15/01/2011 08:40 GMT+7

Không bầu người giàu bất thường vào Trung ương

K.HƯNG
K.HƯNG

TT - Hôm qua (14-1), đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục thảo luận tại hội trường về các văn kiện đại hội. Đề cập công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Chiến - chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - kiến nghị: “Trong lựa chọn các ủy viên trung ương kỳ này, ngoài tiêu chuẩn chung, cần coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Những biểu hiện giàu nhanh do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh do dùng tiền để chạy chức, chạy quyền thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị”.

4SnkZVj3.jpgPhóng to
Quầy sách phục vụ các đại biểu tham dự đại hội - Ảnh: Việt Dũng

Mặc dù chủ tọa khuyến khích đăng ký phát biểu trực tiếp để tranh luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tuy nhiên phần lớn là các tham luận chuẩn bị trước, chỉ có hai đại biểu Võ Đức Huy và Trần Du Lịch đăng ký phát biểu trực tiếp.

Tham nhũng chưa được đẩy lùi

Trong phần tham luận công tác xây dựng Đảng, ông Trịnh Long Biên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - cảnh báo những biểu hiện mất dân chủ, dân chủ hình thức; suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Ông Biên cho rằng mọi lĩnh vực đều phải được kiểm tra, giám sát. “Tổ chức Đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm càng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có “vùng cấm” trong công tác này” - ông nói.

Đại biểu Đỗ Hoài Nam, chủ tịch Viện Khoa học xã hội VN, cho rằng: “Sự cầm quyền của Đảng phải vì dân và dựa vào dân. Một thực tế đau lòng hiện nay là tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang phổ biến ở không ít nơi. Cùng với đó là nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị và đạo đức. Nếu cứ để xảy ra nghiêm trọng sẽ dẫn đến nguy cơ mất dân. Mất dân là mất Đảng, mất chế độ”.

Ông Nam cho rằng việc cầm quyền vì dân, dựa vào dân; cầm quyền theo hiến pháp và pháp luật; cầm quyền một cách khoa học, dân chủ sẽ tạo nền tảng vững chắc để Đảng Cộng sản VN cầm quyền trường tồn và lãnh đạo tốt quá trình đổi mới kinh tế và hệ thống chính trị.

Không công hữu kiểu “cha chung không ai khóc”

Ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đã phân tích tầm quan trọng của vấn đề dân chủ khi cụm từ này được đưa lên trước cụm từ “công bằng” trong đặc trưng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo ông Nghĩa, chế độ ta là chế độ dân chủ nên phải đưa dân chủ lên đúng tầm của nó. Ông Nghĩa cho rằng dù đã có những bước tiến trong phát huy dân chủ ở VN nhưng chưa phải thừa dân chủ: “Chúng ta phải tiếp tục tăng cường dân chủ. Bác Hồ nói dân chủ là chìa khóa vạn năng, khi thuận lợi cũng cần phát huy dân chủ, khi khó khăn càng phải phát huy dân chủ”.

Ông Nghĩa đồng tình dự thảo cương lĩnh nêu đặc trưng thứ hai của xã hội XHCN là “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”, đồng thời phản bác lại quan điểm công hữu không phải là gốc của xã hội XHCN mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc nêu trong phiên thảo luận ngày 13-1.

Ông Nghĩa phân tích: “Thứ nhất, nói chế độ công hữu là nói đặc trưng của chủ nghĩa xã hội khi đã xây dựng xong. Thứ hai, dự thảo nói công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu chứ không phải tất cả các tư liệu sản xuất đều công hữu. Thứ ba, nói đặc trưng này thì mới nói được đặc trưng cơ bản của quan hệ sản xuất XHCN là gì, phân biệt với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Thứ tư, nếu nói công hữu sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào hay kinh tế tư nhân sẽ bị hạn chế phát triển thì không phải vì vấn đề quan trọng là chính sách và pháp luật của chúng ta. Nếu chúng ta có chính sách thông thoáng, rộng mở thì chúng ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư”.

Ông Nghĩa khẳng định: “Công hữu như thế nào để tạo ra động lực cho người lao động là vấn đề cần nghiên cứu, còn kiểu công hữu tạo ra tình trạng cha chung không ai khóc thì rõ ràng không được”.

Không tranh luận vào những quan điểm còn khác nhau, ông Trần Du Lịch (đại biểu đoàn TP.HCM) nói: “Nếu vấn đề gì chưa rõ về lý luận và thực tiễn không yêu cầu phải giải quyết thì chúng ta chưa nên đưa vào văn kiện của Đảng. Tôi muốn Cương lĩnh lần này là một tuyên ngôn của Đảng trong 40 năm sắp tới sẽ xây dựng VN như thế nào. Nếu cái gì ảnh hưởng đến mục tiêu huy động nguồn lực, phát triển kinh tế, đầu tư, tái cấu trúc... thì tạm thời không đưa vào”.

Riêng vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai, ông Lịch cho rằng: “Thực tiễn đặt ra rất lớn và lúng túng trong sửa luật nên cần có chỉ đạo rõ ràng về quan hệ sở hữu. Tôi không chủ trương tư nhân hóa nhưng bản chất sự việc là gì thì gọi đúng bản chất, chứ không phải gọi tên khác. Nếu kéo dài thế này sẽ làm thất thoát tài nguyên đất đai”.

Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong muốn và trân trọng đề nghị Đảng lãnh đạo, tạo điều kiện để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng thanh niên.

Hai là, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức có hiệu quả phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, góp phần hỗ trợ thanh niên phát triển trong học tập, nghiên cứu khoa học, việc làm, vui chơi giải trí, chuẩn bị những kỹ năng xã hội cần thiết...

Ba là, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” rộng khắp trong tuổi trẻ cả nước để phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...

Bốn là, quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước”, không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thật sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

(Trích tham luận của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng tại Đại hội XI chiều 14-1)

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên