với 100% ý kiến tán thành.
Nhiều điểm mới trong điều lệ Đảng Tại phiên bế mạc, ông Nguyễn Văn Chi - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - nhắc lại trong nhiệm kỳ của Đại hội X, đảng viên cấp dưới không được giám sát đảng viên cấp trên, tổ chức Đảng cấp dưới không được quyền giám sát tổ chức Đảng cấp trên. Ông Chi đề nghị cần ghi vào điều lệ quy định đảng viên cấp dưới có quyền giám sát đảng viên cấp trên, tổ chức Đảng cấp dưới có quyền giám sát Đảng cấp trên; giao Ban Chấp hành trung ương hướng dẫn và xây dựng quy chế giám sát. Theo ông Chi, có quy định như trên sẽ góp phần hạn chế những sai phạm của đảng viên cấp trên, chống lộng hành, mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền, gia trưởng... và phát huy dân chủ tốt hơn. Đa số phiếu biểu quyết đồng ý bổ sung câu “nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam” vào khoản 1, điều 1 của điều lệ để diễn đạt đầy đủ là: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam...”. Tương tự, đa số phiếu tán thành ghi vào điều lệ là đảng viên phải: ”Chấp hành quy định của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm”. Đại hội cũng biểu quyết nêu rõ chức danh Tổng bí thư là bí thư quân ủy Trung ương, bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận